A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công an Kon Tum – Biên niên sự kiện lịch sử (5/02/1996 – 6/3/1996)

 

5/02/1996

ĐIỀU TRA, TRUY BẮT TÊN NGUYỄN HỮU HƯNG THEO LỆNH TRUY NÃ VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

 

Tháng 05/1995, nhận được tin báo việc tên Nguyễn Hữu Hưng, sinh năm 1975, tại xã Thái Dũng, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình, là công nhân thuộc Công ty xây dựng thuỷ điện YaLy, đã có hành vi giết người rồi bỏ trốn. Lãnh đạo Công an tỉnh nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với Ban quản lý xây dựng Công trình Thuỷ điện Yaly tiến hành các biện pháp nghiệp vụ điều tra. Kết quả ban đầu được làm rõ: Vào hồi 13 giờ ngày 09/05/1995, tên Nguyễn Hữu Hưng và Sơn đều là công nhân xây dựng công trình thuỷ điện YaLy, do có mâu thuẫn cá nhân đã gây gỗ đánh nhau, thấy vậy anh Thiện là công nhân cùng cơ quan xí nghiệp với Hưng và Sơn chạy vào can ngăn, nhưng Thiện đã bị tên Nguyễn Hữu Hưng dùng xẻng đánh vào đầu làm anh Thiện chết ngay tại chỗ. Sau khi gây án tên Nguyễn Hữu Hưng và Sơn đã bỏ trốn.

Xác định đây là vụ án nghiêm trọng, đối tượng là công nhân viên nhà nước, song với tính chất côn đồ hung hãn đã gây gỗ đánh nhau, Y đã dùng hung khí đánh vào đầu làm nạn nhân chết ngay tại chổ, hành vi của Nguyễn Hữu Hưng đã vi phạm pháp luật, coi thường mạng sống con người, làm mất an ninh trật tự nơi xây dựng công trình trọng điểm của nhà nước. Lãnh đạo Công an tỉnh Kontum đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra quyết định truy nã. Đồng thời tổ chức lực lượng điều tra truy bắt tên Hưng trong thời gian sớm nhất để xử lý trước pháp luật.

Trên cơ sở lai lịch của đối tượng, trinh sát đã đi một số tỉnh, thành tiến hành xác minh các mối quan hệ nhân thân như: Cha, mẹ, anh, chị, vợ con và người thân, nơi có khả năng đối tượng lẩn trốn. Tại nơi xảy ra vụ án ta xác minh một số công nhân biết nội dung sự việc xảy ra, biết mối quan hệ của đối tượng và nhận dạng đối tượng giúp cho việc truy bắt được chính xác và nhanh chóng. Thông qua biện pháp phát động quần chúng, ta kiên trì giáo dục, thuyết phục người thân trong gia đình vận động đối tượng ra tự thú để được sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Kết quả khá bất ngờ, sau một thời gian dài lẩn trốn đến ngày 05/02/1996, tên Hưng được sự vận động của gia đình đã tự nguyện đến phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Bình để tự thú và nhận hết mọi tội lỗi do chính bản thân y gây ra. Sau khi bị bắt, tên Hưng được cơ quan CSĐT Công an tỉnh di lý về tại Kon Tum phục vụ công tác điều tra bổ sung, trong quá trình làm việc y đã tỏ ra biết ăn năn hối cải trước những hành vi tội lỗi của mình, xét những tình tiết giảm nhẹ trên ngày 23/07/1996, Toà án tỉnh Kontum đã mở phiên toà xét xử công khai và Nguyễn Hữu Hưng đã bị kết án  4 năm tù. Đây là một mức án tương xứng do những hành vi tội lỗi mà y đã gây ra, là bài học cảnh tỉnh cho những ai coi thường mạng sống của người khác, góp phần đem lại an ninh trật tự  nơi công trường xây dựng công trình mang tầm cỡ quốc gia như công trình Thuỷ điện Yaly.

