A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chi đoàn CSND I thăm hỏi người có công với cách mạng nhân ngày thương binh, liệt sĩ 27/7

 

“Trường Sơn chuyển mình, Pô Kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng quê hương”

Cách đây 48 năm, đúng 11h trưa ngày 24/4/1972, lá cờ giải phóng của Tỉnh ủy Kon Tum tung bay ở đỉnh trung tâm căn cứ 42 của địch, báo tin chiến thắng, mở ra một trang sử mới của nhân dân và Đảng bộ Kon Tum. Bao nhiêu năm đã trôi qua, giờ đây, đứng dưới mái nhà Rông nằm tại quảng trường huyện Đăk Tô nhìn về đồi Sạc Ly hiên ngang sừng sững, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động nghĩ về một thời oanh liệt của quân và dân huyện nhà. Lòng biết ơn và tinh thần tri ân càng sâu sắc hơn, khi chúng tôi đến thăm anh hùng vũ trang Y Buông nhân dịp kỉ niệm ngày thương binh liệt sĩ Việt Nam – 27/07.

Chi đoàn I CSND thăm và tặng quà cho anh hùng Y Buông

Khi chúng tôi vào nhà, anh hùng Y Buông đẩy xe lăn ra đón với nụ cười tươi tắn nở trên môi. Khuôn mặt bà đã hằn dấu vết thời gian, nhưng đôi mắt vẫn đầy tinh anh, sáng ngời tựa như đôi mắt của người thiếu nữ dân tộc Xê Đăng từng che mưa bom bão đạn để bảo vệ cho nồi cơm của bộ đội năm nào. Bà kể, đầu những năm 1960, mới ở độ tuổi 15,16, bà đã giác ngộ cách mạng và quyết tâm đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Không được cầm súng ra tiền tuyến, bà xung phong làm nhiệm vụ phục vụ bộ đội, cấp dưỡng cho anh em. Năm 1962, bà vào làm cấp dưỡng ở Đại đội 130 được 3 năm rồi được điều qua làm cấp dưỡng ở Đại đội 1 (Tiểu đoàn 304). Suốt những năm nấu cơm cho bộ đội ở chiến trường Bắc Tây Nguyên, bao gian khổ khó nhọc bà đều nếm đủ, nhưng bà quyết tâm dành trọn tuổi trẻ cống hiến cho cách mạng. Bao nhiêu lần địch trút cơn mưa đạn xuống những cánh rừng nơi quân ta chọn làm căn cứ, anh hùng Y Buông vẫn dũng cảm che chắn cho những nồi cơm nuôi bộ đội. Đối với bà, cơm nuôi quân còn quý hơn tính mạng chính bản thân mình, bởi vì bộ đội có ăn no thì mới đánh thắng giặc Mỹ.

Không những nấu cơm nuôi quân, anh hùng Y Buông còn trực tiếp chăm sóc cho những chiến sĩ bị thương, tham gia vào một số trận đánh và trực tiếp tiêu diệt kẻ thù. Bà kể với chúng tôi, bà đã cầm súng cacbin bắn chết một tên lính Mỹ và ném lực đạn tiêu diệt ba tên khác. Tấm gương về sự tận tụy và hi sinh hết lòng với cách mạng của anh hùng Y Buông làm nức lòng cả chiến trường Tây Nguyên, tạo nên khí thế đấu tranh hừng hực cho Đảng bộ và đồng bào dân tộc Kon Tum.

Năm 1972, Y Buông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bà là nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc Xê Đăng và của Tây Nguyên. Bên cạnh đó, bà còn 3 lần được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua quyết thắng, được tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng Ba. Năm 1977, trong một lần vào rừng bẻ măng phục vụ các học viên tại Trường Quân sự tỉnh, bà giẫm phải mìn còn sót lại trong chiến tranh nên bị mất một chân. Tuy vậy, bà luôn lạc quan, yêu đời, thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của một công dân và là người vợ, người mẹ, người bà đảm đang, trung hậu ở những năm tháng hòa bình sau này.

Đến thăm hỏi anh hùng Y Buông, Ban chấp hành chi đoàn I CSND thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc đối với nữ anh hùng đã không tiếc thân mình phục vụ cách mạng, dành trọn tuổi thanh xuân để chiến đấu, đem lại độc lập tự do cho Tổ Quốc. Chúng tôi thầm cảm ơn quê hương Đăk Tô anh hùng đã sinh ra người phụ nữ vĩ đại này, người đã góp phần tô thắm ngọn cờ đấu tranh và chủ nghĩa xã hội của dân tộc.

Ngọc Liễu