A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

10 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát môi trường Công an Kon Tum (04/10/2007 – 04/10/2017)

 

Xuất phát từ những yêu cầu trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về lĩnh vực môi trường, ngày 29/11/2006, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định số 1899/2006/QĐ-BCA(X13) về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Cảnh sát môi trường. Từ đó, ngày 29/11 hàng năm trở thành ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát môi trường.

Ngày 04/10/2007, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Kon Tum chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Quá trình 10 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cùng với lực lượng Cảnh sát môi trường Công an cả nước, Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Kon Tum đã từng bước trưởng thành về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu đảm bảo công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trên địa bàn tỉnh.

 

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường đang triển khai các mặt công tác


Từ những ngày đầu mới thành lập, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Kon Tum được biên chế 06 đồng chí, được điều động từ nhiều đơn vị khác thuộc Công an tỉnh, chưa có tổ đội, tuổi đời công tác, trình độ chuyên môn nghiệp vụ không đồng đều, kiến thức về môi trường còn hạn chế, lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường còn mới, cơ sở vật chất còn thiếu, điều kiện làm việc chưa ổn định nên gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt và giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh, sự đoàn kết đồng lòng, quyết tâm cao của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Kon Tum vừa xây dựng lực lượng, vừa chủ động triển khai các mặt công tác, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

 

Cảnh sát môi trường Công an tỉnh phát hiện, xử lý hành vi cất giữ sản phẩm động vật hoang dã tại ĐắkGlei ngày 26/12/2015


Lực lượng Cảnh sát môi trường đã làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh đề xuất với UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực tham gia vào công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường; chỉ đạo Công an các huyện, thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp, giải pháp, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác bảo vệ môi trường đến mọi tầng lớp nhân dân cũng như các cơ quan, doanh nghiệp để người dân hiểu và cùng tham gia bảo vệ môi trường. 10 năm qua, lực lượng Cảnh sát môi trường đã tổ chức được hàng trăm cuộc tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường với hơn chục ngàn lượt người dân, các chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ tham dự; tiến hành khảo sát các cơ sở sản xuất kinh doanh có yếu tố tác động môi trường. Qua đó phân loại, nắm chắc tình hình để phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Nhờ vậy, ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư, cơ quan, doanh nghiệp ngày được nâng lên, các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường ngày được kiềm chế.

 

Cảnh sát môi trường phát hiện hành vi vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép


Bên cạnh đó, Cảnh sát môi trường Công an tỉnh thường xuyên bố trí trinh sát bám sát địa bàn, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, triển khai các phương án phòng ngừa, điều tra khảo sát toàn bộ cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường. Từ đó xây dựng kế hoạch tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi có nguy có gây ô nhiễm môi trường. Triển khai các biện pháp đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái phép, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi vi phạm môi trường khác. Cảnh sát môi trường Công an tỉnh tích cực phối hợp chặt chẽ các Sở, Ban, ngành làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Trong 10 năm qua, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Kon Tum đã phát hiện 102 vụ việc, lập hồ sơ xử lý trên 102 tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, vệ sinh an toàn thực phẩm; thu giữ 02 cá thể tê tê, 02 cá thể Chồn hương, 01 cá thể Nhím chuyển Cơ quan CSĐT Công an huyện Sa Thầy xử lý hình sự; tiêu hủy trên hàng trăm kg sản phẩm nội tạng, động vật, gia súc, gia cầm đã bóc mùi hôi thối; đẩy đuổi hàng trăm đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi địa bàn; đình chỉ hàng trăm vụ khai thác khoáng sản trái phép…tịch thu, sung công quỹ nhà nước số tiền hàng trăm triệu đồng. Phát hiện và yêu cầu kiểm dịch hoặc trả hàng trăm con trâu, bò, động vật khác về nơi xuất phát; chuyển nhiều vụ việc cho cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền…

 

Cảnh sát môi trường phát hiện hành vi khai thác khoáng sản trái phép


Chỉ tính riêng trong năm 2017, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 10 vụ vi phạm quy định về tài nguyên, môi trường, an toàn thực phẩm; thu giữ trên 150kg sản phẩm động vật; tiêu hủy gần 1,2 tấn quả sầu riêng nhúng hóa chất chuẩn bị bán ra thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó tham gia cùng với các đoàn liên ngành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực chăn  nuôi, khai thác khoáng sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, giết mổ gia súc, khách sạn…. đã phát hiện, xử lý 14 tổ chức, cá nhân vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 373,5 triệu đồng.

