A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả từ mô hình “Dân vận khéo trong công tác bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú”

Xác định biện pháp vận động đầu thú có vai trò hết sức quan trọng vì bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS), cho Nhân dân và cho cả đối tượng truy nã, giảm bớt công sức, thời gian, tiền của của đất nước, mô hình “Dân vận khéo trong công tác bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú” luôn được Công an tỉnh Kon Tum vận dụng và mang lại nhiều kết quả thiết thực.

Kon Tum là một tỉnh miền núi nằm ở phía bắc Tây Nguyên, phía tây giáp hai nước bạn Lào và Campuchia có chung 275 km đường biên giới quốc gia, có vị trí địa lý thuận lợi nên nhiều đối tượng ở các tỉnh khác sau khi gây án đã nhanh chóng đến tỉnh Kon Tum để lẩn trốn hoặc ngược lại.

Với mục tiêu kéo giảm 50% số đối tượng truy nã (ĐTTN) so với số đầu kỳ năm 2022 (tính đến ngày 15/12/2021 trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn 43 ĐTTN, trong đó có 02 đối tượng nguy hiểm, 08 đối tượng đặc biệt nguy hiểm); thực hiện Kế hoạch của Bộ Công an, ngay từ đầu năm 2022, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra đã xây dựng Kế hoạch tham mưu Lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị, Công an các huyện, thành phố phối hợp triển khai đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, biện pháp nâng cao hiệu quả công tác truy nã tội phạm tại địa phương; quy định về công tác truy nã, truy tìm trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội…

Để làm tốt công tác truy bắt và vận động đối tượng truy nã ra đầu thú, lực lượng truy nã Công an tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, cả biện pháp công khai như quản lý hành chính, phát động quần chúng, tuần tra vũ trang và biện pháp nghiệp vụ... trong đó, biện pháp phát động quần chúng nhân dân và vận động đối tượng truy nã ra đầu thú đóng vai trò hết sức quan trọng và đạt hiệu quả cao. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, Công an tỉnh đã bắt, vận động đầu thú, thanh loại 25 đối tượng (đạt 73,07% chỉ tiêu kéo giảm 50% số ĐTTN đầu kỳ).

Một trong nhiều đối tượng truy nã bị Văn phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh truy bắt thành công

Điển hình như, trường hợp đối tượng Nguyễn Văn Nam (SN: 1969, trú tại Sa Thầy - Kon Tum). Theo hồ sơ vụ án, vào khoảng tháng 10/2009, Nguyễn Văn Nam đã thuê Ngô Thanh (HKTT thôn 3, xã Yang Rer, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk) vào khu vực tiểu khu 755, xã Mo Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum khai thác trái phép 13 cây gỗ tròn với khối lượng 40,562m3. Đối tượng Nam là người trực tiếp dùng cưa lốc máy cắt hạ còn Thanh phụ cưa, đổ xăng nhớt cho máy, dùng rựa phát quanh các gốc. Ngay sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Nam đã bỏ trốn khỏi địa bàn tỉnh Kon Tum. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh đã ra Quyết định truy nã đối tượng Nguyễn Văn Nam vì có hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.

Lực lượng truy nã các cấp truy bắt, di lý đối tượng về địa phương

Sau nhiều năm truy nã, với tinh thần kiên trì truy bắt, kiên quyết tấn công trấn áp tội phạm, tích cực thu thập thông tin, cuối cùng lực lượng truy nã của Công an tỉnh Kon Tum đã bắt gọn đối tượng Nguyễn Văn Nam khi y đang lẩn trốn ở tỉnh Khánh Hòa. 

Hay trường hợp ĐTTN đặc biệt Trần Hồng Quân (SN 1974). Quân nguyên là công nhân điện tại Đội truyền tải điện thành phố Kon Tum. Lợi dụng sự quen biết rộng, Quân đã đưa ra thông tin có khả năng xin việc, xin chuyển công tác cho người khác nên nhiều cá nhân đã tin tưởng giao hồ sơ và tiền mặt cho Quân để lo công việc. Tính từ năm 2015 đến năm 2018, Quân đã lừa được hàng chục người với tổng số tiền lên đến 1.930.000.000 đồng. Sau khi nhận tiền, Quân không thực hiện nội dung xin việc, xin chuyển công tác theo cam kết mà sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân, rồi bỏ trốn khỏi địa phương.

Ngày 06/11/2018, Trần Hồng Quân đã bị Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum ra Quyết định truy nã về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Dù lẩn trốn ở nhiều nơi, nhưng nhờ làm tốt công tác dân vận, thu thập thông tin từ nhân dân, người thân của đối tượng. Kết quả, Trần Hồng Quân đã bị bắt gọn khi đang lẩn trốn tại Lạng Sơn.

Việc triển khai thực hiện mô hình “Dân vận khéo trong công tác bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú” đã góp phần gắn kết, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua đó tác động tích cực, làm chuyển biến mạnh mẽ ý thức trách nhiệm và tinh thần quyết tâm đấu tranh truy bắt cũng như vận động ĐTTN không chỉ ở CBCS Văn phòng Cảnh sát điều tra, mà cả lực lượng điều tra trong Công an tỉnh nói chung, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chỉ tiêu truy bắt mà Bộ Công an giao.


Tác giả: Bích Nga
Tin liên quan