A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ

 

Cách mạng Tháng Tám thành công, khi chính quyền cách mạng còn non trẻ, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Trong cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sỹ, đồng bào ta đã bị thương, nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Ngày 16/2/1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sỹ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sỹ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Ngày 27-7-1947, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên), lễ mít tinh công bố Ngày Thương binh toàn quốc đã diễn ra. Tham gia mít tinh có đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc, Cục Chính trị quân đội Quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và cán bộ phong trào của một số địa phương cùng đông đảo nhân dân huyện Đại Từ, Bắc Thái. Ban tổ chức cuộc mít tinh đã đọc thư của Hồ Chủ tịch. Trong thư của Người có đoạn viết : “Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta bày tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh…”. Cùng với nhiều bài phát biểu khác, Bí thư Hội phụ nữ cứu quốc xã Lục Ba (Đại Từ) đã bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của người dân, của phụ nữ đối với thương binh. Tháng 7 năm 1955, “Ngày Thương binh” được đổi thành “Ngày Thương binh – Liệt sỹ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sỹ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sinh thời, cứ vào dịp tháng 7, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gửi thư thăm hỏi, động viên thương binh, gia đình liệt sĩ, một mặt khẳng định công lao, đóng góp của họ, một mặt động viên họ: “Các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương, cũng như các đồng chí đã từng là chiến sỹ kiểu mẫu ở ngoài mặt  trận”, để mỗi “thương binh tàn nhưng không phế”. Nặng lòng với thương binh và gia đình liệt sĩ, trước lúc đi xa, trong bản Di chúc bất hủ, Người căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hi sinh một phần xương máu của mình” cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…”, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi nhận sự hi sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha, mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương…. phải giúp đỡ họ có công ăn, việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói, rét”.

 

Description: Bác Hồ viếng nghĩa trang liệt sĩ. Ảnh tư liệu

Bác Hồ viếng nghĩa trang liệt sĩ. Ảnh tư liệu


Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến các đối tượng thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ. Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” ngày càng đi vào chiều sâu và xã hội hóa cao. Các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc con liệt sĩ mồ côi, đi tìm hài cốt đồng đội, tu sửa, nâng cấp các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ… ngày càng thu hút sự tham gia của toàn xã hội.

 

Description: Kết quả hình ảnh cho hinh ảnh luc luong cong an thap nen tri an  ky niem ngay thuong binh liet sy

Thế hệ trẻ CAND thể hiện sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ


Đã 70 năm trôi qua kể từ Ngày Thương binh – Liệt sỹ đầu tiên ấy, mỗi năm cứ đến ngày 27 tháng 7, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước lại tưởng nhớ đến Bác và thêm tự hào về bước phát triển của công tác thương binh, liệt sỹ theo tư tưởng và sự chỉ đạo của Người. Cứ đến những ngày này mỗi người dân Việt Nam lại vô cùng xúc động, tưởng nhớ đến các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh, các mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh đã hy sinh xương máu của mình, tô thắm những trang sử vẻ vang của dân tộc. Trong đó có những người tuổi đời còn rất trẻ đã gạt lại phía sau những hạnh phúc riêng tư, nguyện đem thân mình dâng hiến cho Tổ quốc. Biết bao người đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ, hay để lại một phần thân thể, đã hy sinh máu xương vì lý tưởng cao đẹp, như Anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm đã viết: “Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng …”. Với hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách tôn vinh, ưu đãi, chăm sóc người có công ngày càng được hoàn thiện. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền, đài liệt sỹ được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn chăm lo. Hệ thống cơ sở vật chất cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công ngày càng được tăng cường. Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước, diện người có công được mở rộng, chế độ chăm sóc, ưu đãi được nâng lên dần. Đến nay, hầu hết những người có công và thân nhân, con em người có công đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục – đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở. Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa,” chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống xã hội. Các gia đình liệt sĩ, các thương binh bệnh binh cũng không ngừng đóng góp trí tuệ và sức lực của mình cho công cuộc đổi mới của đất nước. Không ít thương binh, bệnh binh đã từng là dũng sĩ trong chiến đấu nay lại trở thành những con người tài ba trong sản xuất kinh doanh.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017), chúng ta càng thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và thực hiện tốt hơn đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, góp phần tri ân đối với những người đã ngã xuống, những người đã gửi lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân.


Nguyễn Hữu Đồng – Phòng An ninh kinh tế