A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người dân đi máy bay nội địa có thể sử dụng thông tin giấy tờ cá nhân đã được tích hợp trên ứng dụng VNeID để xác thực danh tính

Trước đây, người dân khi đi máy bay phải dùng các loại giấy tờ tùy thân như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu, giấy phép lái xe... để làm thủ tục lên máy bay. Đến nay, khi đi máy bay nội địa, người dân không cần mang theo giấy tờ tùy thân, chỉ cần sử dụng ứng dụng VNeID trên điện thoại để có thể làm thủ tục bay.

Theo quy định tại Khoản 8, Điều 13 Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử nêu rõ: “Khi chủ thể danh tính điện tử sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trong các hoạt động, giao dịch điện tử thì có giá trị tương đương với việc xuất trình giấy tờ, tài liệu để chứng minh thông tin đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử”, ngày 11/4/2023, Bộ Công an có Văn bản số 1101/BCA-QLHC hướng dẫn thực hiện quy định trên.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Công an và chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải tại Văn bản số 3823/BGTVT-TTCNTT ngày 17/4/2023, Cục Hàng không Việt Nam ban hành Văn bản số 2188 ngày 02/5/2023 về việc sử dụng thông tin, giấy tờ tích hợp trên ứng dụng VNeID. Theo đó, người dân, hành khách chỉ cần có tài khoản định danh điện tử ở mức độ 2, ứng dụng VNeID là hoàn toàn có thể thay thế các giấy tờ tùy thân khác để sử dụng những dịch vụ bay của hàng không nội địa.

Lực lượng chức năng tiến hành thu nhận Căn cước công dân gắn chíp tại nhà cho người dân già yếu trên địa bàn

Như vậy, ngoài các loại giấy tờ tùy thân như chứng minh thư, Căn cước công dân, giấy phép lái xe, thẻ nhà báo, giấy xác nhận nhân thân… để làm thủ tục bay, người dân đi máy bay nội địa có thể sử dụng thông tin giấy tờ cá nhân đã được tích hợp trên ứng dụng VNeID để xác định danh tính khi làm thủ tục thay cho các loại giấy tờ tùy thân. Lưu ý, tài khoản định danh điện thử phải ở mức độ 2 mới có thể thực hiện được việc này (những người đang sử dụng tài khoản định danh điện tử ở mức độ 1 sẽ không thể dùng ứng dụng VNeID để thay thế Căn cước công dân khi làm thủ tục tại sân bay).

Để đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2, sau khi đã có Căn cước công dân gắn chíp, công dân cần trực tiếp đến nơi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân (không phụ thuộc vào nơi đăng ký thường trú hay tạm trú) để làm thủ tục cấp tài khoản định danh tử. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, có 11 đơn vị thực hiện việc thu nhận tài khoản định danh điện tử mức độ 2 gồm: Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Số 70 Lê Hồng Phong, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum hoặc số 496 Trần Phú, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum)10 Công an các huyện, thành phố (Công an thành phố Kon Tum - Số 07 Phan Văn Bảy, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Công an huyện Kon Plong; Sa Thầy; Kon Rẫy; Đăk Hà; Ia H’Drai; Đăk Tô; Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Ngọc Hồi).

Tích cực thu nhận, tích hợp các loại giấy tờ vào Căn cước công dân gắn chíp, tạo tài khoản định danh điện tử cho công dân, giảm thiểu các loại giấy tờ trong giao dịch hành chính

Thời gian qua, Bộ Công an đã vận động người dân đổi Chứng minh nhân dân 09 số, 12 số và Căn cước công dân mã vạch sang Căn cước công dân gắn chíp, đăng nhập tài khoản VNeID trên điện thoại thông minh và triển khai kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Đây là những điều kiện cơ bản để tích hợp giấy tờ tùy thân của công dân vào "ví giấy tờ" trên điện thoại thông minh, hướng tới việc thực hiện các thủ tục hành chính (gồm thủ tục đi máy bay) mà không cần giấy tờ gốc.

Tài khoản định danh điện tử mức 2 của người dân đã được kích hoạt trên VNeID

Các bước sử dụng giấy tờ đã tích hợp trên VNeID gồm:

- Bước 1: Công dân đăng nhập ứng dụng VNeID bằng tài khoản định danh điện tử mức 2 và bật chức năng “Xác minh ứng dụng qua QR code” trong mục “Cá nhân”.

- Bước 2: Tại “Trang chủ”, chủ tài khoản tạo QR code định danh điện tử (mã QR chỉ có hiệu lực trong vòng 1 phút. Hết 1 phút, công dân phải thực hiện tạo lại mã).

- Bước 3: Cán bộ giải quyết thủ tục hành chính thực hiện đăng nhập vào ứng dụng VNeID bằng tài khoản định danh điện tử mức 2, sau đó thực hiện quét mã QR của công dân ở Bước 1 để xác định ứng dụng VNeID của công dân là thật hay giả. Kết quả hiển thị trên màn hình ngay sau khi quét mã.

- Bước 4: Sau khi chứng minh ứng dụng VNeID của mình, công dân có thể sử dụng chức năng hiển thị thông tin, giấy tờ tích hợp của mình trong mục “Ví, giấy tờ” để xuất trình cho cán bộ giải quyết thủ tục hành chính.

Ứng dụng VNeID là ứng dụng do Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư - Bộ Công an Việt Nam phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Ứng dụng VNeID có giá trị sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống, định danh công dân trên môi trường kỹ thuật số, cung cấp các tiện ích phát triển công dân số, chính phủ số, xã hội số./.

 


Tác giả: Nguyễn Thị Tâm