A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công an Kon Tum – Biên niên sự kiện lịch sử (07/4/1996 – 04/5/1996)

 

07/04/1996

ĐẤU TRANH NGĂN CHẶN VỤ TỔ CHỨC TỤ TẬP TÍN ĐỒ TRUYỀN ĐẠO TRÁI PHÉP, GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG TẠI PHƯỜNG THẮNG LỢI – THỊ XÃ KON TUM DO NGUYỄN VĂN THIỆN CẦM ĐẦU

 

Sáng ngày 07/04/1996, tại số nhà 59 Bà Triệu – Thị xã Kon Tum, đối tượng Nguyễn Văn Thiện đã tụ tập khoảng 80 tín đồ Tin Lành tổ chức truyền đạo trái phép và gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa bàn.

Nguyễn Văn Thiện, sinh năm 1964, tại Hòa Vang – Quảng Nam – Đà Nẵng. Y là con của Mục sư Nguyễn Chữ (đối tượng Tin Lành cốt cán đã định cư tại Mỹ). Trước năm 1975, tên Thiện cùng anh, chị, em ruột học ở trường Cô nhi viện – Đà Nẵng. Sau đó, Y về công tác tại Trạm thú y thuộc xã Đắk Long, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Thời gian này, Y cùng tên Hướng, A Ước dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Chữ đã tổ chức móc nối, phát triển đạo Tin Lành trái phép trên địa bàn huyện Đăk Glei. Lợi dụng vỏ bọc hợp pháp là cán bộ thý y và nhận thức còn hạn chế của đồng bào vùng DTTS, Thiện tự do đi lại trong các xã, thôn để tuyên truyền, lôi kéo người theo đạo Tin Lành không thông qua chính quyền. Từ tháng 6/1988, Nguyễn Văn Thiện cùng với 03 mục sư Phan Anh Vui, Lương Anh Tín và Nguyễn Chữ liên tục tổ chức tụ tập các tín đồ (có lúc lên đến 200 – 300 người) đọc kinh, truyền đạo trái phép tại nhà riêng, không thông qua chính quyền. Đồng thời tiến hành kích động, xúi dục tín đồ khiếu kiện đòi lại cơ sở thờ tự mà trước đây đã hiến cho chính quyền, chúng ngang nhiên thách thức và tỏ ý chống đối chính quyền để đòi đất đai; tổ chức gây rối trật tự công cộng, làm ảnh hưởng đến tình hình ANCT tại địa phương.

Mặc dù bị bắt quả tang, tạm giữ và xử phạt hành chính nhiều lần về tội gây rối trật tự công cộng và truyền đạo trái phép nhưng Thiện và một số đối tượng cốt cán tiếp tục ngoan cố móc nối với các đối tượng trong và ngoài nước để tán phát tài liệu, phát triển đạo trái phép với các thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt hơn. Ngày 07/04/1996, Nguyễn Văn Thiện đã tụ tập khoảng 80 tín đồ làm lễ trái phép và gây rối trật tự công cộng tại nhà riêng (59 Bà Triệu – thị xã Kon Tum). Thông qua đó tên Thiện lồng ghép nhiều nội dung vu cáo xuyên tạc chính quyền đàn áp tôn giáo, chèn ép, tịch thu cơ sở sinh hoạt đạo Tin Lành, kích động, xúi dục tín đồ ký vào đơn khiếu kiện đòi lại cơ sở sinh hoạt, kéo đến trụ sở Công an phường Thắng Lợi gây sức ép đòi thả tên Thiện mỗi khi hắn bị Công an phường triệu tập.

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Công an tỉnh, các đơn vị nghiệp vụ đã tiến hành điều tra, nắm tình hình, lập hồ sơ đấu tranh lâu dài với tên Thiện, đồng thời tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền thực hiện công tác vận động quần chúng, không để bị các đối tượng cực đoan trong tôn giáo lợi dụng, kích động xúi dục gây rối trật tự công cộng.

Căn cứ vào Nghị định 69/CP của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quy định về các hoạt động tôn giáo, UBND Phường Thắng Lợi đã ra quyết định xử phạt hành chính tên Nguyễn Văn Thiện 200.000 đồng vì đã vi phạm các Nghị định của Chính phủ quy định về các hoạt động tôn giáo, ký cam kết không tái phạm, nhằm kịp thời răn đe, giáo dục đối tượng.

