Phát động hưởng ứng triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” trong Công an tỉnh năm 2022
Đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người và còn là quyền cơ bản của mỗi người dân; an toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, phát triển giống nòi, tăng cường nguồn lực con người, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế – xã hội.
Công tác đảm bảo ATTP trong lực lượng Công an nhân dân (CAND) trong thời gian qua đã được quan tâm, chú trọng. Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 298/KH-BCA-C05 ngày 15/7/2020 về triển khai Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới, đã được Đảng bộ Công an tỉnh tiến hành quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, góp phần chung vào công tác đảm bảo ATTP trong toàn Công an tỉnh.
Chính vì vậy để tuyên truyền sâu rộng đến Công an các đơn vị, địa phương và cán bộ, chiến sĩ, công nhân Công an (CBCS) trong toàn lực lượng trong Công an tỉnh về ATTP nói riêng và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác đảm bảo ATTP nói chung, Công an tỉnh Kon Tum phát động hưởng ứng triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2022 với chủ đề: “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”.
Với mục tiêu tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo Công an các đơn vị và CBCS trong công tác bảo đảm ATTP. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP; tăng cường truyền thông quảng bá sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn. Đề cao vai trò giám sát của mỗi CBCS đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm. Phát huy vai trò phối hợp liên ngành trong các tổ, đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại địa phương trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP nông, lâm, thủy sản; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, quảng cáo thực phẩm. Tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Bên cạnh đó, tuyên truyền sâu rộng đến CBCS cũng như nhân dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ mình trong ATTP. Đặc biệt là quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi vi phạm ATTP của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
– Cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn.
– Có thói quen từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP; Không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng;
– Khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
– Kịp thời tìm hiểu và nắm bắt tên, địa chỉ các cơ sở, cá nhân vi phạm về ATTP; thông tin danh sách, địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
– Tuyền truyền, vận động ý thức tuân thủ pháp luật về ATTP và kiến thức tiêu dùng thực phẩm an toàn ; vận động quần chúng tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.
– Tuyên truyền, phản ánh về sự tham gia tích cực, chủ động của lực lượng Công an nhân dân đối với công tác đảm bảo ATTP, kết quả phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.
“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022 được xem như điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm. Gắn trách nhiệm của của các cấp lãnh đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm./.
Phạm Thị Diên