A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải đáp bài toán xây dựng tổ chức đảng cho lực lượng Công an xã chính quy tại Công an tỉnh Kon Tum

Kon Tum là tỉnh cực Bắc Tây Nguyên với 10 đơn vị hành chính cấp huyện và 102 đơn vị hành chính cấp xã. Nằm ở ngã ba Đông Dương, dân cư nhiều thành phần, tình hình an ninh, trật tự (ANTT) tại địa bàn cơ sở còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp nên việc xây dựng lực lượng công an ở cơ sở góp phần giữ vững ổn định xã hội tại địa phương, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội là yêu cầu cần thiết.

Năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh xây dựng và triển khai Kế hoạch số 1735/KH-CAT ngày 18/10/2018 về thí điểm bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên toàn địa bàn tỉnh Kon Tum. Để triển khai thực hiện theo lộ trình đề ra, Đảng ủy Công an tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/ĐUCA ngày 18/10/2018, đồng thời, Tỉnh ủy Kon Tum cũng ban hành Quy định số 09-QĐi/TU ngày 21/11/2018 quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động của chi bộ Công an xã.

Công an tỉnh đã trực tiếp làm việc và tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp về chủ trương chính quy hóa Công an xã; đồng thời rà soát, lựa chọn nhân sự công an chính quy có chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Công an để tạo nguồn điều động các chức danh Công an xã. Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng tiến hành khảo sát, đánh giá toàn diện về điều kiện làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện hiện có của lực lượng Công an xã. Cụ thể, đơn vị đã lập dự toán đề nghị Bộ Công an trang bị, cấp kinh phí để chi chế độ, chính sách … cho lực lượng Công an xã gồm 15 danh mục quân trang, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ theo tiêu chuẩn định mức. Ủy ban nhân dân tỉnh cùng với một số địa phương đã hỗ trợ để sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục của Công an xã, hầu hết các xã đã bố trí nơi làm việc, sinh hoạt tạm thời cho Công an xã chính quy hoạt động và bám cơ sở, đồng thời bố trí kinh phí hoạt động cho lực lượng này từ ngân sách địa phương.

Theo Điều 5, Quy định 09-QĐi/TU ngày 21/11/2018 của Tỉnh ủy Kon Tum “Chi bộ công an xã trực thuộc đảng ủy là hạt nhân chính trị trong lực lượng công an xã, có chức năng lãnh đạo mọi mặt của lực lượng công an xã; nghiên cứu đề xuất với cấp ủy, chính quyền về công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội; lãnh đạo thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, các biện pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn theo quy định của pháp luật”. Như vậy, việc xây dựng các chi bộ Công an xã là vấn đề hết sức quan trọng và cấp thiết. Trước tình hình đó, Đảng ủy xã các địa phương đã khẩn trương rà soát và thành lập chi bộ Công an xã theo chỉ đạo của cấp trên. Tính đến ngày 10/7/2020, toàn tỉnh có 85/85 xã đã thành lập chi bộ Công an xã độc lập. Tổng số các đồng chí Trưởng Công an xã được chỉ định vào Ban chấp hành Đảng bộ, Ban thường vụ Đảng ủy xã là 84/85 đồng chí, trong đó có 71 đồng chí tham gia Ban chấp hành Đảng bộ xã; 37 đồng chí tham gia Ban thường vụ Đảng ủy xã.

https://f7.photo.talk.zdn.vn/3634118096628262652/0e707eac1ef8e1a6b8e9.jpg

Lực lượng Công an xã Chư Hreng-TP.Kon Tum đang làm việc với công dân đến giải quyết thủ tục hành chính

Thời gian qua, lực lượng Công an xã chính quy đã từng bước khắc phục khó khăn, bám địa bàn, thực hiện hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ với sự hỗ trợ của lực lượng Công an xã bán chuyên trách và quần chúng nhân dân, đã và đang phát huy tốt hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở. Việc thành lập các chi bộ Công an xã trực thuộc, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy xã mà trực tiếp là đồng chí Phó bí thư đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã đã kịp thời phổ biến, quán triệt cho cán bộ, đảng viên trong chi bộ nắm vững và chấp hành đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa phương, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch, đồng thời kiên quyết đấu tranh với các quan điểm, hành vi nói, viết và làm trái với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên của chi bộ; thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát đảng viên trong chi bộ chấp hành điều lệ Đảng và các Nghị quyết, Chỉ thị, quy định của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn quá trình triển khai công tác xây dựng và phát triển tổ chức chi bộ Công an xã trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn sau:

Một là, việc quán triệt các nội dung của Nghị quyết trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng chưa thường xuyên, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế cho thấy, thời gian đầu mới tiếp xúc địa bàn, đa số cán bộ, chiến sĩ tập trung vào công tác chuyên môn mà chưa thực sự chú trọng đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác xây dựng và phát triển tổ chức đảng ở cơ sở.

