Tăng cường công tác phòng chống vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh thời gian tới
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các kế hoạch phối hợp giữa lực lượng Công an với lực lượng Quân sự, Biên phòng, Đoàn thanh niên, Hải quan, Hội người cao tuổi, Hội Nông dân… trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật…
06 tháng đầu năm 2024, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh được giữ vững ổn định; tội phạm, vi phạm pháp luật được kiềm chế.
Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2024, bên cạnh những thuận lợi, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật còn đối mặt với nhiều thách thức; những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm vẫn hiện hữu (nhất là từ những khó khăn của kinh tế, cắt giảm chi phí về môi trường; người lao động mất việc làm...; số người nghiện ngoài xã hội vẫn tồn tại, công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, kinh tế, xã hội còn nhiều sơ hở, bất cập...), tội phạm về trật tự xã hội sẽ diễn biến phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn; nhu cầu nguyên, nhiên, vật liệu khoáng sản để phục vụ sản xuất, thi công ở mức cao trong khi giá hàng hóa biến động thất thường, khan hiếm nguồn cung, tiềm ẩn nguy cơ phạm tội buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản..; các đối tượng phạm tội ma túy triệt để lợi dung thành tựu khoa học công nghệ để phạm tội, tình trạng sử dụng chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp vẫn diễn biến phức tạp; vi phạm quy định về khai thác lâm sản, bảo vệ động vật hoang dã, quý, hiếm vẫn tiềm ẩn nguy cơ, diễn biến phức tạp.
Nhằm tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm như sau:
Tiếp tục quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện đảm bảo, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đảm bảo an ninh trật tự; huy động sức mạnh của hệ thống chính trị thực hiện có hiệu quả các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 17 tháng 01 năm 2024 về triển khai công tác THPL về XLVPHC năm 2024; hoàn thành Kiểm tra công tác thi hành pháp luật về XLVPHC năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp trong quản lý Nhà nước đối với công tác THPL về XLVPHC; quy định về thẩm quyền và cách thức xác định hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến một số quy định của pháp luật về xử lý VPHC - Kết hợp chặt chẽ với phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội, chủ động nhận diện, giải quyết tốt những vấn đề xã hội cụ thể là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm như: Thất nghiệp, không có việc làm... chủ động phát hiện, giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân. Quản lý chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ phạm tội ngay từ địa bàn cơ sở.
Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm (trọng tâm là đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán 2025), tăng cường tuần tra, kiểm soát, trên các tuyến giao thông và địa bàn phức tạp; tăng cường tuần tra khu vực biên giới của các tổ công tác liên ngành kịp thời phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm nguy hiểm và các hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ đạo sở, ban ngành và chính quyền địa phương hưởng ứng và triển khai nghiêm túc “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2024.
Tăng cường vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (BCĐ tỉnh), tổ chức kiểm tra tình hình, công tác phòng, chống tội phạm của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ các cấp năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030; đẩy mạnh khai thác, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh, xác thực điện tử phục vụ công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, trọng tâm là ứng dụng hệ thống camera giám sát, lưu trữ, đánh giá tình hình kiểm soát trật tự an toàn giao thông, thống kê tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Tiếp nhận 100% tin báo, tố giác tội phạm; nâng cao chất lượng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; công tác điều tra, xử lý tội phạm bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không để oan người vô tội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện nghiêm túc các kết luận sau thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố và chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra; xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các kế hoạch phối hợp giữa lực lượng Công an với lực lượng Quân sự, Biên phòng, Đoàn thanh niên, Hải quan, Hội người cao tuổi, Hội Nông dân… trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Tăng cường bố trí nguồn kinh phí và đầu tư trang, thiết bị, tổ chức tập huấn cho lực lượng làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống tội phạm; xây dựng Quỹ phòng, chống tội phạm để hỗ trợ hiệu quả cho công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn.
Tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin về tội phạm với các tỉnh giáp biên của Lào và Campuchia; thường xuyên trao đổi Đoàn công tác với nước bạn, tiến tới cùng phối hợp đấu tranh chung, đặc biệt là đấu tranh với tội phạm về ma túy, kiên quyết không để tỉnh Kon Tum là “địa bàn trung chuyển” trái phép về ma túy.