A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những quy định mới về quản lý và sử dụng con dấu

 

Ngày 01/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 99/2016/NĐ-CP quy định về việc quản lý và sử dụng con dấu (gọi tắt là Nghị định 99), Nghị định này chính thức thay thế Nghị định 58/2001/NĐ-CP và 31/2009/NĐ-CP vốn không phù hợp với thực tế từ khi Luật doanh nghiệp 2014 chính thức có hiệu lực (01/7/2015). Theo đó, có một số điểm nổi bật như sau:

1. Con dấu quy định tại Nghị định 99 là hình tròn, mực dấu màu đỏ

Khác với quy định tại Luật doanh nghiệp 2014 và Nghị định 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 doanh nghiệp được quyền tự quyết về số lượng, hình thức và màu con dấu thì con dấu quy định tại Nghị định 99 chỉ có 1 hình thức và màu duy nhất là hình tròn và màu đỏ, bao gồm: Con dấu có hình Quốc huy, con dấu có hình biểu tượng, con dấu không có hình biểu tượng, được sử dụng dưới dạng dấu ướt, dấu nổi, dấu thu nhỏ, dấu xi.

 

Con dấu hình tròn (Hình ảnh minh họa)


2. Con dấu quy định tại Nghị định 99 được sử dụng như thế nào?

Trong quy định tại Nghị định 99 con dấu được sử dụng trong các cơ quan nhà nước và trong các tổ chức không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp 2014, Nghị định 96/2015/NĐ-CP và được phép sử dụng trong các trường hợp cụ thể:

– Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước chỉ được: Sử dụng một con dấu theo mẫu quy định và khi có quy định được phép sử dụng con dấu trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền; phải đăng ký mẫu con dấu trước khi sử dụng;

– Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước có chức năng cấp văn bằng, chứng chỉ và giấy tờ có dán ảnh hoặc niêm phong tài liệu theo quy định chỉ được phép sử dụng dấu nổi, dấu thu nhỏ hoặc dấu xi;

– Việc sử dụng con dấu có hình quốc huy phải được quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức hoặc được quy định trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

3. Trường hợp cần sử dụng thêm con dấu thì phải làm gì?

Trong trường hợp cần thiết phải sử dụng thêm con dấu như con dấu đã cấp (dấu ướt, dấu nổi, dấu thu nhỏ, dấu xi) thực hiện theo quy định sau:

– Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước đăng ký thêm dấu ướt: Phải có văn bản cho phép được sử dụng thêm dấu ướt của cơ quan có thẩm quyền;

– Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước đăng ký sử dụng thêm dấu nổi, dấu thu nhỏ, dấu xi phải có văn bản đề nghị đăng ký thêm con dấu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc chức danh nhà nước. Đối với tổ chức kinh tế đăng ký thêm con dấu thì phải có văn bản đề nghị đăng ký thêm con dấu của người đứng đầu tổ chức kinh tế.

4. Các hành vi bị nghiêm cấm

– Làm giả con dấu, sử dụng con dấu giả.

– Mua bán con dấu, tiêu hủy trái phép con dấu.

– Sử dụng con dấu hết giá trị sử dụng.

– Cố ý làm biến dạng, sửa chữa nội dung mẫu con dấu đã đăng ký.

– Không giao nộp con dấu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đăng ký mẫu con dấu.

– Mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp con dấu, sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức khác để hoạt động…

Nghị định 99/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, thay thế 02 Nghị định: Nghị định số 58/2001/NĐ-CP ngày 24/8/2001 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu và Nghị định số 31/2009/NĐ-CP ngày 01/4/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2001/NĐ-CP.


Cường Mạnh – Phòng Tham mưu


Tin liên quan