A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật Căn cước: Thể hiện đầy đủ chính sách và bản chất công tác quản lý căn cước

Trong dự thảo Luật Căn cước, một trong những điểm mới và quan trọng là việc thay đổi tên gọi từ Luật Căn cước công dân sang Luật Căn cước. Đây là một sửa đổi cần thiết để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung dự thảo Luật, bảo đảm thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước trong giai đoạn hiện nay.

Ảnh minh họa

Theo dự thảo, Luật này “quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước; giấy chứng nhận căn cước; căn cước điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”. Được áp dụng đối với “công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch (sau đây viết gọn là người gốc Việt Nam); cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”. 

Quản lý và bảo đảm địa vị pháp lý cho người gốc Việt Nam ở nước ta là yêu cầu cấp thiết, có tính lịch sử, đã tồn tại lâu nay ở nước ta do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến chiến tranh, di cư… Người gốc Việt Nam là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và cần được Nhà nước, xã hội thừa nhận, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Mặt khác, thực tiễn hiện nay, nhiều cơ quan quản lý nhà nước không có bất cứ thông tin, dữ liệu nào về người gốc Việt Nam; việc này gây ra rất nhiều khó khăn trong quản lý đối với họ, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự khi họ vi phạm pháp luật; đồng thời đây cũng là cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng vấn đề về nhân quyền để gây rối, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, việc sửa đổi tên Luật là để thể hiện được nội dung chính sách bổ sung này cũng như bảo đảm phản ánh đúng, đủ bản chất căn cước và bao quát đầy đủ các đối tượng, nội dung quy định của Luật, đáp ứng yêu cầu quản lý căn cước trong giai đoạn hiện nay.

Việc lược bỏ cụm từ “công dân” trong tên Luật không ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia, vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân. Nội dung Luật Căn cước đã quy định rõ ràng sự phân biệt giữa việc cấp căn cước cho công dân Việt Nam và việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam. Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ chứng minh danh tính của người gốc Việt Nam, được sử dụng để xác minh danh tính, xác nhận các quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam khi thực hiện các giao dịch pháp lý, các hoạt động xã hội khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi tên Luật còn là để bảo đảm phù hợp giữa chính sách trong đề nghị xây dựng Luật với nội dung quy định cụ thể tại Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, việc này cũng thể hiện được bản chất căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác; bảo đảm các quyền của con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và Công ước quốc tế về quyền con người.

Ngoài ra, việc sửa đổi tên Luật không phát sinh việc sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý các luật, pháp lệnh, nghị quyết khác của Quốc hội, không có tác động xáo trộn, thay đổi về chính sách pháp luật. Một số người dân có tâm lý e ngại ban đầu có thể xuất phát từ việc ngại thay đổi những gì đã được áp dụng ổn định; tuy nhiên, không phải vì sự ổn định, không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay và xu hướng phát triển đối với xã hội trong thời gian tới mà không điều chỉnh tên Luật cho chính xác, bao quát hơn.