A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công an tỉnh Kon Tum tích cực phát động tổ chức thu nhận Căn cước cho công dân trên địa bàn

Từ 7h00 sáng hôm nay (01/7/2024), Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) và 10 Công an các huyện, thành phố triển khai cấp Thẻ Căn cước cho công dân trên địa bàn tỉnh.

 

Từ ngày 01/7/2024, Luật Căn cước sẽ chính thức có hiệu lực thi hành với nhiều điểm mới so với Luật Căn cước công dân 2014, trong đó, chuyển từ cấp Căn cước công dân sang Thẻ Căn cước; cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch…

Trước đó, để đảm bảo mọi điều kiện cho nhiệm vụ mới, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trên địa bàn đã tiến hành rà soát, cập nhật thông tin số định danh cá nhân của cha, mẹ, người đại diện hợp pháp khác của công dân dưới 14 tuổi theo chỉ đạo của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an phục vụ công tác thu nhận hồ sơ Căn cước đối với công dân từ 0 đến 6 tuổi và từ 6 tuổi trở lên vào ngày 01/7/2024; tiến hành cập nhật phần mềm, làm quen với máy thu nhận sinh trắc mống mắt, hệ thống phần mềm thu nhận hồ sơ Thẻ căn cước cho công dân.

Ảnh. Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tỉnh Kon Tum thu nhận Căn cước cho công dân

Các trường hợp bắt buộc đổi thẻ Căn cước từ 01/7/2024 được quy định tại Điều 24 Luật Căn cước 2023 gồm có:

Một là, công dân đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Trước đây, Luật Căn cước công dân 2014 chỉ quy định công dân ở các độ tuổi: 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi mới cần phải đi làm Căn cước công dân (CCCD).

Tuy nhiên, bắt đầu từ 01/7/2024, công dân khi đủ 14 tuổi đã được cấp thẻ Căn cước trước đó cũng bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước. Riêng với người dưới 14 tuổi thì không bắt buộc làm mà chỉ cấp thẻ Căn cước khi có nhu cầu.

Hai là, có thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh, giới tính. Những thông tin như họ tên, ngày tháng năm sinh là những thông tin quan trọng của một công dân. Do đó, khi có sự thay đổi thì việc cập nhật những thông tin trên vào Căn cước là bắt buộc nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu cá nhân, tránh những nhầm lẫn và tranh chấp khi thực hiện các giao dịch. Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật. So với Luật Căn cước công dân 2014 thì trong Điều 24 Luật Căn cước mới 2023, công dân khi chuyển đổi giới tính cũng sẽ cần phải đi đổi lại thẻ Căn cước từ 01/7/2024.

Ba là, có sai sót về thông tin in trên thẻ Căn cước. Hiện nay, thẻ Căn cước gồm thông tin nêu tại Điều 18 Luật Căn cước, gồm: ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú. Đây cũng là các thông tin quan trọng để phân biệt cá nhân này với cá nhân khác. Do đó, khi phát hiện bị sai thông tin trên trên thẻ Căn cước, người dân cần phải đến cơ quan Công an để đổi ngay thẻ mới.

Bốn là, xác lập lại số định danh cá nhân. Theo Khoản 3 Điều 12 Luật Căn cước, số định danh cá nhân được sử dụng để thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước. Bộ Công an đã quy định việc công dân được hủy và xác lập lại số định danh cá nhân khi: xác định lại giới tính/cải chính năm sinh; sai sót về thông tin cá nhân như: năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh. Do đó, khi xác lập lại số định danh cá nhân, công dân cần phải đi cấp lại thẻ Căn cước để tương ứng với số định danh cá nhân mới.

Sau khi triển khai việc thu nhận Căn cước theo Luật mới, các đơn vị tập hợp các khó khăn vướng mắc, các thắc mắc của người dân và hướng dẫn kịp thời nhằm tạo dư luận tốt trong nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những điểm mới của Luật Căn cước, sinh trắc học mống mắt và tính ưu việt của Luật Căn cước... với nhiều hình thức đa dạng phong phú.

Một số hình ảnh tổ chức phát động thu nhận Căn cước tại Công an các huyện, thành phố:

Ảnh. Công an huyện Sa Thầy


Tác giả: Nguyễn Thị Tâm
Tin liên quan