A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025

Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn, phát hiện, giải quyết kịp thời các nguy cơ tiềm ẩn về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, những vấn đề phức tạp nảy sinh ngay từ đầu, từ nơi xuất phát và ngay tại cơ sở…

Ngày 12/6/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 1754/KH-UBND về Xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025.

Theo Kế hoạch, Phạm vi thực hiện: Tại các thôn (làng) vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Đối tượng thụ hưởng: Người dân, cộng đồng dân cư, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn thôn (làng) vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Đối tượng thực hiện: Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và toàn xã hội trong đó chủ thể là người dân trên địa bàn tỉnh.

Thời gian thực hiện: đến năm 2025.

Kế hoạch xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 249/498 thôn (làng) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận thôn (làng) nông thôn mới (trong đó có 19 thôn đã được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2021). Các thôn (làng) còn lại hàng năm xác định mục tiêu duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí đạt được so với mục tiêu, lộ trình cụ thể, hạn chế thấp nhất các tiêu chí, chỉ tiêu năm sau thấp hơn năm trước; trong đó:

- Giai đoạn 2022 - 2023: Toàn tỉnh tổ chức thực hiện điểm tại các cấp (tỉnh, huyện, xã), phấn đấu có 95 thôn (làng) đạt chuẩn nông thôn mới; Cụ thể:

+ Tiếp tục rà soát, xây dựng đảm bảo duy trì sự đạt chuẩn thôn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí Thôn nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đối với 19 thôn (làng) đã được công nhận thôn nông thôn mới năm 2021 (thuộc phạm vi Quyết định số 1385/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020). Các thôn (làng) còn lại phấn đấu cơ bản có 6/10 tiêu chí đạt chuẩn trở lên, ưu tiên hoàn thành các tiêu chí như: Tiêu chí số 1 về giao thông, số 2 về điện, số 3 về cơ sở vật chất văn hóa, số 4 về thông tin và truyền thông, số 8 về Văn hóa, giáo dục và y tế, số 10 về an ninh trật tự xã hội…

+ Năm 2023: 95/95 thôn (làng) thực hiện điểm các cấp có 10/10 tiêu chí đạt chuẩn và được công nhận đạt chuẩn thôn (làng) nông thôn mới.

- Đến năm 2025: toàn tỉnh có 249/498 thôn (làng) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận thôn (làng) nông thôn mới (trong đó giai đoạn 2024 - 2025 phấn đấu có thêm 135 thôn (làng) đạt chuẩn nông thôn mới).

Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch xác định những nội dung trọng tâm cần thực hiện như sau:

Thực hiện theo các nội dung, nhiệm vụ về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện hoàn thành các tiêu chí "Thôn (làng) đạt chuẩn nông thôn mới" áp dụng trên địa bàn các xã thuộc tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2022 - 2025 được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Trong đó tập trung các nội dung để triển khai thực hiện đạt chuẩn 10/10 tiêu chí thuộc bộ tiêu chí thôn nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 147/QĐ-UBND ngày 28 tháng 3 năm 2022, cụ thể:

Đầu tư, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn thôn (đường giao thông nông thôn, điện sinh hoạt, cơ sở vật chất văn hóa, hệ thống thông tin và truyền thông, công trình cấp nước sinh hoạt và bảo vệ môi trường nông thôn).

Tập trung triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; trong đó ưu tiên thực hiện các mô hình, hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu của thị trường; hỗ trợ thúc đẩy và phát triển các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn.

Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, dột nát; nâng cao chất lượng nhà ở dân cư.

 Tiếp tục nâng cao chất lượng, phát triển giáo dục ở nông thôn, trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động nhằm duy trì 100% trẻ 6 tuổi được vào lớp 1; hoàn thành chương trình tiểu học và tiếp tục học lớp 6.

Thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo chăm sóc sức khoẻ toàn dân; đảm bảo hiệu quả phòng chống bệnh lây nhiễm, truyền nhiễm; cải thiện sức khoẻ, dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em; nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao nông thôn, gắn với các tổ chức cộng đồng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao sức khoẻ cho người dân (nhất là trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi). Phát động các phong trào thể dục thể thao, rèn luyện sức khoẻ, văn hóa, văn nghệ quần chúng phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương; nhân rộng mô hình câu lạc bộ hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

- Tiếp tục tổ chức triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững"...; nâng cao hiệu quả thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng nông thôn mới; tăng cường vận động, phát huy vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới;

- Triển khai hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; xây dựng các Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc “5 tự” và “5 cùng” (“5 tự” là: tự giác; tự nguyện; tự chủ; tự quản; tự chịu trách nhiệm và “5 cùng” là: cùng chí hướng về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng thụ).

- Thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" (gồm các tiêu chí: không nghèo, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bất bình đẳng giới, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ em suy dinh dưỡng; sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp) góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam.

- Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn, phát hiện, giải quyết kịp thời các nguy cơ tiềm ẩn về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, những vấn đề phức tạp nảy sinh ngay từ đầu, từ nơi xuất phát và ngay tại cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; củng cố, xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng tự phòng, tự quản, tự vệ, tự hòa giải...; triển khai hiệu quả Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới…

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Công an tỉnh hướng dẫn, đôn đốc và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện đạt chuẩn chỉ tiêu 10.2 thuộc tiêu chí số 10 về An ninh, trật tự xã hội.

 


Tác giả: Thái Ngân
Tin liên quan