A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ ngày 15/3 – 14/12/2022, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ

Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ sẽ được thực hiện từ ngày 15/3 – 14/12/2022.

Tại Kế hoạch, Cục CSGT chỉ đạo lực lượng CSGT thuộc Cục và CSGT các đơn vị địa phương huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ, xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm theo chuyên đề chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ.

Lực lượng CSGT thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các trường hợp chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện, thay đổi kích thước thùng xe. Khi kiểm soát, thông qua vận đơn, chứng từ vận chuyển hàng hóa, có thể thực hiện việc đo, đếm số lượng hàng hóa đã được đóng thành kiện, bao, gói theo quy cách để xác định trọng lượng hàng hóa và tiến hành cân tải trọng theo quy định.

Trường hợp phát hiện vi phạm, tiến hành lập biên bản xử lý theo đúng quy định pháp luật, đồng thời yêu cầu chủ xe, lái xe có trách nhiệm khắc phục hậu quả theo quy định mới cho xe tiếp tục lưu hành (trừ trường hợp phải tạm giữ xe theo quy định của pháp luật).

Đối với các phương tiện vi phạm kích thước thùng xe, tự ý cải tạo phương tiện khi xử lý phải sử dụng camera ghi lại hình ảnh các phương tiện vi phạm; đồng thời, lập danh sách gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam để cảnh báo, yêu cầu khôi phục lại tình trạng theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi kiểm định.

Trường hợp lái xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra tải trọng hoặc không đồng ý với kết quả cân tải trọng, cố tình tụ tập xe thành đoàn gây cản trở giao thông hoặc gây áp lực, cản trở, chống đối lực lượng thi hành công vụ thì ngoài việc sử dụng thiết bị nghiệp vụ ghi nhận lại để làm căn cứ xử lý, phải báo cáo cho lãnh đạo đơn vị để huy động lực lượng hỗ trợ; đồng thời, phân luồng, điều tiết giao thông không để xảy ra ùn tắc. Đối với các trường hợp dừng xe nhưng lái xe không chấp hành, bỏ chạy thì phải nhanh chóng ghi nhận các đặc điểm của xe và người lái xe; thông báo cho các Tổ CSGT liền kề trên tuyến, các lực lượng khác hỗ trợ dừng xe để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Khi xử lý các trường hợp quá tải phải rà soát trong hồ sơ, cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm (lái xe, chủ xe, chủ hàng…) để phát hiện các trường hợp tái phạm, áp dụng xử phạt tình tiết tăng nặng theo quy định của pháp luật, cũng như kiến nghị với các cấp có thẩm quyền trong việc cấp, thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải…

Trên cơ sở thống kê các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn địa phương có dấu hiệu vi phạm chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn để có biện pháp tuyên truyền, yêu cầu các tổ chức, cá nhân ký cam kết không chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện, thay đổi kích thước thùng xe khi tham gia giao thông và theo dõi việc chấp hành cam kết, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cam kết để nâng cao tính răn đe, phòng ngừa.

Kiến nghị ngành Giao thông vận tải tổ chức kiểm soát tải trọng ngay từ nơi đầu nguồn hàng, các điểm tập kết, nơi xếp hàng hóa lên xe ô tô; kiên quyết không kiểm định cho các phương tiện tự ý cải tạo phương tiện, thay đổi kích thước thùng xe; không cấp phù hiệu vận tải cho các phương tiện thường xuyên có hành vi vi phạm trên. Đồng thời, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ, vận chuyển ma túy, hàng lậu, gian lận thương mại,… Khi gặp các hành vi chống đối, phải chủ động và phối hợp với các lực lượng khác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý chuyển giao cho các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định.

Tập trung xử lý trên các tuyến cao tốc; quốc lộ trọng điểm; tỉnh lộ; tuyến liên xã; các tuyến vận tải hàng hóa từ các cảng biển, cảng thủy nội địa, nhà ga; các tuyến đường thường xuyên có phương tiện vi phạm về chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện hoạt động; địa bàn, khu vực khai thác khoáng sản, mỏ đá, mỏ cát, các trạm trộn bê tông, nhà máy sản xuất xi măng, gạch, thép, công trình xây dựng,…

Đối tượng xử lý bao gồm người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc được kéo theo) vi phạm: Chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông; điều khiển xe có tổng trọng lượng vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường; chở hàng vượt quá khổ giới hạn của xe, cầu, đường; điều khiển xe ô tô tải (kể cả rơ moóc và sơmi rơ moóc) có kích thước thùng xe không đúng với thông số kỹ thuật được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe; xe ô tô vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng vi phạm các quy định khi tham gia giao thông,… Chủ phương tiện có hành vi vi phạm tương ứng với các hành vi vi phạm được quy định tại Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải vi phạm các quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Khánh Vi


Nguồn:congankontum.gov.vn Copy link
Tin liên quan