Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh trong năm 2023
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ngày 16/01/2023, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành Chương trình công tác số 117/CTr-BCĐ389 về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2023.
Ảnh minh họa
Chương trình đề ra những nội dung công tác trọng tâm đó là:
Các Sở, ban ngành, lực lượng chức năng tiếp tục chủ động triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xác định lĩnh vực công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các sở, ngành, địa phương; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu và xử lý theo quy định của pháp luật.
Chủ động nắm thông tin, dự báo tình hình và diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề ra giải pháp ứng phó phù hợp khi có tình huống biến động bất thường trên thị trường. Tăng cường công tác chống đầu cơ, găm hàng, các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về giá như: Không đăng ký giá, không kê khai giá, không niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, tăng giá quá mức; đồng thời kiểm tra, rà soát lại việc đăng ký kinh doanh và kinh doanh theo nội dung đăng ký, trong đó chú trọng kiểm tra hoạt động kinh doanh có điều kiện là trọng tâm.
Tăng cường đấu tranh ngăn chặn tình trạng buôn lậu; chú trọng kiểm tra, kiểm soát, chống vận chuyển, tàng trữ, mua bán hàng cấm, hàng nhập lậu; tập trung đánh trúng, đánh đúng các đối tượng đầu nậu; điều tra xác minh, phát hiện, xử lý nghiêm đường dây, ổ nhóm buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả có giá trị lớn, nhất là các đối tượng có vai trò chủ mưu, cầm đầu để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tập trung kiểm tra, kiểm soát chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về đo lường, chất lượng hàng hóa của các cơ sở sản xuất, kinh doanh để phát hiện các thủ đoạn gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng; đặc biệt, chú trọng công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp, hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng; Ban quản lý chợ, siêu thị tại các huyện, thành phố; các hiệp hội ngành hàng (Gas, Xăng dầu, Phân bón, Thuốc lá, Bia - Rượu - Nước giải khát) thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các thương nhân không buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và tích cực hưởng ứng, tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại; cần bổ sung hình thức tuyên truyền trực quan tại các địa bàn trọng điểm, các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối, trụ sở các cơ quan chức năng với nội dung phù hợp (pano, áp phích, biển bảng…). Thường xuyên cập nhật thông tin, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại, đặc biệt là bộ phận dân cư ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhằm hạn chế việc các đối tượng này bị lợi dụng lôi kéo tham gia buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với sản phẩm sâm củ Ngọc Linh và Nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các loại thuốc và các mặt hàng vật tư y tế giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.
Vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thực hiện ký cam kết không tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, đặc biệt là hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính, sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi và kinh doanh gia súc, gia cầm…; công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các đối tượng có hành vi vi phạm nghiêm trọng, các vụ việc vi phạm có quy mô lớn cùng với kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này cho Nhân dân được biết.
Để thực hiện có hiệu quả những nội dung công tác trọng tâm nêu trên, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các lực lượng chức năng theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm:
Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng trên cơ sở phân công nhiệm vụ cụ thể để phát huy sức mạnh tổng hợp, đồng bộ, hiệu quả giữa các lực lượng ở biên giới cửa khẩu và trong nội địa. Trong đó: Lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng chịu trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Lực lượng Công an tập trung đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu; ngăn chặn, bắt giữ vận chuyển hàng lậu trên các tuyến đường quốc lộ đoạn qua tỉnh Kon Tum, tuyến đường nối khu vực Cửa khẩu quốc tế Bờ Y với trung tâm các huyện, thành phố trong tỉnh. Lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa. Chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an triệt phá các tụ điểm tập kết, buôn bán hàng lậu, hàng giả. Lực lượng thanh tra chuyên ngành trên cơ sở chức năng, thẩm quyền theo quy định chủ trì phối hợp cùng các lực lượng chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực, ngành hàng thuộc ngành mình quản lý. Tổ Công tác liên ngành 389 tỉnh tăng cường trinh sát, nắm tình hình, tham mưu Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo, quyết định kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, công nghiệp trên địa bàn và lĩnh vực được giao. Đặc biệt tập trung vào các vụ việc có quy mô lớn và phức tạp mà các đối tượng vi phạm thường hoạt động trên các địa bàn liên huyện, thành phố và trên các tuyến đường giao thông trọng điểm của tỉnh.
Chủ động nắm tình hình, xác định trọng điểm về địa bàn, tuyến, lĩnh vực, mặt hàng, đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động, các mặt hàng cần chú ý: Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh. Các mặt hàng cấm: Ma túy, vũ khí, chất nổ, tài liệu phản động, động vật hoang dã, pháo nổ; đồ chơi mang tính bạo lực, có khả năng gây nguy hiểm cho trẻ em,… Đặc biệt, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống hoạt động vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu. Các mặt hàng tiêu dùng ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống Nhân dân: dược phẩm, vật tư y tế, mỹ phẩm, sữa, thực phẩm chức năng, thực phẩm, gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm, các mặt hàng điện tử, mũ bảo hiểm, đường, vải, quần áo, văn hóa phẩm các loại và các mặt hàng tiêu dùng khác tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong sản xuất và đời sống,… Các mặt hàng có thuế suất cao, hàng hóa có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế: Vàng bạc, ngoại tệ, rượu, bia, gỗ, “các loại lâm sản”,… Các mặt hàng ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc thiết bị, phụ tùng đã qua sử dụng, nguyên phụ liệu công nghiệp (đặc biệt là hóa chất dùng trong công nghiệp), các loại chất cấm trong chăn nuôi,… Các mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá, như: Lương thực, thực phẩm, xăng dầu, xi măng, sắt thép, gas, muối, đường, thuốc phòng chữa bệnh,… Các sản phẩm sâm củ Ngọc Linh "Sâm củ, hạt, lá và các loại dược liệu, sảm phẩm từ Sâm Ngọc linh" và nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, tham mưu Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành 389 trong trường hợp cần thiết; xây dựng kế hoạch, phương án kiểm tra, kiểm soát cụ thể đối với từng chuyên đề, nhóm mặt hàng nhằm tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, chú ý các mặt hàng thiết yếu trong danh mục hàng hóa bình ổn giá; đề xuất giải pháp xử lý kịp thời, góp phần từng bước ổn định thị trường trên địa bàn tỉnh. Tổng hợp, kiến nghị cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc, bất cập chồng chéo trong các văn bản chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới.