Việc tổ chức thực hiện các phiên tòa xét xử trực tuyến là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay
Từ khi Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 có hiệu lực đến nay, TAND tỉnh Kon Tum đã mở và đảm bảo an toàn 06 phiên toà xét xử trực tuyến 14 vụ án (trong đó 04 phiên xét xử 04 vụ, điểm cầu trung tâm đặt tại TAND tỉnh, điểm cầu thành phần đặt tại TAND huyện và 02 phiên điểm xét xử 10 vụ, cầu trung tâm đặt tại TAND cấp cao tại Đà Nẵng, điểm cầu thành phần đặt tại TAND tỉnh). Đây là những phiên tòa diễn ra theo hình thức trực tuyến xét xử các vụ án sơ thẩm, phúc thẩm như các phiên tòa xét xử trực tiếp. Các bị cáo đang tạm giam sẽ không phải đến địa điểm xét xử trung tâm mà sẽ ở điểm cầu thành phần do TAND chỉ định được kết nối qua các thiết bị trực tuyến.
Bị cáo tham gia phiên tòa xét xử trực tuyến
Theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021, TAND được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia và vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Trong giai đoạn đầu thực hiện, các phiên tòa xét xử án hình sự sẽ lựa chọn xét xử sơ thẩm các vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng nhưng chứng cứ rõ ràng. Đối với các vụ án hình sự phúc thẩm sẽ lựa chọn những vụ án bị cáo bị cấp sơ thẩm kết tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng mà bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, cải tạo không giam giữ hoặc đương sự đề nghị tăng mức bồi thường. Còn đối với các vụ án dân sự, hành chính, hôn nhân và gia đình thì sẽ xét xử những vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, tài liệu chứng cứ đầy đủ.
Để đảm bảo việc triển khai được thuận lợi, TAND tỉnh đã chuẩn bị chu đáo về trang thiết bị, đường truyền tín hiệu ở các điểm cầu. Tại phiên tòa xét xử trực tuyến, các cơ quan tiến hành tố tụng triển khai đầy đủ các thủ tục của một phiên tòa theo quy định; bị cáo, bị hại có mặt đúng giờ, đầy đủ, nghe rõ và trả lời rõ các câu hỏi, yêu cầu của Hội đồng xét xử. Phiên tòa trực tuyến diễn ra đảm bảo không khí trang nghiêm, trật tự, đường truyền giữa các điểm cầu ổn định, hoạt động nhịp nhàng và hiệu quả; trong quá trình tổ chức xét xử vẫn bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng, tôn trọng quyền con người và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia tố tụng tại các vụ án.
Bị cáo trả lời HĐXX và theo dõi phiên tòa trực tuyến qua thiết bị
Tại điểm cầu trung tâm và điểm cầu thành phần đã được trang bị máy tính điều khiển, màn hình và hệ thống âm thanh tốt nhất để đảm bảo tín hiệu liền mạch khi trao đổi thông tin giữa hai điểm cầu. HĐXX và đại diện Viện kiểm sát xét hỏi bị cáo qua hệ thống camera kết nối trực tuyến giữa hai điểm cầu. Hình ảnh, âm thanh giữa hai điểm cầu trực tuyến rõ ràng, không khác biệt so với xét xử khi bị cáo có mặt trực tiếp và các phiên tòa đều diễn ra thành công tốt đẹp.
Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là phù hợp với xu hướng hiện nay, để tiến tới xây dựng Tòa án thông minh, Tòa án điện tử mà TANDTC đang thực hiện. Việc tổ chức xét xử các phiên tòa theo hình thức trực tuyến sẽ tiếp cận được những ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng chủ trương, yêu cầu công tác cải cách tư pháp.
Khi Tòa án có thẩm quyền yêu cầu bảo vệ phiên tòa trực tuyến, lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp chủ trì, phối hợp với tòa án cùng cấp và các đơn vị, lực lượng khác có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ hỗ trợ bảo vệ phiên tòa trực tuyến theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP, ngày 15/12/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Cán bộ chiến sĩ lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, cơ sở giam giữ tham gia hỗ trợ phiên tòa lựa chọn cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, am hiểu về pháp luật, nghiệp vụ, có trình độ về công nghệ thông tin để hỗ trợ tổ chức phiên tòa trực tuyến. Phân công rõ trách nhiệm của đơn vị và cá nhân trong việc quản lý, vận hành hệ thống kỹ thuật, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu phiên tòa trực tuyến.
Tuy nhiên, trên thực tế đặt ra khi thực hiện các phiên tòa trực tuyến, thì cơ sở vật chất, trang thiết bị, đường truyền còn hạn chế, chưa được đầu tư đồng bộ nên việc tổ chức các phiên toàn xét xử trực tuyến còn gặp khó khăn, chưa bố trí được điểm cầu thành phần tại Trại tạm giam Công an tỉnh, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện. Để thực hiện tốt, đảm bảo các yêu cầu đặt ra và hiệu quả phiên tòa trực tuyến Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 50/QĐ-TANDTC, ngày 14/3/2022 Quyết định ban hành Hướng dẫn về trang bị, lắp đặt thiết bị phục vụ tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến cho phòng xử án của Tòa án các cấp.
Khi được lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống bảo mật và các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức phiên tòa trực tuyến, điểm cầu thành phần tại Trại tạm giam Công an tỉnh, Nhà tạm giữ cấp huyện thì các phiên tòa trực tuyến không phải trích xuất bị cáo từ Trại tạm giam Công an tỉnh hoặc Nhà tạm giữ cấp huyện để đến địa điểm tham gia phiên tòa sẽ đảm bảo an toàn và tiết kiệm được chi phí trích xuất, dẫn giải, bảo vệ phiên tòa đồng thời bảo đảm được thời gian xét xử./.