A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy định mới của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm

Ngày 06/7/2022, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm (Quy định số 69) thay thế Quy định số 07-QĐi/TW, ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/01/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Quy định số 69 là hợp nhất Quy định số 07 và Quy định số 102 thành “Quy định về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm” để đảm bảo nguyên tắc kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét rõ trách nhiệm của tổ chức, đồng thời xác định trách nhiệm của từng cá nhân và ngược lại khi kỷ luật đảng viên phải kiểm điểm, xem xét, xử lý trách nhiệm của tổ chức đảng quản lý đảng viên vi phạm để thống nhất, dễ tra cứu khi thực hiện.

/upload/105000/20220722/grab3f736ttxvn_ban_tuyen_giao_dh_thi_dua_yeu_nuoc.jpg

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm

Nội dung Quy định số 69 kế thừa Quy định số 07, Quy định số 102 và chỉ sửa đổi những nội dung không còn phù hợp; bổ sung những hành vi, nội dung mới phát sinh trong thực tiễn, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời cập nhật đầy đủ chủ trương, quan điểm, nguyên tắc của Đảng trong các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về trách nhiệm nêu gương của đảng viên và chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan.

Quy định số 69 gồm có 4 chương với 58 điều quy định nội dung vi phạm và hình thức kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, cụ thể: Chương I: Quy định chung; Chương II: Kỷ luật tổ chức đảng; Chương III: Kỷ luật đảng viên vi phạm; Chương IV: Điều khoản thi hành. Quy định số 69 áp dụng đối với tổ chức đảng (gồm cả tổ chức đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể, thay đổi do chuyển giao, chia tách, sáp nhập) và đảng viên (gồm cả đảng viên bị tuyên bố mất tích, đảng viên đã qua đời nhưng có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng).

Việc ban hành Quy định số 69 nhằm mục đích giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ; tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tha hóa quyền lực đã xảy ra trong một bộ phận tổ chức đảng, đảng viên.

Về nguyên tắc xử lý kỷ luật Quy định số 69 nêu rõ: Tất cả tổ chức đảng và đảng viên bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều phải xem xét thi hành kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời. Thi hành kỷ luật phải đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Đảng.

Khi xem xét kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, ý thức thái độ tự phê bình, tiếp thu phê bình và kết quả sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra.

Một hành vi vi phạm chỉ bị kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật. Khi cùng một thời điểm xem xét kỷ luật nếu có từ hai hành vi vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận từng hành vi vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật cao nhất; không tách riêng từng hành vi vi phạm để thi hành các hình thức kỷ luật khác nhau và kỷ luật nhiều lần.

Đảng viên vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, bị truy nã, bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì khai trừ ra khỏi Đảng; nếu hình phạt nhẹ hơn cải tạo không giam giữ thì tùy nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để thi hành kỷ luật đảng tương xứng...

Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử phạt của pháp luật. Đảng viên bị kỷ luật về đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể.

Quy định số 69 cũng nêu rõ không điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng, Nhà nước đối với đảng viên đang bị tổ chức đảng xem xét xử lý kỷ luật.

Theo đó, quy định mới có bổ sung, sửa đổi một số quy định về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm như:

1. Bổ sung trường hợp chưa kỷ luật, không hoặc miễn kỷ luật đảng viên

Cụ thể, các trường hợp chưa kỷ luật, không hoặc miễn kỷ luật bao gồm:

a) Đảng viên là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc đảng viên là nam giới (trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chưa xem xét kỷ luật.

b) Đảng viên bị bệnh nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện thì chưa xem xét kỷ luật, khi sức khỏe ổn định (được ra viện) mới xem xét kỷ luật;

c) Đảng viên vi phạm đã qua đời thì tổ chức đảng xem xét, kết luận nhưng không quyết định kỷ luật, trừ trường họp có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.

d) Đảng viên bị tuyên bố mất tích nếu phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận nhưng chưa xử lý kỷ luật, khi phát hiện đảng viên đó còn sống thì thi hành kỷ luật theo quy định.

đ) Đảng viên thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo theo Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị, được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng xảy ra thiệt hại thì cơ quan có thẩm quyền xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện; nếu đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

e) Vi phạm do chấp hành chủ trương, quyết định, mệnh lệnh sai trái của tổ chức, cấp trên hoặc do bị ép buộc nhưng đã chủ động, kịp thời báo cáo bằng văn bản với tổ chức, cơ quan có thẩm quyền biết về ý kiến, đề xuất của mình trước khi thực hiện thì miễn kỷ luật.

2. Bổ sung quy định riêng về kỷ luật Đảng viên có hành vi chạy chức, chạy quyền.

Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 11 Quy định 102/QĐ-TW thì đảng viên có hành vi chạy chức sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng. Hành vi chạy chức của đảng viên chỉ là một hành vi vi phạm công tác tổ chức, cán bộ, và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định kỷ luật đảng viên cũng không hướng dẫn nhiều về hành vi chạy chức này.

Tuy nhiên, theo Quy định số 69 quy định việc xử lý kỷ luật đối với hành vi chạy chức, chạy quyền thành một quy định riêng.