Qua 10 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Kon Tum đã trưởng thành hơn về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Công an trên lĩnh vực bảo vệ môi trường. Để có được những thành tích trên, bên cạnh việc nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, lãnh đạo đơn vị luôn chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng cho mỗi cán bộ, đảng viên. Trong đó tập trung quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND và các phong trào thi đua khác đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong toàn lực lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ghi nhận những thành tích và kết quả đã đạt được trong 10 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, tập thể đơn vị và nhiều cá nhân được Bộ Công an, UNND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì đã có những những thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

 

Cảnh sát môi trường phát hiện hành vi vận chuyển, mua bán động vật hoang dã trái phép


Thời gian tới hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường dự báo vẫn còn nhiều diễn biến mới, phức tạp, chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Hệ thống pháp luật đang từng bước được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, lực lượng chuyên trách làm công tác quản lý cũng như thực hiện chức năng phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường cũng từng bước củng cố năng lực để thực thi pháp luật, nên các đối tượng vẫn sẽ khai thác triệt để những kẽ hở này để vi phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp; kinh doanh nhập khẩu; khai thác tài nguyên, khoáng sản; lĩnh vực quản lý, xây dựng đô thị sẽ có những diễn biến phức tạp mới. Vi phạm pháp luật môi trường trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; vấn đề xử lý chất thải công nghiệp vẫn còn nhức nhối và khó kiểm soát; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý môi trường trong lĩnh vực y tế, trong lĩnh vực quản lý thuốc bảo vệ thực vật vẫn đặt ra cho các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm môi trường những thách thức mới. Vì lợi nhuận, tội phạm và các doanh nghiệp thiếu đạo đức vẫn sẽ móc nối với các nhân viên nhà nước biến chất, hám lợi, cấu kết với các tổ chức tội phạm nước ngoài để nhập khẩu rác, phế thải, thiết bị máy móc cũ… Tình hình khai thác tài nguyên, khoáng sản, sản xuất, kinh doanh xả thải chưa qua xử lý phá hoại đa dạng sinh học dẫn đến các nguy cơ sự cố môi trường. Nếu không có chính sách quản lý tốt, tình trạng vi phạm pháp luật môi trường ở các khu kinh tế, khu công nghiệp sẽ dẫn đến phức tạp tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Do áp lực về yêu cầu tăng trưởng kinh tế, áp lực về công ăn việc làm, về đối ngoại, về an sinh xã hội nên việc xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường vẫn là bài toán nan giải. Việc tổ chức phát hiện vi phạm không khó, nhưng việc xử lý sai phạm, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, có yếu tố nước ngoài, số lượng lao động đông lại rất khó khăn.

 

Cảnh sát môi trường phát hiện hành vi sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc,

nhãn mác để nhúng quả sầu riêng


Xác định công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao, là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Bảo vệ tốt môi trường là nhân tố góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới phát triển KT-XH, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương. Vì vậy, trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Kon Tum cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, phân tích, đánh giá dự báo tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường để đề xuất Ban Giám đốc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp những giải pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường; làm tốt các mặt công tác, kịp thời phát hiện những vi phạm lớn, tiềm ẩn trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường ở các lĩnh vực, địa bàn phức tạp, nhạy cảm; tăng cường mối quan hệ phối hợp với các lực lượng chức năng, các ban ngành có liên quan trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; triển khai, thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường lực lượng bám nắm địa bàn, lĩnh vực trong điểm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nghiêm trọng, các vụ việc gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó chú trọng làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đầu tư trang thiết bị cho lực lượng Cảnh sát môi trường ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.


Thành Trung (Phòng Cảnh sát môi trường)