A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công an Kon Tum – Biên niên sự kiện lịch sử (5/01/1996 – 14/01/1996)

 

5/01/1996

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO, QUẢN LÍ, LẬP LẠI TRẬT TỰ, KỶ CƯƠNG TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ VÀ DỊCH VỤ VĂN HOÁ, BÀI TRỪ MỘT SỐ TỆ NẠN XÃ HỘI NGHIÊM TRỌNG

 

Thực hiện Chỉ thị 64 CT-TW, ngày 25/12/1995 của Ban bí thư TW Đảng, Nghị định 87/CP, 88/CP của Chính phủ và Chỉ thị 814 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường lãnh đạo, quản lí, lập lại trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng. Ngày 05/01/1996, Tỉnh uỷ Kon Tum ra Chỉ thị số 20-CT/ TU chỉ đạo các cấp uỷ và tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở, coi việc thực hiện Chỉ thị của Ban bí thư trung ương Đảng, các Nghị định của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ quan trọng trong năm 1996, đồng thời chỉ đạo chặt chẽ các tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, mặt trận và các tổ chức đoàn thể triển khai đồng bộ các biện pháp, tích cực bài trừ các loại văn hoá độc hại, các tệ nạn xã hội; phát động phong trào quần chúng rộng khắp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cả bề rộng và chiều sâu, tạo dư luận xã hội mạnh mẽ hưởng ứng việc đẩy mạnh bài trừ các loại văn hoá độc hại và tệ nạn xã hội.

Ngày 09/01/1996, UBND tỉnh ra Quyết định số 03/QĐ-UB về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 814/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 08/QĐ-UB ngày 25/01/1996 về việc lập Đội kiểm tra Liên ngành thực hiện Chỉ thị 814/TTg do Công an tỉnh làm đội trưởng.

Sáng 26/01/1996, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 814 của tỉnh đã tổ chức lễ phát động ra quân thực hiện Chỉ thị của Trung ương và Tỉnh uỷ tại Trung tâm Văn hoá – Thông tin – Triển lãm tỉnh, với lực lượng tham gia gần 1000 người, gồm cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân, đại diện các ban, ngành, đoàn thể, xã, phường trong tỉnh. Đúng 7h30’, ngày 26/01/1996, đồng chí Y Xuôi – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo 814 của tỉnh chính thức phát động cuộc vận động; đại biểu một số ngành, đoàn thể phát biểu và ký cam kết hưởng ứng cuộc vận động. Sau lễ phát động các lực lượng tham gia diễu hành, hơn 50 xe mô tô mang theo cờ, panô, khẩu hiệu chia thành hai tuyến diễu hành trên các đường phố chính của thị xã Kon Tum. Để đảm bảo ANTT cho buổi lễ, Công an tỉnh có Kế hoạch số 05/CAT (PV11), ngày 01/01/1996 để hướng dẫn các đơn vị, Công an các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 87, 88/CP và Chỉ thị 814/TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời lập Ban chỉ đạo do đồng chí Dương Quang La- Phó Giám đốc Công an tỉnh làm trưởng ban, thành viên là lãnh đạo một số phòng nghiệp vụ liên quan đã trực tiếp chỉ đạo việc triển khai lực lượng tuần tra kiểm soát, chốt chặn xung quanh khu vực làm lễ; bảo vệ trật tự lộ trình đoàn diễu hành, không để xảy ra ùn tắc giao thông. Do có kế hoạch chuẩn bị chu  đáo, buổi lễ phát động được diễn ra thành công tốt đẹp và đạt yêu cầu. Các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình tỉnh đã kịp thời đưa tin buổi lễ phát động, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục, bài trừ các loại văn hoá độc hại và các loại tệ nạn xã hội nghiêm trọng; tuyên truyền, biểu dương kịp thời những gương tốt, điển hình; đồng thời, phê phán tư tưởng né tránh, thời cơ, nóng vội trong quá trình thực hiện cuộc vận động.

Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân, Đảng uỷ và lãnh đạo Công an tỉnh đã tổ chức quán triệt cho tất cả CBCS trong Công an tỉnh nhận thức sâu sắc nội dung các Nghị định của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng; phát động phong trào quần chúng rộng khắp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo dư luận xã hội mạnh mẽ hưởng ứng việc đẩy mạnh bài trừ các loại văn hoá độc hại và tệ nạn xã hội; phối hợp đồng bộ với các ngành chức năng tổ chức khảo sát, kiểm tra, phát hiện và xử lí vi phạm về các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, các tệ nạn xã hội nghiêm trọng, đồng thời phối hợp với Sở Lao động – Thương binh xã hội lập hồ sơ, thu gom số gái mại dâm, người nghiện ma tuý vào các cơ sở chữa bệnh bắt buộc, đẩy mạnh các hoạt động điều tra, khám phá kịp thời các ổ nhóm, tụ điểm tệ nạn xã hội, các cơ sở in ấn tài liệu, văn hoá phẩm trái phép, kiên quyết xử lí nghiêm theo pháp luật.