Điều 30. Vi phạm quy định về chống chạy chức, chạy quyền

Theo đó, Quy định số 69 đã tách hành vi chạy chức, chạy quyền của Đảng viên thành một hành vi bị kỷ luật riêng biệt, cho thấy quyết tâm xử lý nghiêm hành vi chạy chức, chạy quyền, ngăn chặn việc bố trí, bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn.

3. Bổ sung nhiều vi phạm mà đảng viên có thể bị kỷ luật

- Nhóm hành vi vi phạm quy định quản lý tài nguyên (Điều 44);

- Nhóm hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường (Điều 45);

- Nhóm hành vi vi phạm quy định về khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ (Điều 46);

4. Bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với đảng viên sống chung như vợ chồng với người khác mà không đăng ký kết hôn

Trước đây, đảng viên vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình sẽ bị xử lý kỷ luật khi thuộc các trường hợp theo quy định tại Điều 24 Quy định 102-QĐ/TW, chưa quy định việc xử lý kỷ luật đối với đảng viên sống chung như vợ chồng với người khác mà không đăng ký kết hôn.

Quy định số 69 đã bổ sung hành vi đảng viên sống chung như vợ chồng với người khác mà không đăng ký kết hôn thì sẽ bị kỷ luật.

Điểm e khoản 1 Điều 51 Quy định số 69 quy định như sau:

“1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

e) Không đăng ký kết hôn hoặc đang có vợ (chồng) nhưng vẫn sống chung với người khác như vợ, chồng”.

5. Bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với đảng viên có hành vi đe dọa trả thù đối với người làm chứng cho hành vi vi phạm của mình.

Theo đó, điểm d khoản 1 Điều 26 Quy định số 69 quy định về kỷ luật Đảng viên vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng như sau:

Điều 26. Vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng

1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

d) Đe doạ trả thù, trù dập người chất vấn, góp ý, phê bình, tố cáo mình hoặc người làm chứng dưới mọi hình thức”.

Đây là điểm mới mà quy định về xử lý kỷ luật Đảng viên trước đây chưa quy định.

6. Bổ sung quy định kỷ luật đảng viên có hành vi lấn chiếm đất công để trục lợi

Căn cứ vào Điều 42 Quy định số 69 đã quy định về xử lý kỷ luật đối với Đảng viên vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở như sau:

Điều 42. Vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở

2. Trường hợp đã kỷ luật theo Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

e) Lấn chiếm đất công để trục lợi.

g) Thông đồng bên mua hoặc bên bán để kê khai giá chuyển nhượng bất động sản, quyền sử dụng đất nhằm trốn thuế, giảm thuế gây thất thoát thu ngân sách nhà nước.

3. Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

a) Chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, hủy hoại đất.

b) Giả mạo, gian lận giấy tờ, làm sai lệch hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.

c) Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất trái quy định của pháp luật.

d) Vì lợi ích cục bộ mà ban hành văn bản hoặc chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, thu hồi đất trái pháp luật”.

Như vậy, nếu như đảng viên có hành vi lấn chiếm đất công trục lợi hoặc thông đồng với bên mua hoặc bên bán để kê khai giá chuyển nhượng đất, nhà ở nhằm trốn thuế hoặc giảm số thuế phải nộp thì sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức theo quy định trên.

7. Sửa đổi việc kỷ luật đối với hành vi cấp phép khai thác tài nguyên trái quy định.

Theo Quy định 102-QĐ/TW thì Đảng viên sẽ bị khai trừ khỏi Đảng đối với hành vi cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản trái quy định của pháp luật.

Tuy nhiên điểm c khoản 3 Điều 4 Quy định số 69 đã sửa đổi theo hướng Đảng viên sẽ chỉ bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng khi cấp phép khai thác tài nguyên trái quy định gây hậu quả rất nghiêm trọng.

8. Bổ sung hành vi trong nhóm hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng

Điều 39. Vi phạm quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

e) Quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, cho chuyển công tác đối với nhân sự là đối tượng đang trong quá trình kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, xem xét xử lý kỷ luật, bị kiến nghị xử lý vi phạm theo kết luận kiểm tra, thanh tra, đang điều tra hoặc giải quyết tố cáo.

g) Để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng tại cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình trực tiếp phụ trách.

h) Tiết lộ thông tin, đe dọa, trả thù, trù dập người phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực.

i) Lợi dụng việc phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực để vu khống cơ quan, tổ chức, cá nhân.

k) Nhờ người khác đứng tên hoặc đứng tên hộ người khác mua bất động sản, tài sản có giá trị nhằm trục lợi, che giấu kê khai tài sản, thu nhập.

l) Chỉ đạo, ép buộc cấp dưới đầu tư xây dựng công trình giao thông, công trình công cộng gần nhà mình không đúng quy hoạch nhằm trục lợi.

n) Không bồi hoàn, giao nộp tiền, tài sản đã sử dụng, chiếm đoạt do tham nhũng. Không chủ động thu hồi hoặc cản trở thu hồi tài sản tham nhũng.

o) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để chiếm dụng tài sản công.

p) Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã trái quy định của pháp luật.

q) Lợi dụng công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết để trục lợi.

Quy định 69-QĐ/TW có hiệu lực từ ngày ký (6/7/2022).


Tác giả: Thanh Nhàn