A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong thực hiện chuyển đổi số

Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi số bảo đảm tránh chồng chéo, lãng phí, khắc phục, tháo gỡ các “điểm nghẽn” đang là rào cản trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số của các đơn vị, địa phương mình.

Tại Công văn số 2328/UBND-KTTH ngày 02/7/2024,  Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố, Cục thuế tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ và địa bàn, lĩnh vực được giao phụ trách, quản lý tập trung triển khai các nội dung sau:

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, các khoản dự toán chi thường xuyên đã giao trong dự toán đầu năm nhưng đến hết ngày 30/6/2024 chưa phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách theo quy định (trừ trường hợp được cấp thẩm quyền cho phép). Đẩy mạnh chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là đối với các dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới … Quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử; kiên quyết rút, thu hồi ngay giấy phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng và xử lý nghiêm theo pháp luật hiện hành.

Nắm chắc tình hình thị trường, cân đối cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường, giá cả, nhất là đối với các mặt hàng hàng hóa thiết yếu và lương thực, thực phẩm. Chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý, không tăng giá đột ngột và tăng giá cùng một thời điểm.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, toàn diện 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng); khẩn trương hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng quan trọng nhằm phát huy hiệu quả. Triển khai hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, như phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi,… Chú trọng phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường lớn, khai thác thị trường tiềm năng.

Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, khắc phục các bất cập để giải ngân nhanh hơn, sử dụng hiệu quả hơn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài; phát huy đầu tư công để kích hoạt và dẫn dắt đầu tư tư nhân; thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài theo phương thức đối tác công tư. Đẩy nhanh tiến độ, thanh quyết toán, kiểm soát chi để đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, thủ tục giải ngân; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến. Tăng cường kiểm tra các dự án, tham mưu cấp có thẩm quyền chấn chỉnh ngay các tồn tại, hạn chế, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Chủ động, quyết liệt đẩy mạnh công tác phối hợp, phát huy trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các chương tình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Chú trọng rà soát, điều chỉnh, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên danh mục các dự án, nội dung thành phần về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm thực hiện nhanh chóng, tiết kiệm, hiệu quả; tránh dàn trải, manh mún và có nguy cơ rủi ro, sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung các văn bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương tình mục tiêu quốc gia trên địa bàn theo cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các chương tình mục tiêu quốc gia và quy định hiện hành; tích cực chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, linh hoạt trong triển khai thực hiện các chương tình mục tiêu quốc gia.

Sớm tiếp thu, hoàn thiện và tham mưu cấp thẩm quyền ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn hoàn thành cụ thể, bảo đảm dễ thực hiện, dễ theo dõi, dễ kiểm tra, dễ giám sát; tập trung hoàn thành phê duyệt các quy hoạch còn lại.

Tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, tuyệt đối không để thiếu điện, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Các đơn vị, địa phương liên quan, chủ đầu tư, đơn vị thi công khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hoàn tất các thủ tục về chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa, hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng và các công việc liên quan khác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Tập trung triển khai thực hiện nghiêm, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tái cấu trúc quy trình các dịch vụ công trực tuyến theo danh mục nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông ưu tiên tái cấu trúc quy trình tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2024 ban hành kèm theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28/02/2024, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi số bảo đảm tránh chồng chéo, lãng phí, khắc phục, tháo gỡ các “điểm nghẽn” đang là rào cản trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số của các đơn vị, địa phương mình.

Triển khai hiệu quả Tháng hành động vì trẻ em năm 2024. Tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm, chủ động các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu lao động để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định đời sống cho người lao động; bảo đảm và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, nhất là trong mùa cao điểm du lịch hè 2024.

Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động xây dựng, bố trí nguồn lực và triển khai các phương án, giải pháp phòng, chống thiên tai phù hợp; rà soát và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống cháy rừng, đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân,…


Tác giả: BBT