A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng dân phòng trong công tác phòng cháy và chữa cháy ở cơ sở

Lực lượng dân phòng luôn là lực lượng cơ sở có mặt đầu tiên ở hiện trường sự cố cháy, nổ, trực tiếp tham gia giải quyết các tình huống ở giai đoạn ban đầu, từ khi mới phát sinh, trước khi lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) có mặt ứng cứu, đây cũng là khoảng thời gian vàng trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, có ý nghĩa quyết định về khả năng phát triển của đám cháy cũng như mức độ thiệt hại do cháy gây ra.

Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Kon Tum xảy ra 08 vụ cháy nhà dân, nhà máy thủy điện, phương tiện giao thông; 01 vụ cháy rừng (không thuộc diện quản lý của Công an tỉnh Kon Tum). Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Kon Tum đã xuất 14 lượt xe cùng 90 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia xử lý 06 vụ cháy, 03 vụ cháy do lực lượng tại chỗ dập tắt.

Bên cạnh việc trực tiếp tham gia công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, lực lượng dân phòng còn tham gia phối hợp thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy tại cơ sở. Điển hình, đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC cho người dân dưới nhiều hình thức như phát các bộ tài liệu, tờ rơi tuyên truyền về PCCC (15.634 lượt), tuyên truyền qua loa phát thanh, xe lưu động (908 lượt), lồng ghép nội dung về PCCC trong các hội nghị họp dân định kỳ; hướng dẫn và ký cam kết với các hộ dân, hộ kinh doanh thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC (12.169 lượt), nhất là trong mùa hanh khô, dịp cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán… Do đó lực lượng dân phòng đóng vai trò rất quan trọng trong công tác PCCC và CNCH. Đây luôn luôn là lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC và CNCH tại cơ sở, khu dân cư.

Theo quy định tại Luật Phòng cháy và chữa cháy, lực lượng dân phòng là một trong 4 lực lượng nòng cốt trong hoạt động PCCC và CNCH, gồm: Lực lượng dân phòng; Lực lượng PCCC cơ sở; Lực lượng PCCC chuyên ngành; lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Luật Phòng cháy và chữa cháy cũng quy định tại mỗi thôn, ấp, bản, tổ dân phố phải thành lập Đội dân phòng, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm quyết định việc thành lập, quản lý hoạt động đối với lực lượng này.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, hiện có 756 đội dân phòng với 7.848 thành viên (số liệu tính đến ngày 14/12/2023) được thành lập tại các thôn, ấp, bản, tổ dân phố. Xác định vai trò hết sức quan trọng của lực lượng PCCC cơ sở, những năm qua, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC; quan tâm xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có trình độ, kỹ năng giải quyết, xử lý tốt các vụ việc, tình huống cháy, nổ xảy ra tại cơ sở.

Với vai trò cơ quan thường trực, Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp cùng các cấp, ngành, địa phương thường xuyên quan tâm xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có trình độ, kỹ năng giải quyết, xử lý tốt các vụ việc, tình huống cháy, nổ xảy ra tại cơ sở. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ PCCC, kỹ năng xử lý cháy, nổ, thoát nạn; cách sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu khi có tình huống cháy, nổ xảy ra, trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tới hiện trường theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ), góp phần ngăn chặn không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Kon Tum tập huấn kỹ năng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng trên địa bàn thành phố Kon Tum

Tuy nhiên, trên thực tế thì lực lượng dân phòng ở các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, như: hoạt động của lực lượng dân phòng chưa được quan tâm đúng mức; chế độ chính sách, phương tiện phục vụ PCCC và CNCH của lực lượng dân phòng chưa được đầu tư, trang bị kịp thời; một số thành viên của Đội dân phòng ở nhiều địa phương còn chưa thành thạo các kỹ năng cơ bản trong công tác chữa cháy, biện pháp phòng ngừa cháy, nổ…

Trong PCCC, ý thức phòng cháy của người dân và lực lượng chữa cháy nhanh, hiệu quả là 2 yếu tố quyết định. Dân phòng là lực lượng nòng cốt “tại chỗ” song hoạt động còn bất cập, hiệu quả không cao.

Ðể phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng, cùng với việc tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng thì cần có chế độ, chính sách hỗ trợ và trang bị phương tiện để chủ động xử lý khi có tình huống xảy ra cháy tại cơ sở, Công an tỉnh đã giúp UBND tỉnh tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 31/2022/NQ-HĐND ngày 12/7/2022 về quy định mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng, số lượng phương tiện PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đã hướng dẫn Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố phân bổ kinh phí về mức chi hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng trên địa bàn tỉnh với mức hỗ trợ 20% so với mức lương tối thiểu vùng đối với Đội trưởng và 15% so với mức lương tối thiểu vùng đối với Đội phó Đội dân phòng; mua sắm trang thiết bị, phương tiện PCCC cho lực lượng dân phòng trên địa bàn quản lý. Tính đến ngày 14/12/2023 đã có 82/756 Đội dân phòng trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện PCCC (đạt 10,85%); 287/756 đội đã trang bị phương tiện PCCC nhưng chưa đảm bảo số lượng (đạt 37,96%) và 387/756 đội chưa được trang bị phương tiện PCCC theo quy định (đạt 51,19%). Qua đó đã nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng PCCC tại chỗ, góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia PCCC phát triển bền vững tại địa bàn cơ sở.

Trong thời gian tới, để phát huy tốt vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân tham gia PCCC ở địa phương, đặc biệt là ở cơ sở, lực lượng dân phòng cần chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, là phải trực tiếp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC cho nhân dân; xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC tại cơ sở, khu dân cư; kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định, nội quy an toàn về PCCC; kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định an toàn PCCC. Thường xuyên tổ chức thực tập phương án chữa cháy, sẵn sàng về lực lượng, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất UBND xã, phường trong việc ban hành quy định, nội quy về PCCC tại thôn, tổ dân phố; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá quá trình hoạt động của lực lượng dân phòng, từ đó có biện pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế của lực lượng dân phòng trong công tác PCCC và CNCH; đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ PCCC trong tình hình mới.

 


Tác giả: Gia Đạt
Tin liên quan