 

7/02/1996

UBND TỈNH RA CHỈ THỊ VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ SẢN XUẤT, VẬN CHUYỂN, KINH DOANH VÀ ĐỐT PHÁO NỔ THEO TINH THẦN CHỈ THỊ 406/TTg CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Hơn một năm thực hiện Chỉ thị 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán và đốt pháo nổ đã được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ và tự giác chấp hành. Để phát huy và duy trì kết quả đạt được, nhằm đảm bảo cho nhân dân vui tết Nguyên đán Bính Tý được an toàn, hạnh phúc và tiết kiệm. Ngày 07/02/1996, UBND tỉnh Kon Tum đã ra Chỉ thị số 14/CT-UB chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục và tăng cường công tác quản lý sản xuất, vận chuyển, kinh doanh và đốt pháo nổ.

UBND tỉnh giao cho Công an tỉnh phối hợp với UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Thương mại, các cấp, các ngành trong tỉnh  tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân trú trên địa bàn tỉnh chấp hành tốt Chỉ thị 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời vận động từng hộ gia đình cam kết không sản xuất, tàng trữ, mua bán và đốt pháo nổ; kịp thời phát hiện, tố giác những người tàng trữ, sản xuất mua bán, đốt các loại pháo phát ra tiếng nổ để các cơ quan chức năng kịp thời xử lý theo pháp luật. Đồng thời, Công an tỉnh làm tốt công tác tham mưu giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm Chỉ thị 406/TTg. Thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình kết quả thực hiện về UBND tỉnh, đề xuất các biện pháp chỉ đạo kịp thời.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, với vai trò là lực lượng nồng cốt, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc tăng cường công tác quản lý sản xuất, mua bán, vận chuyển, kinh doanh và đốt các loại pháo nỗ trên địa bàn toàn tỉnh.

 

8-9/02/1996

ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ CÔNG AN TỈNH LẦN THỨ  II

 

Thực hiện Chỉ thị Ban Bí thư trung ương Đảng và Thông tri của Tỉnh uỷ Kon Tum về mở đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, trong 02 ngày 08-09/02/1996, Đảng bộ Công an tỉnh tiến hành Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 1996-2000. Về dự đại hội có 74 đồng chí đại biểu nam và nữ đại diện cho 177 Đảng viên của 18 Chi bộ cơ sở thuộc Đảng bộ. Các đồng chí KaPaTơ-Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, đồng chí Bùi Cương – Trưởng Ban nội chính Tỉnh uỷ, đồng chí Trần Anh Linh- Phó Trưởng Ban tổ chức tỉnh uỷ và các  đồng chí trong Ban thường vụ tỉnh uỷ tới dự và chỉ đạo Đại hội.

Tại Đại hội lần này, các đại biểu đã tập trung thảo luận và thông qua báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an tỉnh Kon tum lần thứ I; báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia góp ý vào các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng Sản Việt Nam và Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XI. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ đồng thời cũng là quyền lợi của mỗi Đảng viên đối với định mệnh, tương lai của đất nước và tỉnh nhà. Đại hội đánh giá cao thành tích của Đảng bộ Công an tỉnh trong nhiệm kỳ qua đã lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác Công an trên các lĩnh vực An ninh trật tự, xây dựng lực lượng và hậu cần, đảm bảo sự ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế-văn hoá xã hội ở địa phương. Các lực lượng Công an tỉnh không ngừng được củng cố, nâng cao nhận thức cả về chính trị tư tưởng, ý thức tổ chức kỷ luật. Đại hội cũng thẳng thắn chỉ rõ một số khuyết điểm tồn tại như: trong công tác nắm tình hình chưa sâu, thực hiện các mặt công tác quản lý nghiệp vụ và đối sách với các loại đối tượng còn bộc lộ sự lúng túng, đơn giản. Một số chỉ tiêu công tác xây dựng Đảng nhiều năm không đạt nhưng chậm đề ra phương hướng và biện pháp tích cực để khắc phục, chấn chỉnh, làm ảnh hưởng đến các mặt công tác, hoạt động của Đảng bộ; một số ít cán bộ Đảng viên ý thức tổ chức kỷ luật kém, sa sút về phẩm chất đạo đức, sai phạm kỷ luật.

