Hội nghị tổng kết cao điểm tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và quán triệt Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới
Chiều ngày 10/01/2023, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến đến Công an các địa phương để tổng kết cao điểm tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) và quán triệt Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới. Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Thượng tá Lê Xuân Thuỷ, Phó Giám đốc Công an tỉnh; đại diện Sở Xây dựng, Sở Thông tin và truyền thông, Sở Công thương và các phòng nghiệp vụ có liên quan.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum
Qua điều tra cơ bản, toàn quốc hiện có hơn 1,1 triệu cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC&CNCH theo Phụ lục I Nghị định số 136/2020/NĐ-CP. Đối với công tác kiểm tra an toàn về PCCC & CNCH, đã hoàn thành kiểm tra 100% cơ sở theo đúng kế hoạch, kiểm tra trên 100% lượt cơ sở. Qua kết quả kiểm tra, đã phát hiện 306.708 thiếu sót, vi phạm về PCCC & CNCH, xử phạt đối với 40.238 trường hợp vi phạm, số tiền phạt gần 324 tỷ đồng
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 5.391 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC, trong đó 1.114 cơ sở do cơ quan Công an quản lý và 4.277 cơ sở do Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường quản lý. Sau gần 2 tháng triển khai quyết liệt đợt cao điểm tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH theo Kế hoạch số 513 của Bộ Công an, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra an toàn PCCC và CNCH đối với 5.391 cơ sở; phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với 45 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt 328.750.000 đồng, đình chỉ hoạt động đối với 02 cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC và CNCH. Qua đó, bước đầu đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân và người đứng đầu cơ sở sản xuất, kinh doanh về công tác đảm bảo an toàn PCCC. Bên cạnh việc triển khai tổng rà soát, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã làm tốt công tác tham mưu, hướng dẫn UBND các cấp, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chú trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành. Xây dựng hàng chục phương án chữa cháy và CNCH, tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH đối với khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao. Đồng thời, tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân PCCC. Nổi bật, đã triển khai và nhân rộng 56 mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC” tại các khu dân cư, tổ dân phố, qua đó, phát huy sức mạnh toàn dân tham gia PCCC theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long ghi nhận và biểu dương những kết quả thành tích của lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH và Công an các đơn vị, địa phương đã đạt được trong thời gian qua.
Thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương cần quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo và mục tiêu đối với công tác PCCC, đã được khẳng định tại Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới... Trong công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính, phòng là “xây”, chữa là “chống”, lấy phòng là “cơ bản – chiến lược – lâu dài”, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy với phương châm: Từng nhà an toàn – từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn – Từng khu phố an toàn – Từng xã, phường, thị trấn an toàn. Huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và Nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm: Lực lượng ở trong dân – Phương tiện ở trong dân – Hậu cần ở trong dân – Chỉ huy ở trong dân”. Mục tiêu đối với công tác PCCC&CNCH là phải ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan. Đề cao hơn ý thức phòng ngừa, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn của người dân trong PCCC&CNCH.