A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từng bước triển khai theo lộ trình việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can trên toàn quốc

Ngày 9-9, tại phiên họp toàn thể lần thứ bảy, Ủy ban Tư pháp đã thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp năm 2022.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (sau đây viết tắt là BLTTHS năm 2015) đã có những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục trong hoạt động hỏi cung bị can, đặc biệt là việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can nhằm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; tăng cường giám sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, nâng cao trách nhiệm và sự thận trọng, khách quan của các cơ quan tiến hành tố tụng. Cụ thể, khoản 6 Điều 183 BLTTHS năm 2015 quy định: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.

Để triển khai thực hiện quy định trên, tháng 2/2018, liên ngành Công an, Quốc phòng, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Tiếp đó, tháng 9/2019, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo trên, Bộ Công an và các bộ, ngành đã thực hiện thí điểm tại 5 đơn vị, địa phương, báo cáo cho biết kết quả. Đồng thời, Bộ Công an cũng đã phê duyệt dự án kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong tố tụng hình sự, đồng thời phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh... Hiện nay, đang tích cực triển khai việc mua sắm thiết bị ghi âm, ghi hình để tổ chức thực hiện theo quy định.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, hiện nay còn chưa được đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật theo quy định, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về ghi âm, ghi hình, mặc dù Nghị quyết số 110/2015/QH13 của Quốc hội đã yêu cầu: “Chậm nhất đến ngày 1/1/2019 thì thực hiện thống nhất việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc”.

Trước tình hình trên, tại phiên họp toàn thể lần thứ bảy của Ủy ban Tư pháp ngày 9/9/2022 về thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết: Bộ Công an đã phê duyệt đề án, tháng 11-12 tới đây sẽ từng bước triển khai theo lộ trình.

Việc triển khai đúng lộ trình việc ghi âm, hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc theo quy định của luật sẽ góp phần bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền của bị can, bị cáo và phục vụ tốt hơn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.


Tác giả: Hoàng Phúc