Về phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 1996 – 2000, Đại hội thống nhất thông qua với những nhiệm vụ chính trị trọng tâm như: Tăng cường đấu tranh chống địch xâm nhập bảo vệ an ninh biên giới; đấu tranh chống các loại tội phạm kinh tế, hình sự và tệ nạn xã hội… nhằm bảo đảm sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các Chi bộ cơ sở Đảng, xây dựng Đảng, XDLL Công an nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ khoá II (nhiệm kỳ 1996 -2000), gồm 19 đồng chí. Ban Thường vụ Đảng uỷ gồm các đồng chí Võ Sáu, Dương Quang La, Lê Duy Hải, Lê Đình Quang, Nguyễn Công Văn. Đồng chí Võ Sáu – Giám đốc Công an tỉnh được bầu là Bí thư BCH Đảng bộ Công an tỉnh khoá II (nhiệm kỳ 1996 – 2000). Ngoài ra, Đại hội cũng đã bầu ra Ban kiểm tra Đảng uỷ Công an tỉnh (05 đồng chí, do đ/c Nguyễn Công Văn làm Chủ nhiệm UBKT Đảng uỷ), bầu Đại biểu đi dự Đại hội Đảng cấp trên (11 đồng chí).

Chào mừng Đại Hội thành công tốt đẹp, tuổi trẻ các lực lượng trong Công an tỉnh ra sức thi đua học tập, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ, phát huy cao tinh thần trách nhiệm để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trên mặt trận bảo vệ An ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

6/3/1996

THỰC HIỆN CHỈ THỊ CỦA BỘ TRƯỞNG VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH LỄ TIẾT, TÁC PHONG CỦA CÁN BỘ CHIẾN SĨ TOÀN CÔNG AN TỈNH

 

Trong thời gian qua, việc thực hiện điều lệnh Nội vụ của lực lượng CAND đã được chấn chỉnh và đi vào nề nếp. Tuy nhiên qua sự phản ảnh của quần chúng nhân dân, lễ tiết, tác phong của lực lượng CAND vẫn còn một số khuyết điểm, thiếu sót tồn tại. Đó là sự thiếu ý thức trách nhiệm khi tiếp xúc giải quyết công việc, tác phong tuỳ tiện, trang phục không đúng quy định, không tuân thủ đúng giờ giấc làm việc và điều lệnh của lực lượng CAND. Để chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc điều lệnh nội vụ, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, chính quy và từng bước hiện đại. Ngày 06/03/1996, Bộ trưỏng Bộ Nội vụ ra Chỉ thị số 04/CT-BNV về việc chấn chỉnh lễ tiết, tác phong của lực lượng CAND đối với  các đơn vị,  địa phương trong cả nước. Thực hiện Chỉ thị của Bộ, Lãnh đạo Công an tỉnh đã  chỉ đạo mở các lớp tập huấn điều lệnh nội vụ CAND, tổ chức kiểm tra, đôn đốc và có hình thức xử lý kịp thời những vi phạm về việc chấp hành các quy định điều lệnh Nội vụ CAND.

Về sử dụng trang phục phải thực hiện đúng quy định về sử dụng trang phục cho từng lực lượng CAND (trừ số cán bộ chiến sĩ được mặc thường phục do yêu cầu xã hội hoá theo Chỉ thị 02/BNV ngày 22/2/1995 của Bộ Nội vụ – nay là Bộ Công an) trong các dịp như: bảo vệ lễ mít tinh; tham gia các hoạt động thể dục- thể thao; khi bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đoàn khách quốc tế. Đặc biệt là đối với cảnh sát giao thông trật tự, cảnh sát bảo vệ, trực ban, cảnh sát khu vực và cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.

Về lễ tiết tác phong khi tiếp dân phải có thái độ kính trọng lễ phép, quan tâm giải quyết những yêu cầu chính đáng của nhân dân, không né tránh đùn đẩy hoặc gây phiền nhiễu cho nhân dân. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị, Công an các huyện, thị xã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở CBCS ở đơn vị mình chấp hành nghiêm túc các quy định về điều lệnh nội vụ CAND. Nếu cán bộ chiến sĩ đơn vị nào vi phạm điều lệnh thì lãnh đạo đơn vị đó phải chịu trách nhiệm liên đới và có hình thức xử lý nghiêm minh theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm.

Do được hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kịp thời các yêu cầu theo tinh thần Chỉ thị số 04 của Bộ Nội vụ, cho nên lễ tiết, tác phong sinh hoạt của các cán bộ, chiến sĩ trong Công an tỉnh đã được chấn chỉnh và dần đi vào nề nếp, góp phần xây dựng lực lượng CAND ngày càng trong sạch, vững mạnh.


Duy Hòa (Phòng Tham mưu)