A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công an tỉnh tập trung ứng phó khẩn cấp với bão Noru

Ngày 26/9/2022, Công an tỉnh Kon Tum có Công văn số 2756/CAT-PV01 chỉ đạo các đơn vị, Công an huyện, thành phố tập trung ứng phó khẩn cấp với bão Noru.

 

 

Lực lượng Công an giúp Nhân dân khắc phục hậu quả bão, lũ (ảnh HB)

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, đêm ngày 25/9/2022, bão Noru vào Biển Đông với sức gió cấp 9-10, giật cấp 13 và có xu hướng mạnh thêm, từ ngày 27/9 đến ngày 28/9/2022, bão đổ bộ vào khu vực miền Trung với sức gió vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14, do ảnh hưởng của bão, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có mưa nhiều nơi, có nơi mưa vừa, mưa to và giông. Cảnh báo, bão có khả năng ảnh hưởng đến Kon Tum, gây mưa to, gió mạnh, trên các sông ở Kon Tum khả năng xuất hiện lũ lớn, mực nước lớn nhất đạt mức báo động 2, 3; mưa lớn có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất…

Thực hiện Công điện của Bộ Công an và Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão Noru, Giám đốc Công an tỉnh đã yêu cầu các Phòng, Công an các huyện, thành phố triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, thực hiện nghiêm Công điện số 855/CĐ-TTg, ngày 25/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 03/CĐ-BCA-V01, ngày 25/9/2022 của Bộ Công an và Công điện số 04/CĐ-CTUBND ngày 25/9/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về tập trung ứng phó khẩn cấp với bão Noru (bão số 4), phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu của lực lượng Công an nhân dân, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó với bão Noru, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn về người, tài sản; thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” và chủ động tiến công.

Hai là, phối hợp với các ngành, lực lượng kịp thời sơ tán người dân khỏi những nơi xung yếu, nguy hiểm, đặc biệt là ở những nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; khuyến cáo người dân hạn chế và có thể cấm di chuyển ở vùng bị ảnh hưởng bởi mưa, bão trong trường hợp nguy hiểm; triển khai phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản cho Nhân dân, hành động theo đúng phương châm “lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”.

Ba là, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; kịp thời triển khai các phương án, kế hoạch ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; gắn công tác bảo đảm an toàn trong bão lũ của Nhân dân với công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở mọi địa bàn, nhất là các địa bàn sơ tán, địa bàn tránh bão, lũ tập trung và địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội. Phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống địa bàn để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng, chống bão tại cơ sở.

Bốn là, chủ động bố trí lực lượng, rà soát trang thiết bị phương tiện, vật tư, nguồn lực… hiện có, nhanh chóng bố trí nhân lực, nguồn lực để phòng, chống bão Noru hiệu quả nhất. Trên cơ sở đó, kịp thời đề xuất nhu cầu về lực lượng, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống bão, mưa lũ. Triển khai các phương án phòng, chống bão, mưa lũ trong chính cơ quan, đơn vị Công an; bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và an toàn cơ sở hạ tầng kỹ thuật của lực lượng Công an. Chủ động về trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và duy trì sinh hoạt động thường xuyên của các đơn vị, nhất là các cơ sở giam giữ.

Năm là, lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, điều tiết giao thông; giám sát, quản lý chặt chẽ các điểm xung yếu và các tuyến giao thông nguy hiểm, nhất là tại các điểm ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông khi chưa đảm bảo an toàn; phân luồng, hướng dẫn giao thông phục vụ lưu thông hàng hóa, di chuyển của người dân và trong trường hợp cần chi viện cho các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa bão.

Sáu là, phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an cấp cơ sở trong ứng phó với bão, mưa lũ, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phòng tránh bão, mưa lũ; di dời, sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm; chủ động, xung kích tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; giúp nhân dân khắc phục hậu quả, thiệt hại do mưa, bão; phòng ngừa, giải quyết tốt các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở.

Bảy là, các đơn vị nghiệp vụ có liên quan khẩn trương bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời hỗ trợ, chi viện cho các địa phương khi có yêu cầu; đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, điều hành trong ứng phó với bão, mưa lũ, tổ chức tìm kiếm cứu nạn. Phát huy mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân với các ngành, các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống mưa bão, thiên tai.

Phối hợp với các đơn vị chức năng đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến bão, mưa lũ, công tác chỉ đạo ứng phó của các cấp, các ngành và lực lượng Công an nhân dân; thông tin về hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an trong phòng, chống bão số 4.

Tám là, bố trí cán bộ, chiến sĩ ứng trực để ứng phó với bão, mưa lũ và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo đúng quy định.

 

 

 


Tác giả: Quốc Việt