Hai là, số lượng cán bộ Công an chính quy được điều động bố trí Công an xã ở các địa bàn vùng sâu vùng xa còn thiếu. Việc thiếu cán bộ sẽ ảnh hưởng đến công tác xây dựng các chi bộ Công an xã vững mạnh, chế độ sinh hoạt, phong cách và phương pháp công tác chưa thống nhất; việc giáo dục rèn luyện đảng viên, nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng còn hạn chế.

Ba là, hầu hết các đồng chí được điều động và bổ nhiệm chức vụ Trưởng Công an xã có tuổi đời còn trẻ, do đó, gặp nhiều khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo chi bộ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Bốn là, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng chưa được quan tâm đúng mức. Do mới thành lập nên nhiều chi bộ còn lúng túng, chưa xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát; một số Chi bộ chưa nắm vững phương pháp, quy trình kiểm tra, giám sát nên còn nhầm lẫn nội dung kiểm tra, giám sát với sinh hoạt định kỳ dẫn đến không rõ đối tượng, cần điều chỉnh sau kiểm tra, giám sát.

Từ thực tiễn trên, để giải bài toán nâng cao hiệu quả công tác xây dựng chi bộ công an xã, tác giả xin đưa ra một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ. Các chi bộ Công an xã cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo và làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Tăng cường giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối tin tưởng đường lối, chủ trương của Đảng. Chi bộ phải là một khối đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, mỗi đảng viên phải chủ động, nhạy bén đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, thống nhất tư tưởng và hành động, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đấu tranh phòng, chống hiệu quả biểu hiện “tự diễn biến” , “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Để làm tốt nhiệm vụ này, các chi bộ Công an xã mà đứng đầu là Bí thư chi bộ cần tăng cường các biện pháp giáo dục chính trị, tư tưởng; gắn công tác tư tưởng với công tác tổ chức, chính sách và các biện pháp quản lý hành chính, chấp hành nghiêm điều lệ Đảng và những điều đảng viên không được làm. Chủ động nghiên cứu, dự báo, đánh giá tình hình, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, giải quyết kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh, giữ vững đoàn kết, thống nhất trong chi bộ, sự đồng thuận trong đơn vị. Cùng với giáo dục tư tưởng chính trị, chi ủy cần cần tập trung bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ đảng viên; tạo điều kiện, quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ “sáng” về phẩm chất, đạo đức; “giỏi” về chuyên môn, có tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều và làm có thực chất.

Thứ hai, tập trung xây dựng chi bộ Công an xã thành tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mỗi cán bộ, đảng viên. Một thực tế diễn ra là trong quá trình tiếp cận công việc, đa số lực lượng Công an xã đều chú trọng công tác chuyên môn và coi công tác sinh hoạt đảng chỉ là hình thức. Nội dung sinh hoạt Đảng vẫn theo lối cũ nên chưa thu hút cán bộ đảng viên, cần cải tiến và đổi mới nội dung sinh hoạt nhằm nâng cao tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu của chi bộ, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện tốt công tác vận động quần chúng và công tác phát triển đảng.

Thứ ba, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh ngang tầm nhiệm vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Đảng ủy Công an cấp trên cần phối hợp với Đảng ủy xã làm tốt công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ đảng viên có đạo đức trong sáng, tâm huyết, tận tụy gắn bó với địa phương, nói đi đôi với làm, có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, chuyên nghiệp; chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ. Quán triệt các quy định của Bộ Chính trị (khóa XII) về luân chuyển, điều động cán bộ, đánh giá cán bộ, cụ thể hóa tiêu chuẩn, chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, bổ sung quy hoạch cán bộ các cấp theo quy định. Xây dựng kế hoạch và quyết tâm cao trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành trung ương Đảng, khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng. Các đồng chí Bí thư chi bộ Công an xã cần chủ động làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm và kiểm tra các đồng chí đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Trong kiểm tra, giám sát phải lấy công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị làm trọng tâm, lấy Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị làm tiêu chí, lấy ý thức tự giác chấp hành Điều lệ Đảng và Quy định về những điều đảng viên không được làm để quy chiếu khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, động cơ vi phạm… Công tác kiểm tra, giám sát phải chặt chẽ, công tâm, khách quan; gắn kiểm tra tổ chức đảng với kiểm tra, giám sát đảng viên đối với việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, Chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy các cấp, chấp hành nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, đoàn kết nội bộ, thực hiện nhiệm vụ Đảng viên và chức trách nhiệm vụ được giao. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; xem xét, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đảm bảo đúng nguyên tắc, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Bên cạnh đó, phát huy tốt vai trò của các tổ chức quần chúng, chú trọng và tạo điều kiện tốt nhất để quần chúng nhân dân cũng như cán bộ, đoàn viên tích cực tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Các chi bộ Công an xã thể hiện rõ thái độ cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp của quần chúng để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trung tá Võ Ngọc Hùng

Trưởng phòng Hậu cần-Công an tỉnh Kon Tum