A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công an Kon Tum – Biên niên sự kiện lịch sử (13/3/1996 – 01/4/1996)

 

13/03/1996

PHÁT ĐỘNG ĐỢT THI ĐUA ĐẶC BIỆT LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ VIII CỦA ĐẢNG

 

Thực hiện Chỉ thị 02 CT/BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về phát động đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Để giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an toàn Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Công an tỉnh đã tổ chức phát động đợt thi đua đặc biệt trong toàn lực lượng Công an tỉnh (từ ngày 13/03 – 19/08/1996) với những nội dung cơ bản như: Tăng cường công tác nắm tình hình, công tác bảo vệ nội bộ, đẩy mạnh công tác đấu tranh chống diễn biến hoà bình của địch, chống gây rối, gây bạo loạn, lật đổ nhất là ở các địa bàn trọng điểm; xây dựng và củng cố phòng tuyến an ninh vững chắc; có phương án, kế hoạch tăng cường bảo vệ các mục tiêu trọng điểm về chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của chính quyền địa phương; giữ vững an ninh chính trị, không để xảy ra đột biến, bất ngờ. Tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời, triệt để tranh chấp khiếu kiện, đơn thư khiếu nại, tố cáo của quần chúng, bảo vệ an toàn các đoàn khách nước ngoài, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến địa phương kiểm tra công tác chuẩn bị Đại hội… Tổ chức các đợt vận động quần chúng, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, liên tục mở các đợt tấn công truy quét tội phạm, thực hiện có hiệu quả các Nghị định của Chính phủ về lập lại trật tự kỷ cương đô thị, tăng cường quản lý các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, đẩy lùi và tiến tới bài trừ một số tệ nạn xã hội. Làm tốt công tác xây dựng lực lượng, công tác chính trị tư tưởng, nâng cao lòng trung thành, ý chí cách mạng tiến công, ý thức tổ chức kỷ luật.

Sau khi được quán triệt, phổ biến sâu rộng các yêu cầu nội dung đợt thi đua đặc biệt này trong Công an tỉnh, các đơn vị đều tổ chức hướng dẫn, theo dõi và tạo điều kiện cho CBCS của mỗi đơn vị thi đua sôi nổi, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thường vụ Đảng uỷ và lãnh đạo Công an tỉnh giao phòng Công tác chính trị chịu trách nhiệm tổ chức, theo dõi và đề xuất khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời căn cứ tinh thần chỉ thị này để kiểm tra, phát hiện những cán bộ chiến sĩ sai phạm và có hình thức xử lý theo quy định của ngành.

 

22/03/1996

UBND TỈNH RA CHỈ THỊ VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CẤP ĐỔI BIỂN SỐ CÁC LOẠI PHƯƠNG TIỆN CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ TRONG TOÀN TỈNH

 

Từ khi thành lập tỉnh (10/1991), lưu lượng các loại phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh có sự gia tăng mạnh mẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, do mới tái lập tỉnh nên công tác quản lý, kiểm soát các phương tiện cơ giới và việc cấp đổi biển số chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ, gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan và đơn vị chức năng trên địa bàn trong công tác quản lý.

Để chấn chỉnh vấn đề trên và thực hiện nghiêm túc Nghị định 36/CP, Chỉ thị 317/TTg của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý trật tự an toàn giao thông đường bộ, trật tự an toàn giao thông đô thị và Thông tư số 03/TT- BNV ngày 24/07/1995 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) hướng dẫn việc đăng ký, cấp biển số các loại phương tiện cơ giới đường bộ, kiểm tra và quản lý người điều khiển phương tiện thuộc ngành Công an trên địa bàn tỉnh đạt kết qủa tốt. Ngày 22/03/1996 UBND tỉnh ra Chỉ thị số 05/CT-UB về việc triển khai cấp đổi biển số các loại phương tiện cơ giới đường bộ trong toàn tỉnh. Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan, trong đó lực lượng Công an đóng vai trò nòng cốt, tổ chức triển khai thực hiện những việc trọng tâm sau:

– Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Giám đốc các doanh nghiệp cần tổ chức, quán triệt, phổ biến các quy định của Nhà nước về đăng ký, quản lí các loại xe cơ giới đường bộ cho CBCS, nhân dân trên địa bàn biết và thực hiện nghiêm túc nhất là việc thực hiện cấp đổi biển số xe mới do Bộ Nội vụ quy định.

– Công an tỉnh tổ chức chỉ đạo việc cấp đổi lại biển số các phương tiện cơ giới đường bộ theo đúng quy định của Bộ Nội vụ. Thủ tục cấp đổi phải đơn giản, nhanh chóng, không gây phiền hà đến các chủ phương tiện.

– Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính vật giá, Cục thuế, Công ty Bảo hiểm Kon Tum phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh tổ chức việc đăng ký, cấp đổi biển số và quản lí các loại phương tiện cơ giới đường bộ theo đúng chức năng của mỗi ngành.

Thực hiện chỉ thị của UBND tỉnh, Lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị tổ chức việc cấp đổi biển số từ ngày 15/04/1996 đến cuối tháng 12/1996 trên phạm vi toàn tỉnh. Sau khi UBND tỉnh ban hành Chỉ thị đã kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý của Nhà nước trong việc cấp đổi biển số phương tiện cơ giới đường bộ, góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn giao thông đường bộ, trật tự an toàn giao thông đô thị và ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Phát huy vai trò nòng cốt, lực lượng Công an tỉnh đã triển khai thực hiện đầy đủ các quy định, chỉ thị của Chính phủ, Bộ Nội vụ và UBND tỉnh trong công tác cấp đổi lại biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, góp phần làm giảm các thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân do tai nạn giao thông gây ra, đồng thời phục vụ tốt cho yêu cầu nghiệp vụ của ngành trong công tác quản lý hoạt động của các loại đối tượng trên địa bàn.

 

25/3 – 01/04/1996

GIẢI QUYẾT VỤ GÂY RỐI ANTT TẠI KHU VỰC THI CÔNG XÂY DỰNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM TỈNH (TRƯỜNG KEUNOT CŨ)

 

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ và nhân dân thị xã Kon Tum đã có nhiều thành tích trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình phúc lợi xã hội như xây dựng đường, điện, trường, trạm, góp phần làm thay đổi, cải thiện đời sống và dân trí cho nhân dân. Ngày 25/11/1994, UBND tỉnh Kon Tum ra quyết định chuyển giao cơ sở KEUNOT cho Sở Giáo dục – Đào tạo để tiến hành xây dựng công trình Trường Cao đẳng sư phạm tỉnh theo Quyết định số 746/QĐ-UB ngày 25/11/1994 và Thông báo số 103/TB-UB ngày 28/11/1994 của UBND tỉnh.

Trước năm 1908, cơ sở KEUNOT chính là nơi sinh hoạt chung của Giáo hội Thiên Chúa giáo. Sau đó được xây dựng thành Trường Giáo phu KENOT, có nhiệm vụ đào tạo con em người DTTS thành những người truyền giáo. Đến năm 1975, các chức sắc cốt cán trong cơ sở KEUNOT bỏ chạy theo Mỹ, cơ sở này ngưng hoạt động. Ngày 30/01/1978 Tòa Giám mục giao cho chính quyền quản lý, sử dụng theo Quyết định số 721/QĐ-UB của UBND tỉnh Gia Lai – Kon Tum.

Năm 1995, Sở Giáo dục – Đào tạo đã tiến hành thi công giai đoạn đầu công trình Trường Cao đẳng sư phạm tỉnh, thời gian này Tòa Giám mục đã tổ chức khiếu kiện đòi lại cơ sở Keunot nhưng không được chấp thuận. Đến ngày 24/3/1996, công trình xây dựng Trường Cao đẳng sư phạm bước vào thi công giai đoạn II theo kế hoạch. Công trình đang trong giai đoạn đào móng thi công, vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 25/3/1996, Giám mục Trần Thanh Chung đã cùng một số Linh mục trong địa phận như Nguyễn Thanh Liên, Bùi Văn Thủ, Nguyễn Tấn Đường cầm đầu, kích động khoảng 40 giáo dân người DTTS ở 02 làng Kon Rơ Wang và Kon Tum Kơ Nâm – Phường Thắng Lợi – thị xã Kon Tum xông vào khu vực thi công đập phá, sang lấp tất cả các hố móng đã đào và chặt phá tất cả các cột móng đã đóng. Sau khi sự việc xảy ra, Ban chỉ huy công trình xây dựng tạm dừng thi công và báo cáo lên các cấp có thẩm quyền.

