A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo đảm chức năng điều tra của lực lượng Công an xã chính quy ở địa bàn cơ sở

          Việc bố trí điều tra viên về Công an cấp xã góp phần đảm bảo căn cứ pháp lý vững chắc củng cố chức năng điều tra của lực lượng Công an xã chính quy trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

          Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò của Công an cấp xã trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; kịp thời tiếp nhận, giải quyết vụ việc ngay từ địa bàn cơ sở, từng bước xây dựng lực lượng Công an cấp xã thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; đồng thời thực hiện Hướng dẫn số 15/HD-BCA-V03, ngày 29/8/2023 của Bộ Công an về việc bố trí điều tra viên ở Công an cấp xã, sáng 27-11-2023, Công an tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ công bố và trao các Quyết định của Giám đốc Công an tỉnh về bổ nhiệm 114 điều tra viên sơ cấp ở Công an cấp xã tại 102/102 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, qua đó là địa phương đầu tiên trong cả nước bố trí đủ điều tra viên về Công an cấp xã ở đơn vị xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

https://congan.kontum.gov.vn/upload/105000/fck/hoangphuc/2023_11_28_01_28_421.jpg

Đồng chí Đại tá Nguyễn Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Công an tỉnh trao Quyết định bổ nhiệm cho các điều tra viên ở Công an cấp xã

Hiện nay, trách nhiệm của lực lượng Công an xã là vô cùng quan trọng. Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 42/2021/NĐ-CP, Công an xã chính quy được hiểu là Công an cấp cơ sở, bố trí ở các đơn vị hành chính xã, thị trấn, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân; làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn xã, thị trấn.

Chức năng của Công an xã là tham mưu cho cấp chính quyền địa phương cấp xã (cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân cùng cấp) về công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn toàn xã, nhằm mục đích đề ra được những chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp với nội dung bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn; Quản lý về công tác an ninh - trật tự, phổ biến, nắm bắt và thực hiện các biện pháp phòng chống tội phạm; xác minh, tiếp cận và hỗ trợ điều tra các vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã bao gồm:

- Tiếp cận, nắm bắt tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn xã; đồng thời tiếp nhận các tin báo, tin tố giác về tội phạm; phân loại, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, trên cơ sở đó, đề xuất những chủ trương, chính sách, biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

- Là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội; kiểm tra, đôn đốc, vận động người dân thực hiện đúng các quy định về đấu tranh phòng chống tội phạm, chính sách pháp luật trên địa bàn.

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp xã, phối hợp thực hiện việc quản lý, giáo dục những đối tượng bị hình phạt quản chế, bị phạt cải tạo không giam giữ, người được hưởng án treo cư trú tại địa phương, quản lý người sau cai nghiện ma túy, người chấp hành án phạt tù hay người được đặc xá phải bị quản chế thêm.

- Phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; bảo vệ tài sản, tính mạng của tổ chức, cá nhân, đảm bảo an ninh trên địa bàn toàn xã.

- Quản lý cư trú, chứng minh nhân dân và các giấy tờ đi lại khác trên địa bàn toàn xã; đồng thời giải quyết các thủ tục hành chính về cư trú như đăng ký tạm trú, đăng ký hộ khẩu, chuyển hộ khẩu…. Công an cấp xã có quyền kiểm tra hành chính và thực hiện việc tuần tra kiểm soát an ninh trong địa bàn xã phường, thị trấn.

- Quản lý vật liệu nổ, vũ khí, công cụ hỗ trợ; thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy; bảo vệ môi trường; kiểm tra, quản lý an ninh trật tự đối với một số hoạt động kinh doanh có yêu cầu về quản lý trật tự trên địa bàn phạm vi xã theo sự phân cấp của cơ quan có thẩm quyền.

- Phối hợp bắt giữ người phạm tội bị bắt quả tang, kiểm tra, thu thập giấy tờ tùy thân, vũ khí, hung khí, tang vật trong vụ việc bắt quả tang; bảo vệ hiện trường, cấp cứu nạn nhân, điều tra sơ bộ, báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh. Đồng thời, tổ chức truy tìm, bắt người vi phạm pháp luật lẩn trốn trên địa bàn; và dẫn người bị bắt lên cơ quan công an cấp trên trực tiếp (cụ thể Công an quận, huyện).

