Hội nghị triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn trong Công an nhân dân
Ngày 13 tháng 12 năm 2022, tại hội trường Công an tỉnh đã diễn ra Hội nghị triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn trong Công an nhân dân.
Quang cảnh Hội nghị
Hội nghị triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn trong Công an nhân dân được diễn ra theo hình thức trực tuyến do Cục Y tế - Bộ Công an tổ chức tại hội trường lớn số 2 Bộ Công an (44 yết Kiêu - Hà Nội) đến các điểm cầu Công an các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ Công an. Hội nghị do đồng chí Thiếu tướng Lê Văn Tuyến - Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì.
Tại điểm cầu Công an tỉnh Kon Tum, đồng chí Đại tá Trần Thị Thu Phước - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an tỉnh tham dự, cùng đại diện lãnh đạo các Phòng Hậu cần, Phòng Tham mưu, Phòng An ninh kinh tế, Phòng Cảnh sát môi trường, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, các cán bộ Phòng Hậu cần được phân công thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Hội nghị đã được nghe đồng chí Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường phân tích một số điểm mới về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Nội dung chính liên quan đến trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân. Đồng chí Thiếu tướng Phạm Thị Lan Anh - Cục trưởng Cục Y tế Bộ Công an trình bày kết quả công tác bảo vệ môi trường và triển khai thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường trong Công an nhân dân cũng như những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị và đề xuất. Bên cạnh đó, Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Bộ Công an và Công an một số đơn vị, địa phương đã trình bày các tham luận về thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phương hướng triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Ngày 17 tháng 11 năm 2020, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, Luật gồm 16 chương, 171 Điều. So với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều điểm mới mang tính đột phá (giảm 4 chương, tăng 1 Điều). Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Từ đó, thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, nhất là môi trường không khí, môi trường nước; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn, định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lần đầu tiên chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương. Cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế; tạo lập chính sách phát triển các mô hình kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên./.