Thực trạng nghiện game online trong giới trẻ, những vấn đề cần suy ngẫm
Ngày nay, Internet được sử dụng như một công cụ đắc lực phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, làm việc, giải trí… Trong đó, game online là một trong những hình thức giải trí được giới trẻ yêu thích. Bên cạnh những tác động tích cực, tình trạng nghiện game online đang trở thành vấn đề bức xúc của gia đình, nhà trường và xã hội.
Có thể nói rằng, tình trạng nghiện game online trong giới trẻ nói chung và trong giới học sinh, sinh viên nói riêng đang trở nên nghiêm trọng và để lại nhiều hậu quả khôn lường và nó đã trở thành một vấn nạn cần được sự quan tâm của toàn xã hội hiện nay.
Hầu hết, trong các loại game online hiện nay, muốn nhân vật của mình được “vip” hơn, mạnh hơn những đối thủ khác thì người chơi cần phải bỏ tiền thật ra mua những loại vũ khí mới, trang phục mới…. Đã có nhiều trường hợp, vì không có tiền chơi game và nộp thẻ, nhiều bạn trẻ đã thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp, thậm chí cướp giật, cố ý gây thương tích, giết người… gây xôn xao trong dư luận và xã hội.
Trong thời gian từ đầu năm 2016 đến nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra nhiều vụ phạm pháp hình sự mà nguyên nhân xuất phát chính là từ việc nghiện game online, điển hình: Vào khoảng 20 giờ 30 phút, ngày 30/7/2016 Nguyễn Đ.H (SN: 2001, trú tại tổ 4, P.Thắng Lợi, TP. Kon Tum) đang ngồi chơi game tại quán net 190 Huỳnh Đăng Thơ, P. Quang Trung, TP. Kon Tum thì xảy ra mâu thuẩn với Trần Ngọc Duy (SN: 2002, trú tại tổ 14, P. Trường Chinh, TP. Kon Tum) và Phạm Hoàng Anh (SN: 2001, trú tại thôn Kontu II, P. Trường Chinh), hậu quả H bị đâm 1 nhát vào lưng trái gây thương tích.
2 đối tượng đâm bạn do mâu thuẩn trong lúc chơi game
Hay trường hợp của 2 đối tượng Trần Văn Hiền (SN: 2002. trú tại tổ 2, phường Quyết Thắng, TP. Kon Tum) và Đinh Công Quý (SN: 1999, trú tại 32/8 Trần Phú, P. Thống Nhất, TP. Kon Tum) khai nhận: do nghiện game và thường xuyên bỏ nhà lang thang nên liên tục thực hiện các vụ trộm cắp tài sản để lấy tiền tiêu sài, chơi game. Cụ thể trong thời gian đầu năm 2016, các đối tượng đã thực hiện trót lọt 6 vụ trộm cắp tại sản tại chùa Trung Khánh, chùa Huệ Quang, chùa Bác Ái, tịnh xá Ngọc Thọ….
2 đối tượng Hiền và Quý tại cơ quan Công an
Và cũng do lười lao động, thích chơi game nhưng không có tiền nên 2 đối tượng A Tron (SN: 1994) và A Găm (SN: 1980) cùng trú tại thôn Hnor, xã Đoàn Kết, TP. Kon Tum thường xuyên lang thang thấy nhà ai sơ hở là lẻn vào để trộm cắp, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Đơn cử, vào tối ngày 13/7/2016, 2 đối tượng đã bị tổ tuần tra của Công an xã Đoàn kết phát hiện và bắt quả tang khi cả 2 đang trộm gà của nhà dân tại thôn 6, xã Đoàn Kết.
A Tron và A Găm trộm cắp để có tiền chơi game
Với tâm lý ham chơi của lứa tuổi, thích khám phá cái ly kỳ và hấp dẫn, nhiều bạn trẻ ngày qua ngày cứ đấm chìm vào màn hình máy tính, dành tất cả thời gian và sức lực của mình vào việc chơi game mà bỏ bê học tập, sinh hoạt. Rồi dần dần, nghiện game lúc nào không hay. Một khi đã lâm vào con đường nghiện game thì chẳng khác gì lâm vào con đường nghiện ma túy, bước vào thì dễ nhưng rút chân ra thì rất khó.
Chơi game không phải là một điều gì đó quá xấu nhưng việc lạm dụng game đến mức “nghiện” thì cần phải suy ngẫm. Mỗi bạn trẻ cần phải ý thức được những mặt tích cực cũng như những tác hại mà game online gây ra. Từ đó, điều chỉnh việc chơi game của mình một cách hợp lý.
Mỗi bạn trẻ trước hết phải tự giác sắp xếp thời gian dành cho giải trí, thư giãn một cách hợp lý, không để ảnh hưởng đến việc học tập. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần quan tâm, nhắc nhở con em mình thường xuyên hơn trong việc sắp xếp thời gian giải trí, cụ thể là chơi game online. Nhà trường cần tổ chức nhiều sinh hoạt tập thể bổ ích, tạo các sân chơi lành mạnh cho các em để các em tránh được chuyện mãi chơi game, xao nhãng việc học tập và mắc những sai lầm khác. Các cơ quan có thẩm quyền cần phải khắt khe hơn nữa đối với lĩnh vực kinh doanh game online, tiến hành loại bỏ những game không phù hợp và những game mang tính bạo lực. Có như vậy, tình trạng “nghiện” game online mới có thể được ngăn chặn và đẩy lùi.
Tấn Bình (Phòng CTCT)