Trong tháng 02/1996, Công an tỉnh đã đồng loạt ra quân mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các vi phạm trên lĩnh vực văn hoá, dịch vụ văn hoá và phòng chống một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng trên phạm vi toàn tỉnh; phối hợp với các ban, ngành của tỉnh tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, in gần 800 đầu sách các loại để hướng dẫn, giải đáp về nội dung các Nghị định, Chỉ thị của Chính phủ; dựng 07 cụm Panô đặt trên các trục đường chính và các phường, xã trung tâm của thị xã; phát hành 5000 áp phích, tranh cổ động và 4500 khẩu hiệu xuống cơ sở nhằm tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong quần chúng nhân dân, góp phần từng bước lập lại trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, bài trừ một số tệ nạn xã hội, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá của các dân tộc trên địa bàn của tỉnh.

07/01/1996

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT TÌNH HÌNH VÀ CÔNG TÁC NĂM 1995,

TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ CÔNG TÁC CÔNG AN NĂM 1996

 

Ngày 07/01/1996, Công an tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 1995 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 1996. Đến dự  và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí SôLâyTăng-Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Y Vêng-Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ – Chủ nhiệm UBKT Đảng.

Trong năm 1995, Công an Kon Tum đã tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo các cấp, các ngành, các lực lượng liên quan đẩy mạnh công tác bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, chống âm mưu hoạt động “diễn biến hoà bình” của địch, giữ vững an ninh nội bộ, bảo vệ an toàn các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm; bảo vệ các công trình kinh tế trọng điểm của Nhà nước và của tỉnh: Công trình thuỷ điện YaLy, đường dây 500 KW; bảo vệ Đại hội Đảng bộ các cấp…

Trong công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, mà lực lượng Công an là nòng cốt, đã mở nhiều đợt tấn công trấn áp có hiệu quả, kết quả điều tra khám phá các vụ án hình sự trong năm 1995 đạt tỷ lệ khá cao: 71,43%; riêng số vụ trọng án đạt 100 %; bắt 229 tên ( trong đó bắt truy nã 44 tên ). Đẩy mạnh công tác đấu tranh bài trừ tệ nạn xã hội: triệt phá 13 tụ điểm, bắt 22 đối tượng; triển khai thực hiện tốt các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mang tính toàn diện và chiến lược qua các Chỉ thị 406/TTg, Nghị định 36/CP và Chỉ thị 317/TTg của Thủ tướng Chính phủ… Nhìn chung các cấp, các ngành, cán bộ công nhân viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh đều tích cực hưởng ứng, gương mẫu chấp hành và tham gia thực hiện.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho CBCS trong toàn lực lượng được nâng cao, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc được củng cố và phát động sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Năm 1995, Công an tỉnh thống nhất chương trình phối hợp hành động với UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ tỉnh trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động toàn dân xây dựng phong trào quần chúng Bảo vệ ANTQ, phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo ANTT ở địa phương. Công tác hậu cần có nhiều cố gắng, năng động trong việc đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiệp vụ phục vụ tốt cho công tác và chiến đấu.

Trên cơ sở thực trạng tình hình và các mặt công tác năm 1995, dự báo trong năm 1996 tình hình an ninh trật tự tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Công an tỉnh Kon Tum là phải tăng cường công tác đấu tranh các hành vi xâm phạm chủ quyền an ninh quốc gia, giữ vững  an ninh chính trị; triển khai bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng bộ các cấp của tỉnh và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, bảo vệ tốt các công trình kinh tế trọng điểm của tỉnh, không để vụ việc xảy ra đột xuất, bất ngờ; giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đấu tranh ngăn chặn các vụ buôn lậu, tham nhũng, làm giảm các vụ trọng án, các loại tệ nạn xã hội; xây dựng lực lượng Công an Kon Tum thực sự trong sạch, vững mạnh; hoàn chỉnh quy chế làm việc của Đảng uỷ và Ban Giám đốc Công an tỉnh đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn lực lượng nhằm thực hiện thắng lợi chương trình công tác năm 1996 của Công an tỉnh đề ra.

