Công tác trọng tâm bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2023.
Để chủ động triển khai thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) theo chức năng, nhiệm vụ được giao, ngày 23 tháng 02 năm 2023, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh đã ban hành Chương trình số 447/ CTr-BCĐ về công tác trọng tâm bảo đảm ATTP năm 2023.
Chương trình nhằm mục đích tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh. Xác định rõ những nội dung, hoạt động cụ thể có trọng tâm, trọng điểm trong công tác bảo đảm ATTP. Triển khai đầy đủ các nội dung của Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới; Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới đến các cơ quan, đơn vị và người tiêu dùng thực phẩm. Tạo tiền đề để giai đoạn sắp tới công tác bảo đảm ATTP phải tiến tới thực phẩm tiêu dùng trong nước có chất lượng, an toàn như hàng xuất khẩu; truy xuất được nguồn gốc; có chỉ dẫn địa lý.
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Chương trình đã đề ra mục tiêu chung đó là quản lý và kiểm soát ATTP góp phần cải thiện được tình trạng vệ sinh ATTP tại địa phương, phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được trong năm 2023: Không có vụ ngộ độc thực phẩm từ 30 người mắc trở lên; Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính trong vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận trên 100.000 dân là dưới 07; Tỷ lệ các cơ cở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại A, B đạt 100% (bằng với năm 2022); Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định ATTP < 2% so với số mẫu được giám sát; Giảm số vụ ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ (so với năm 2022); Thanh tra, kiểm tra 100% cơ sở sản xuất ban đầu, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố có nguy cơ cao gây mất ATTP.
Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp, đó là:
Tăng cường năng lực của hệ thống quản lý ATTP. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bảo đảm ATTP. Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho địa phương trong quản lý ATTP, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đầu tư trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ, hóa chất phục vụ hoạt động chuyên môn về ATTP.- Tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất rau an toàn, khu giết mổ động vật tập trung, nhất là thành phố Kon Tum (nơi có nhiều cơ sở giết mổ động vật nhỏ, lẻ). Quản lý có hiệu quả các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ, lẻ, rải rác trong khu dân cư, các cơ sở không đăng ký kinh doanh. Quy hoạch, sắp xếp các khu vực kinh doanh thức ăn đường phố, khu vực buôn bán tại trung tâm thương mại, chợ cho phù hợp, bảo đảm ATTP.
Đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông bảo đảm ATTP bằng các hình thức: Thực hiện thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về ATTP: Xây dựng và phát triển các kỹ năng truyền thông; nâng cao số lượng, chất lượng các tài liệu và thông điệp truyền thông về ATTP cho các nhóm đối tượng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; tổ chức thực hiện công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP cho nhân dân trên địa bàn. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: Ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng để thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP trên sóng phát thanh, sóng truyền hình; hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn; việc thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng không thu phí, trừ trường hợp thực hiện theo hợp đồng riêng với chương trình, dự án hoặc do tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ. Chú trọng nêu gương các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp hành tốt các quy định của pháp luật và nêu tên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có hành vi vi phạm pháp luật về ATTP. Thông qua hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt của các đoàn thể, tổ chức xã hội và các loại hình văn hoá quần chúng khác: Tổ chức hội nghị, hội thảo, các buổi nói chuyện, lớp giáo dục truyền thông... về sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; cách lựa chọn, bảo quản thực phẩm an toàn; phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng, hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, thái độ của người tiêu dùng, chủ động không sử dụng các thực phẩm không bảo đảm ATTP.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thực hiện kiểm tra chuyên ngành việc chấp hành các quy định về điều kiện bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và hậu kiểm đối với những cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, đối với những sản phẩm tự công bố, đăng ký công bố và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm nông, lâm sản, thủy sản, dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi. Phối hợp liên ngành kiểm tra ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong các đợt trọng điểm: Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu và đột xuất theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP. Lấy mẫu kiểm nghiệm phục vụ kiểm tra, hậu kiểm bảo đảm ATTP theo các nhóm thực phẩm; phân tích đánh giá để phục vụ công tác quản lý. Truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm, nông, lâm sản, thủy sản không bảo đảm an toàn. Kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp, bảo đảm sử dụng đúng chất lượng, chủng loại, liều lượng, thời gian cách ly của các loại vật tư nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm. Kiểm soát chặt chẽ các điểm giết mổ gia súc, gia cầm, kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ tự phát, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo đảm điều kiện ATTP trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc và gian lận thương mại.
Điều tra, giám sát ngộ độc thực phẩm, giám sát nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm và phân tích nguy cơ ATTP; cảnh báo, xử lý các sự cố về ATTP. Kiểm soát điều kiện bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại địa phương. Thực hiện giám sát ngộ độc thực phẩm, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và phân tích ATTP, cảnh báo, xử lý các sự cố về ATTP. Thu thập thông tin, cập nhật số liệu, xử lý số liệu, tổng hợp báo cáo công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm theo quy định và đột xuất theo yêu cầu. Điều tra, xử lý kịp thời khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra; lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm, xét nghiệm tìm nguyên nhân ngộ độc thực phẩm; báo cáo kết quả điều tra theo quy định. Mua sắm trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ, hóa chất phục vụ hoạt động chuyên môn về ATTP. Lấy mẫu giám sát, gửi mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu đánh giá ô nhiễm về vi sinh, hóa học theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định về ATTP hiện hành, cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng biết thực phẩm không an toàn để phòng ngừa.
Xây dựng, áp dụng các mô hình tiên tiến đạt chuẩn về ATTP. Tiếp tục duy trì, xây dựng, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông thủy sản an toàn; chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, chuỗi giá trị nông lâm thuỷ sản; xây dựng mô hình sản xuất nông lâm thủy sản áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (như VietGAP, GlobalGAP, 4C, UTZ, Fairtrade,...); cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở sơ chế, chế biến, nông lâm thủy sản; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX áp dụng, chứng nhận HACCP, ISO 22000, FSSC hoặc tương đương nhằm đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo điều kiện ATTP cũng như yêu cầu của các đối tác tiêu thụ và các thị trường xuất khẩu; xây dựng, vận hành mô hình chợ đầu mối, chợ truyền thống đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm ATTP. Củng cố và mở rộng chỉ tiêu đăng ký với Văn phòng Công nhận chất lượng; chuẩn hóa phòng kiểm nghiệm phù hợp theo ISO/IEC17025:2017 về các chỉ tiêu phân tích trong lĩnh vực hóa - lý và vi sinh. Duy trì và phát triển hệ thống quản lý chất lượng VILAS 648 về kiểm nghiệm ATTP của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum.
Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an phối hợp các lực lượng của địa phương tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, tập trung nắm tình hình, phát hiện đấu tranh, ngăn chặn đối với hành vi vận chuyển thực phẩm nhập lậu qua biên giới. Ngăn chặn các hành vi kinh doanh, vận chuyển thực phẩm không bảo đảm ATTP vào tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Điều tra, xử lý và hỗ trợ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định.