- Huy động người, phương tiện trong trường hợp cấp thiết để cứu hộ, cứu nạn, đuổi bắt người phạm tội bắt quả tang, người bị truy nã.

- Xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Công an xã; lập hồ sơ để đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người vi phạm pháp luật trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.

- Tham gia công tác tuyển sinh, tuyển dụng vào lực lượng vũ trang nhân dân (ví dụ sơ tuyển nghĩa vụ quân sự, tham gia công an nhân dân); diễn tập thực hiện các nội dung về an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai.

- Được yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ phối hợp, cung cấp thông tin về các vấn đề an ninh quốc phòng.

Chính vì thế, tại buổi lễ công bố quyết định của Giám đốc Công an tỉnh về việc bổ nhiệm điều tra viên tại Công an cấp xã, đồng chí Đại tá Nguyễn Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh, việc bổ nhiệm điều tra viên đối với Trưởng, Phó Công an cấp xã là chủ trương đúng đắn, nhu cầu cấp thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ngay từ cấp cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò của Công an cấp xã trong phòng, chống tội phạm nói chung, công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, từng bước xây dựng lực lượng Công an cấp xã thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, yêu cầu các đồng chí là điều tra viên tại Công an cấp xã cần phải xác định chức trách, nhiệm vụ được giao, khẩn trương tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên trong phạm vi địa bàn cấp xã được bố trí, bám sát quy định của pháp luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự để thực hiện theo đúng quy định. Bên cạnh đó, đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh cũng yêu cầu Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các huyện, thành phố cần quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực điều tra hình sự, kết hợp với làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn nghiệp vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ điều tra hình sự của đội ngũ điều tra viên tại Công an cấp xã; nhằm đảm bảo hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và công tác điều tra hình sự nói riêng ngay tại cấp cơ sở.

Việc bố trí điều tra viên về Công an xã mới về pháp lý, luật hóa về phân công nhiệm vụ nhưng nội dung công việc không mới vì công tác phòng, chống tội phạm là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Công an cấp xã. Trước đây, Công an xã khi thực hiện nhiệm vụ chịu trách nhiệm trước tập thể đơn vị, lãnh đạo ngành, nay chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật. Mỗi chữ ký, bút lục, việc làm của cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật, vì vậy, điều tra viên phải tự nghiên cứu, nâng cao trình độ mọi mặt như nghiệp vụ, pháp luật, chính trị, linh hoạt, thận trọng và quyết tâm trong công việc mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Chỉ huy công an cấp xã được bổ nhiệm điều tra viên là những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, nắm vững quy định của pháp luật, có tinh thần trách nhiệm trong công tác điều tra, xử lý vụ việc tại cơ sở; đồng thời yêu cầu các đồng chí được bổ nhiệm Điều tra viên phải nỗ lực phấn đấu, cống hiến hết mình vì nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Ban thường vụ, Ban Giám đốc Công an tỉnh, Nhân dân và chính quyền địa phương; phải nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; tiếp tục trau dồi kiến thức pháp luật, nghiệp vụ điều tra; phát huy tinh thần trách nhiệm của người chỉ huy hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; từng bước xây dựng lực lượng Công an xã trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc bố trí điều tra viên về Công an xã nhằm phát huy khả năng trinh sát, điều tra tội phạm cho đến công tác quản lý đối tượng ở cơ sở... Hoạt động của điều tra viên ở Công an xã tương đối độc lập. Do vậy, các điều tra viên phải thận trọng, quyết tâm nhưng phải giữ mình. Cơ quan điều tra cấp huyện cần có sự kiểm soát tốt bằng cách giao, kiểm tra việc để bảo vệ cán bộ, chiến sỹ, tránh sai sót, bảo vệ cơ quan điều tra hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tỉnh Kon Tum phấn đấu từ năm 2025 đến 2030, sẽ bổ nhiệm Trưởng Công an và Phó trưởng Công an cấp xã phụ trách về công tác phòng, chống tội phạm có chức danh điều tra viên.


Tác giả: Võ Bình