A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2022

Ngày 14/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành QUyết định số 76/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2022.

Theo đó, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2022 phải đảm bảo các yêu cầu: Thực hiện đầy đủ nguyên tắc, phạm vi trách nhiệm, nội dung và hình thức theo dõi thi hành pháp luật được quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình tổ chức theo dõi thi hành pháp luật. Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện công việc được giao. Bảo đảm sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức, cá nhân trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Các nội dung chính của Kế hoạch bao gồm:

Về lĩnh vực, phạm vi, đối tượng theo dõi: (1) Theo dõi tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. (2) Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong tự chủ đại học thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. (3) Theo dõi tình hình thi hành pháp luật về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Về các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật: (1) Ban hành kế hoạch theo dõi. (2) Xây dựng danh mục các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn, đôn đốc thực hiện. (3) Tổ chức thu thập, xử lý thông tin. (4) Kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật. (5) Tổ chức Hội nghị xử lý kết quả kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao: Trong phạm vi quản lý nhà nước được giao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm: (1) Kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành, địa phương; (2) Bố trí công chức thực hiện nhiệm vụ, kinh phí và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật hiệu quả, đúng pháp luật; (3) Công bố công khai kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trừ các nội dung thuộc bí mật công tác, bí mật nhà nước; (4) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; (5) Tổng hợp kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật về lĩnh vực trọng tâm, liên ngành trong Báo cáo về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2022 của bộ, ngành, địa phương và gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 10 tháng 12 năm 2022 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Khánh Vi


Tin liên quan