A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn

“Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn” là một nội dung trọng tâm trong việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

 

Lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ hàng lô bánh kẹo, đồ chơi Trung thu nhập lậu (ảnh: Thái Sơn)

Các sở, ngành, đơn vị thuộc tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại các Văn bản: số 677/UBND-KGVX ngày 11 tháng 3 năm 20221 , số 1001/UBND-KGVX ngày 12 tháng 4 năm 20222 , số 2986/UBNDKGVX ngày 11 tháng 11 năm 20193 và các Văn bản liên quan.

Chủ động xây dựng và quyết liệt tổ chức thực hiện kế hoạch công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian còn lại của năm 2022, xác định và tập trung vào một số nhiệm vụ trọng điểm, nhất là tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm. Quản lý theo nguy cơ, đặc biệt là về nguy cơ ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu, ngộ độc do độc tố tự nhiên.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt trong dịp Tết Trung thu. Thông tin cho người tiêu dùng biết để phòng tránh và không sử dụng sản phẩm lưu thông trên thị trường kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất thực phẩm an toàn.

Thực hiện tốt Quy chế dựa vào Nhân dân để phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm, chế độ khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Tập trung tổ chức vận hành hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm, bảo đảm để người dân, doanh nghiệp có công cụ nhận diện các địa chỉ, sản phẩm thực phẩm an toàn.

Sở Y tế quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ đến 36 tháng tuổi, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn tỉnh.

Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra an toàn thực phẩm, đặc biệt chú trọng các sản phẩm thực phẩm chức năng, đồ uống có nguy cơ chứa chất gây nghiện, nhất là các khu vực trường học.

Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống tại các cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu (phân phối, bán buôn, bán lẻ)...

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan Công an để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án lực lượng thường trực phương tiện thuốc, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm xác định nguyên nhân gây ngộ độc; thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét việc sửa đổi/bổ sung/điều chỉnh hoặc thay thế đối với Quyết định 58/2016/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 và Quyết định 62/2017/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo đúng quy định và trình tự, thủ tục tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt xử lý nghiêm các cơ sở dùng cồn công nghiệp pha chế thành rượu gây ngộ độc; chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế tăng cường cảnh báo nguy cơ và hậu quả của việc sử dụng rượu tự pha chế không rõ nguồn gốc. Phối hợp với Sở Y tế tiến hành kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công khai, cung cấp danh sách các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý để tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, kinh doanh thức ăn đường phố bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào an toàn, truy xuất được nguồn gốc.

Ngoài việc tham gia kiểm tra với Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của tỉnh do Sở Y tế chủ trì, căn cứ tình hình thực tế chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành.

Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi các cơ quan báo, đài truyền thông tích cực hưởng ứng, tăng thời lượng, số lượng đăng tải phát sóng tin, bài tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật và kiến thức về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Phối hợp Sở Y tế tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, nhất là quảng cáo trên mạng xã hội.

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với các đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo thẩm quyền tăng cường quản lý chặt chẽ và tổ chức kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố (đặc biệt là việc kinh doanh, chế biến các sản phẩm thực phẩm như hải sản, nội tạng động vật giá rẻ), các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bánh kẹo, nước giải khát, chợ... trên phạm vi địa bàn quản lý và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Ủy ban nhân nhân tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, vận động, giám sát các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền, vận động nhân dân phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng khi phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

 

 


Tác giả: Thái Ngân