 

25/04/1996

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 07 NĂM CÔNG TÁC

XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG CÔNG AN XÃ (1989-1996)

 

Ngày 12/10/89, Bộ trưởng Bộ nội vụ đã ra quyết định số 137/QĐ-BNV về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và lề lối làm việc của Công an xã. Sau khi có quyết định của Bộ trưởng, Công an tỉnh Gia Lai – Kon Tum (cũ) đã phổ biến, quán triệt và hướng dẫn cụ thể đến các cấp Công an trong toàn tỉnh triển khai thực hiện. Đồng thời tổ chức lớp tập huấn cho Trưởng, Phó Công xã để quán triệt một số nội dung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã theo quy định của Bộ.

Qua 07 năm triển khai thực hiện, ngày 25/04/1996, Công an tỉnh Kon Tum tổ chức hội nghị tổng kết công tác xây dựng lực lượng Công an xã. Các báo cáo tham luận tại hội nghị tổng kết đều nhấn mạnh: Trong những năm đổi mới, nhất là sau khi tỉnh Kon Tum tái lập, tình hình đời sống kinh tế xã hội của tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Quá trình đổi mới cũng nảy sinh nhiều mâu thuẩn, phức tạp mới trong nội bộ nhân dân. Tuy nhiên, trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền cơ sở lực lượng Công an xã đã có nhiều cố gắng, phát huy truyền thống của ngành, đoàn kết nội bộ, cùng với các ngành, đoàn thể vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng giữ vững sự ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, xây dựng và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, qua 07 năm thực hiện công tác xây dựng lực lượng Công an xã đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, đó là mô hình tổ chức chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, biên chế thường xuyên thay đổi. Việc quản lý bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều chuyển thực hiện chưa thống nhất theo quy định của Bộ. Phần lớn Trưởng Công an xã đều do Phó Chủ tịch xã kiêm nhiệm, nhận thức chính trị, trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, trình độ quản lý nhà nước ở cơ sở không đồng đều, nhiều cán bộ năng lực còn hạn chế. Một số xã bố trí lực lượng Công an xã là cán bộ đã lớn tuổi lại còn kiêm nhiệm thêm các công tác khác. Một số đồng chí tinh thần trách nhiệm chưa cao, nhất là ở những xã tình hình an ninh trật tự ít nghiêm trọng, không thường xuyên giảy quyết vụ việc nên buông lỏng công tác chuyên môn. Hầu hết Công an xã không duy trì chế độ giao ban, sơ tổng kết, báo cáo định kỳ, chưa thể hiện được các chức năng tham mưu, vai trò nòng cốt trong việc xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ An ninh Tổ quốc ở cơ sở…

Trong những năm tới, trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới, nhiệm vụ xây dựng, củng cố an ninh quốc phòng đối với từng địa bàn xã phải được quan tâm đúng mức, trong đó lực lượng Công an xã phải được củng cố và phát triển mạnh lên một bước để tăng cường vai trò chuyên chính ở cơ sở, tham mưu đắc lực cho cấp uỷ Đảng, chính quyền cơ sở triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước, của Ngành; phối hợp với các lực lượng khác tạo thành sức mạnh tổng hợp trong việc giải quyết tốt tình hình an ninh trật tự ở từng địa phương. Tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, nhân dân hiểu âm mưu, chiến lược diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch, về thủ đoạn của các loại tội phạm và tính nguy hại của các tệ nạn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

 

02/5 – 04/5/1996

ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH KON TUM LẦN THỨ XI

 

         Từ ngày 02-04/5/1996, tại Nhà Văn hoá Sư đoàn 10 – thị xã Kon Tum diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon tum lần thứ XI. Có 249 đại biểu đại diện cho gần 6.000 Đảng viên thuộc 280 tổ chức cơ sở Đảng trong toàn Đảng bộ đã về dự.

Đại hội đã thảo luận, góp ý vào dự thảo văn kiện của Ban chấp hành Tỉnh uỷ khoá VII trình Đại hội Đảng bộ toàn quốc lần thứ XIII. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XI gồm 43 đồng chí. Đồng chí Sô Lây Tăng được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí KaBaTơ và đồng chí Nguyễn Thanh Cao được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Võ Sáu – Giám đốc Công an tỉnh tiếp tục tham gia Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Chào mừng Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XI, lực lượng Công an tỉnh đã phát động phong trào thi đua trong toàn lực lượng, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, quyết tâm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội  và đảm bảo an toàn tuyệt đối quá trình diễn ra Đại hội, không để xảy ra tình hình đột biến, bất ngờ, gây ảnh hưởng xấu về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt chế độ thường trực chiến đấu, kịp thời triển khai lực lượng giải quyết có hiệu quả các vụ việc xảy ra.

Thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon tum lần thứ XI đã mở ra một bước phát triển mới, tạo sự phấn khởi to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hăng hái bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.


Duy Hòa (Phòng Tham mưu)