Tình hình càng trở nên căng thẳng, phức tạp khi chiều ngày 29/3/1996, dưới sự chỉ đạo của Linh mục Nguyễn Thanh Liên, khoảng 60 người là đồng bào DTTS thuộc các làng Kon Tum Kơ Nâm, Kon Rơ Wang, KonKlo – Phường Thắng Lợi; KonKrai – Phường Thống Nhất và một số ở xã Ngọc Bay, Chư Hreng kéo đến bao vây khu vực đang thi công, la ó, chống đối, cản trở việc xây dựng. Đến 17 giờ cùng ngày, Linh mục Bùi Văn Thủ – Chánh xứ nhà thờ Tân Hương đã cầm đầu 30 giáo dân, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em thuộc Phường Thống Nhất và Phường Quyết Thắng cùng kéo vào khu vực đang xây dựng với thái độ hung hãn, lợi dụng đông người, đêm tối, một số phần tử quá khích hò hét, chửi bới và có hành vi chống đối người thi hành công vụ. Các đối tượng cầm đầu quá khích vu cáo chính quyền ép buộc tịch thu cơ sở Keunot, đe dọa ra Hà Nội khiếu kiện, Linh mục Nguyễn Tấn Đường tuyên bố ‘Nếu cần thiết đổ máu cũng phải làm tới cùng’; Linh mục Liên ngang nhiên thách thức chính quyền và tuyên bố tiếp tục chỉ huy người DTTS biểu tình, gây cản trở thi công và đứng ra nhận toàn bộ trách nhiệm, gây nên tình hình hỗn loạn, căng thẳng.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình và để nhanh chóng ổn định tình hình, Thường trực Tỉnh uỷ và UBND tỉnh đã họp bàn và thống nhất giao cho Thị uỷ, UBND thị xã Kon tum chủ trì cuộc họp với các ban, ngành đoàn thể liên quan kiên quyết thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh là tiếp tục thi công công trình theo kế hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, cuộc họp thống nhất các phương án và kế hoạch bảo vệ trong quá trình thi công, đối phó xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra với phương châm: kiên trì giáo dục, giải thích, thuyết phục là chính, kiên quyết xử lý đối với số có hành vi quá khích; giao Công an tỉnh là lực lượng nồng cốt trực tiếp chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an thị xã tiến hành xác minh, điều tra và giải quyết vụ việc; phối hợp với các ban, ngành trong tỉnh tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giải thích, vận động quần chúng tự giải tán nhằm đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh, Lãnh đạo Công an tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an thị xã trực tiếp xuống địa bàn nắm tình hình, trực tiếp vận động, giải thích cho quần chúng hiểu để không bị kích động, lợi dụng, đồng thời triển khai lực lượng bảo vệ các mục tiêu trọng yếu nhằm đảm bảo công tác ANTT trên địa bàn. Tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể gặp gỡ 05 già làng, người có uy tín của 05 làng DTTS làm công tác vận động quần chúng, tác động tư tưởng tới các già làng, thôn trưởng, giáo phu, câu biện để không bị kích động, xúi dục vi phạm pháp luật. Trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với Linh mục Nguyễn Thanh Liên và Linh mục Bùi Văn Thủ để khuyên giải đồng thời lập biên bản xử lý vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng, cản trở người thi hành công vụ nhằm răn đe đối tượng. Đồng thời chỉ đạo lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an Phường Thống Nhất, Thắng Lợi vận động nhân dân không tụ tập gây rối; giải thích, tuyên truyền cho nhân dân nhận thức việc thi công Công trình Trường Cao đẳng sư phạm là phục vụ lợi ích của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, không kể người Kinh hay người DTTS, có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng… để từ dó họ tự giác hiểu và không tụ tập gây rối. Đến 19 giờ ngày 29/03/1996, đám đông quần chúng đã tự giải tán, tình hình cơ bản được ổn định.

Qua vụ việc trên, các cấp lãnh đạo của tỉnh và thị xã Kon Tum, trong đó lực lượng Công an là nồng cốt đã rút ra bài học kinh nghiệm là trong lãnh đạo, chỉ huy là không được chủ quan, nôn nóng, cần nắm sát diễn biến tình hình, kiên trì công tác giáo dục, thuyết phục là chính. Dù có một vài đối tượng có hành vi chống đối, thậm chí vi phạm pháp luật nhưng ta vẫn hết sức bình tĩnh chỉ đạo các ban, ngành, các đoàn thể của thị xã; Đảng ủy, UBND Phường, xã tổ chức lực lượng một cách chặt chẽ; cử các đồng chí Công an là người địa phương đứng ra vận động, giải thích có lý, có tình nên quần chúng đã tự giải tán, làm thất bại âm mưu của chúng dùng quần chúng để gây áp lực với chính quyền nhằm đáp ứng những yêu sách không phù hợp của các đối tượng quá khích trong Tòa Giám mục.


Duy Hòa (Phòng Tham mưu)