A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chi bộ 4: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần giải quyết khiếu kiện, đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn

         Trước tình hình hoạt động tranh chấp, khiếu kiện trên địa bàn tỉnh có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao Chi bộ 4 - Đảng bộ cơ sở Phòng An ninh đối nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) góp phần giải quyết khiếu kiện, đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn.

Thời gian qua, hoạt động tranh chấp, khiếu kiện trên địa bàn tỉnh có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp, tình trạng quần chúng tập trung đông người, thắc mắc khiếu kiện kéo dài liên quan đến việc đền bù, giải tỏa mặt bằng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; công nhân, hộ nhận khoán tranh chấp đất đai, hợp đồng giao, nhận khoán với các nông, lâm trường… diễn ra rất phổ biến ở hầu hết các huyện, thành phố. Các hoạt động trên được thực hiện với đông người tham gia, thành phần đa dạng (người già, phụ nữ, trẻ em, đối tượng chính sách…), phát sinh các hành động gây mất ANTT như: La hét, nhục mạ cán bộ, đe dọa, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, số đầu đơn tỏ ra bất hợp tác, gây sức ép với chính quyền, đòi yêu sách phi lý... Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có thể nhận thấy nguyên nhân chủ yếu là do công tác tuyên truyền, PBGDPL thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc người dân thiếu nhận thức pháp luật làm nảy sinh các tranh chấp, khiếu kiện, gây mất an ninh, tật tự ở địa phương.

Từ thực tế trên, nhận thức được tầm quan trọng và vai trò, ý nghĩa của công tác tuyên truyền, PBGDPL - là một trong những công tác quan trọng, là cầu nối, phương tiện không thể thiếu để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn, nhất là liên quan đến quyền và trách nhiệm trong hoạt động khiếu nại, tố cáo… Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao và thường xuyên bám sát các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật về PBGDPL của cấp ủy Đảng cấp trên, Bộ Công an, Công an tỉnh, Chi bộ 4 đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ thực hiện các nhiệm vụ sau:

Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác tuyên truyền, PBGDPL trong đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng do các cấp tổ chức; lồng ghép nội dung PBGDPL vào các buổi sinh hoạt hằng ngày; tổ chức, hướng dẫn cho đảng viên, CBCS tự nghiên cứu các văn bản pháp luật mới như: Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Công an nhân dân… Trên cơ sở đó vận dụng hiệu quả vào công tác tuyên truyền, vận động; xem xét, đánh giá thực trạng những tồn tại, vướng mắc, kiến nghị các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình áp dụng những nội dung tuyên truyền PBGDPL phù hợp với trình độ nhận thức, hiểu biết và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, với lứa tuổi, từng đối tượng đặc thù, đảm bảo đúng thực tiễn ở địa phương.

Thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đơn vị có liên quan tiến hành các đợt phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tập trung vào các địa bàn trọng điểm về ANTT, thường xuyên xảy ra tranh chấp, khiếu kiện; vận động, tuyên truyền người dân, NCUT trong dân tộc, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo… cùng tham gia với cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng Công an giải quyết có hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện nảy sinh tại địa bàn dân cư trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội có liên quan đến dân tộc, tôn giáo… không để phát sinh “điểm nóng” về ANTT.

Đổi mới nội dung, nhân rộng các mô hình PBGDPL có hiệu quả, thiết thực về phong trào bảo vệ ANTQ trong tình hình mới với nhiều hình thức tuyên truyền, PBGDPL linh hoạt, đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng như: Đẩy mạnh và tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như trên báo, đài, website, mạng xã hội (Zalo, Facebook, Youtube...); phổ biến pháp luật trực tiếp (trong các hội nghị phổ biến pháp luật của cơ quan, tổ chức; họp tổ dân phố, các buổi sinh hoạt thôn, làng, hòa giải ở cơ sở…...); tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật (thông qua các hoạt động tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo; các hoạt động nắm tình hình bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở...); tham gia các cuộc thi, hội thi được tổ chức trực tuyến; các mô hình đảm bảo ANTT ở khu dân cư…

Qua đó, đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, làm chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong việc chấp hành các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, từng bước ngăn chặn và hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tranh chấp khiếu kiện, đảm bảo sự ổn định việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.


Tác giả: Thao Chí Đức