Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên tuyến biên giới
Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở Bắc Tây Nguyên, không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng cả về địa - chính trị, địa - kinh tế mà còn là mảnh đất có nền văn hoá truyền thống rất phong phú, đa dạng, với nhiều màu sắc văn hoá được giao thoa giữa các dân tộc ít người trong quá trình tụ cư xen kẽ với nhau từ lâu đời. Trên địa bàn, đại bộ phận là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nên hầu hết các xã đều có đông người DTTS sinh sống, tập trung ở những khu vực kém phát triển, trình độ dân trí, ý thức chấp hành pháp luật còn thấp, nhất là tại khu vực biên giới. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả trong đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới góp phần giữ vững, ổn định vùng biên, song song với việc triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ, thời gian qua, Công an tỉnh Kon Tum đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân khu vực biên giới, nhất là cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giúp cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Kon Tum và nhân dân khu vực biên giới tỉnh Kon Tum nắm chắc các quy định của pháp luật, và vận dụng linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ góp phần đấu tranh hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật trên tuyến biên giới góp phần đảm bảo an ninh trật tự cũng như bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn. Triển khai hoạt động này, Công an tỉnh đã chủ động xây dựng các Kế hoạch tuyên truyền và chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc. Lãnh đạo Công an tỉnh đã yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện, đặc biệt là Công an các huyện biên giới tập trung rà soát, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên tuyến biên giới; đồng thời tập trung nâng cao chất lượng các bài tuyên truyền, tổ chức quán triệt đẩy đủ các nội dung tuyên truyền phù hợp đặc điểm, tình hình, trình độ nhận thức của quần chúng nhân dân trên địa bàn.
Đáng chú ý, ngày 04/4/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2024-2030” (sau đây gọi là Đề án). Theo đó, Đề án hướng đến mục tiêu xây dựng và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao nâng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa bàn này đi vào nền nếp, thực chất, hiệu quả, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật và năng lực sử dụng pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; góp phần củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Ngay sau khi Đề án được ban hành, Lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, cho đồng bào dân tộc thiểu trên tuyến biên giới nói riêng.
Chú trọng lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt cộng đồng của bà con
Thực hiện ý kiến chỉ đạo, các đơn vị trong Công an tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án bảo đảm sát yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế của đơn vị, địa bàn, nhất là đối với địa bàn biên giới. Đặc biệt, Công an các huyện biên giới đã tích cực, chủ động nghiên cứu, vận dụng nội dung Đề án vào thực tiễn với nhiều đổi mới, qua đó nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật trong Công an nhằm triển khai đa dạng các mô hình, hình thức trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên tuyến biên giới. Mặt khác, từ kết quả thực hiện các mô hình, hình thức trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các đơn vị cũng chủ động nhân rộng những mô hình tuyên truyền hay, khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền; đa dạng hóa hơn nữa các nội dung tuyên truyền; chủ động đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với tình hình từng địa bàn biên giới: lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt của thôn; các buổi chào cờ đầu tuần; phổ biến trên các phương tiện thông tin, đại chúng, loa truyền thanh ở cơ sở; tổ chức đối thoại trực tiếp để kịp thời giải quyết những vướng mắc của nhân dân. Ngoài việc tuyên truyền tập trung tại các buổi sinh hoạt cộng đồng, phát động phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, thời gian gần đây, cán bộ chiến sĩ các đơn vị trong Công an tỉnh đã đến từng nhà tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số. Với hình thức tuyên truyền trực tiếp, những nội dung người dân chưa hiểu sẽ được cán bộ trao đổi, giải thích cặn kẽ, giúp người dân nắm bắt đầy đủ những qui định của pháp luật. Đồng thời, thành lập các câu lạc bộ Tư vấn pháp luật, Tổ hòa giải kiêm Tổ Tự quản an ninh trật tự thôn, làng; ngăn sách, tủ sách pháp luật tại các xã biên giới. Qua đó, kịp thời tư vấn, giải đáp những vấn đề pháp luật cho nhân dân.
Nhìn chung, nhờ quan tâm triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, Nhân dân khu vực biên giới; phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Từ đó nâng cao hiệu quả trong đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trên tuyến biên giới,đảm bảo an ninh trật tự cũng như bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn.
Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên tuyến biên giới góp phần đảm bảo an ninh vùng biên của Công an tỉnh Kon Tum, cần tập trung:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các Đề án, kế hoạch của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, UBND tỉnh trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật,trọng tâm là Quyết định số 279/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2024-2030”.
Thứ hai, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác về vị trí, tầm quan trọng của công tác này trong đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ Công an làm công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, quan tâm thực hiện chế độ chính sách, kịp thời động viên khen thưởng cán bộ chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ, có thành tích các trong thực hiện công tác, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.
Thứ ba, chủ động xây dựng các Kế hoạch tuyên truyền và chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc. Thường xuyên tiến hành rà soát, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên tuyến biên giới; đồng thời tập trung nâng cao chất lượng các bài tuyên truyền, tổ chức quán triệt đẩy đủ các nội dung tuyên truyền phù hợp với đặc điểm và trình độ nhận thức của quần chúng nhân dân trên địa bàn.
Thứ tư, nhân rộng những mô hình tuyên truyền hay, khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền; đa dạng hóa hơn nữa các hình thức tuyên truyền; nội dung tuyên truyền. Trong đó, cần tập trung vào các nội dung liên quan trực tiếp đến đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới, công tác bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và trách nhiệm của Nhân dân đối với công tác này.