 

14/01/1996

ĐIỀU TRA VỤ TÀNG TRỮ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ TRÁI PHÉP, GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG TẠI XÃ VINH QUANG – THỊ XÃ KON TUM

 

Sáng ngày 14/01/1996, Trần Hồng cùng với vợ là Nguyễn Thị Tươi và anh Phạm Vô vào rẫy ở thôn Đăk Choắi, xã Vinh Quang, thị xã Kontum nhổ mì, có mướn thêm anh Nguyễn Đình Khánh ở Bình Định và một số người ở xã Vinh Quang cùng đi. Đến 12h ngày 14/01/2004, một số người tổ chức uống rượu tại lán nhà anh Bình, gồm có Vô, Hồng, Bình, Thịnh, Ngọc, Tân. Khoảng 16h30 cùng ngày, mọi người giải tán và đi vào lán nghỉ, lúc này Hồng thấy Vô đang bế con mình thì Hồng la vợ: “Tại sao Vô uống rượu lại đưa con cho nó ẵm “. Hai vợ chồng nảy sinh mâu thuẩn và cãi nhau, quá nóng giận anh Hồng cầm cây mì đánh vào người vợ một cái, Phạm Vô thấy vậy đứng dậy đá đổ xoong cơm vì cho rằng Trần Hồng đã ‘coi thường’ mình và cầm rựa đuổi chém Hồng, anh Khánh đứng cạnh vội lôi Hồng bỏ chạy, Hồng chạy vòng ra sau lán đến bụi chuối cách lán 50m lôi lên khẩu súng cạc bin đã dấu ở đó từ trước và quay lại, lên đạn nhằm vào Vô, sau vài câu thách thức lẫn nhau, Vô cầm dao lao tới chém Hồng, lập tức Hồng bắn thẳng vào đùi bên phải của Vô. Thấy vậy, anh Khánh vội chở Vô đi bệnh viện cấp cứu, còn tên Hồng sau khi gây án đã vứt súng lại và bỏ trốn.

Nhận được tin báo, lãnh đạo Công an tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp cùng với Công an thị xã Kon Tum tiến hành các biện pháp nghiệp vụ điều tra. Qua điều tra xác minh ban đầu, xác định khẩu súng Cạc-bin mà Trần Hồng bắn anh Vô là của A- Thoắt ở thôn Plei Đôn, xã Vinh Quang, Thị xã Kon Tum. Vào khoảng tháng 8/1995, A- Thoắt đi đào sắt vụn lượm được một khẩu súng loại Cạc-bin đã bị hoen rỉ, lò xo bị hư, phần báng gỗ bị mục nát, A- Thoắt mang về nhà. Khoảng tháng 10/1995, Trần Hồng đến nhà Thoắt chơi thấy và xin về nhà cải tạo lại lò xo đã hư và dùng cưa sắt cưa bớt nòng súng cho ngắn lại, sau đó Hồng nhờ A-Thoắt dẫn đi mua đạn, Hồng mua được 26 viên đạn cạc bin đem về. Sau khi có đạn Hồng rủ A- Thoắt lên làng Đăc Choắi, Vinh Quang để bắn thử súng và sau đó Hồng đem cất dấu ở rẫy mì thôn Đắk Choắi, xã Vinh Quang cho đến ngày gây án.

Ngày 15/01/1996, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố các bị can, và ra lệnh truy nã đặc biệt đối với tên Trần Hồng về các tội: “Tàng trữ xử dụng vũ khí trái phép “ và “Cố ý gây thương tích “, còn bị can A-Thoắt truy tố về tội: “Tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép“. Thực hiện Lệnh truy nã, lực lượng trinh sát đi các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng… nơi y có khả năng lẫn trốn để thực hiện lệnh bắt nhưng vẫn không có kết quả.

Qua vụ án này cho thấy công tác nắm tình hình và quản lý vũ khí, vật liệu nổ của các cấp còn lỏng lẻo, xem nhẹ việc giáo dục người dân ý thức tự giác trình báo việc thu nhặt được vũ khí, vật liệu nổ và giao nộp cho cơ quan chức năng, cho nên xảy ra hậu quả đáng tiếc nêu trên. Khi tên Hồng có hành vi gây gổ, lúc này có đông người nhưng không ai có hành động gì ngăn cản hoặc bắt giữ khi hắn phạm tội, việc tổ chức truy bắt đối tượng là tội phạm nguy hiểm chưa tích cực, quyết liệt, để đối tượng lẫn trốn trong thời gian dài. Tuy nhiên, nhờ tinh thần cảnh giác cao của quần chúng nhân dân, nên ngày 01/07/1997, Trần Hồng đã bị bắt khi hắn về lại nhà ở xã Vinh Quang.

Ngày 26/2/1998, Toà án nhân dân tỉnh Kon tum đã mở phiên toà công khai xét xử, toà tuyên phạt Trần Hồng 4 năm tù về cả 2 tội nêu trên, xử phạt A-Thoắt 1 năm tù.