A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cho con niềm tin

“Với Y Xoa, chúng tôi mong muốn con cũng sẽ là một cô gái Xơ Đăng dám dũng cảm vượt lên số phận để vượt qua cái nghèo, thoát khỏi những tục lệ như nạn tảo hôn của người dân tộc thiểu số…”

Xoa bước đi nhanh nhẹn trong cái nắng chiều chói chang của vùng núi huyện Tu Mơ Rông. Bóng dáng của con bé nhỏ, liêu xiêu trong hàng cây cao dài hun hút cuối đường làng. Nhà của Y Xoa ở cách trường vài cây số. Hôm nay, con đến trường nhận lớp để chuẩn bị cho năm học mới sắp Khai giảng. Nhìn các bạn có ba mẹ chở đến trường, ánh mắt Xoa bỗng nhòa đi và cảm thấy cay cay nơi sống mũi. Xoa cúi người bẽn lẽn hòa vào đám đông các bạn học sinh rồi tìm cho mình một góc để quên đi cái sự tủi thân của đứa trẻ mồ côi. Y Xoa năm nay 11 tuổi và học lớp 6 trường THCS xã Đăk Tờ Kan, nhưng cái dáng người của em chỉ như học sinh lớp 2 ở phố thị. Có lẽ, Xoa thiếu đi tình yêu thương, bảo ban của cha, sự chăm sóc tận tình của mẹ nên em rất ốm. Tuy nhiên, đứa trẻ ấy lại rất ngoan và chăm chỉ. Nó cứ lặng lẽ sống một cách thầm lặng, mạnh mẽ dù cuộc đời đầy chông gai và thử thách. Cách đây 4 năm, Xoa đã là đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhà có tận 10 anh chị em nương tựa vào nhau. Các anh chị lớn đã lập gia đình ra ở riêng. Y Xoa ở với chị gái Y Thi (21 tuổi) đã có chồng con và em gái 9 tuổi bị thần kinh tại thôn Đăk Trăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Nhà đông người, kinh tế chỉ trông vào vài đám ruộng, rẫy nhỏ do cha mẹ để lại nên chị em Xoa bữa no bữa đói qua ngày. Với các bạn còn ba còn mẹ thì bữa cơm gia đình có vẻ rất đỗi bình thường nhưng với Y Xoa là cả một khát khao, một mong muốn luôn dâng trào mỗi khi mặt trời xuống núi.

  Ở nơi Xoa sống, sinh hoạt của người dân cũng bình thường và vất vả giống nhau nên việc giao tiếp với người lạ từ nơi khác đến khiến lũ trẻ thấy sợ và lẩn trốn. Chúng chỉ cảm thấy an toàn và tự nhiên khi có người thân và dân làng ở bên. Y Xoa cũng vậy, con khá sợ đám đông, không dám nói chuyện với người lạ và các kỹ năng sống hầu như rất yếu. Con tồn tại và phát triển trong xã hội như một sự sinh tồn theo bản năng tự nhiên của con người. Con thiếu vắng tình thương của cha mẹ và hầu như không có niềm tin vào tương lai. Nếu như con vẫn sống như vậy thì chỉ vài năm nữa, con sẽ bỏ dỡ con đường học hành, lấy chồng sớm, làm mẹ sớm và lại làm bạn với cái nghèo, cái khổ của nỗi lo cơm áo, gạo, tiền.

Đại diện Hội Phụ nữ Phòng Hậu cần Công an tỉnh đến thăm và tặng quà cho bé Y Xoa nhân dịp Tết Trung Thu

  Biết được hoàn cảnh của Y Xoa, Hội liên hiệp Phụ nữ xã Đăk Tờ Kan đã làm cầu nối đến Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Tu Mơ Rông rồi đến Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum. Từ đó, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã biết và nhận đỡ đầu bé Y Xoa trong chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Có lẽ, đây là một trong những chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt, sự đảm đang và trái tim đầy yêu thương của người phụ nữ Việt Nam. Khi tiếp xúc với chị Y Hoàng – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đăk Tờ Kan, chúng tôi được biết toàn xã có hơn 100 trẻ mồ côi và các em đều thuộc diện hộ nghèo của xã. Mỗi cháu là mỗi hoàn cảnh khác nhau. Có bé mồ côi cha, bé mồ côi mẹ, có bé lại mồ côi cả cha lẫn mẹ. Sự thiếu vắng tình yêu thương của đấng sinh thành đã phần nào tác động lớn đến quá trình phát triển tâm lý của các cháu. Đặc biệt, với những bé gái như Y Xoa, khi các con đến tuổi dậy thì, những thay đổi về mặt sinh lý rất cần sự hướng dẫn, bảo ban từ mẹ. Con cần trang bị những kiến thức căn bản để thích nghi với sự thay đổi về ngoại hình, tâm lý tuổi mới lớn. Một chút thay đổi nhỏ hay tác động về tâm lý cũng dễ khiến con bị tổn thương và dẫn đến những hành động không đúng. Lúc này, con cần sự hướng dẫn, quan tâm bảo ban để con có hướng đi đúng, không bị lệch chuẩn để vững tâm đối diện với cuộc sống. Biết được hoàn cảnh của bé, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã tổ chức họp phân công các Hội Phụ nữ cơ sở thay nhau thăm hỏi, quan tâm, động viên bé để con có được sự chăm sóc tốt nhất từ các “Mẹ”. Chúng tôi - những nữ chiến sĩ Công an nhân dân - đang ngày đêm cống hiến vì bình yên của người dân và đất nước, nhưng với cái tâm của người làm mẹ, chúng tôi hiểu rằng, bé Y Xoa cần được quan tâm nhiều về vật chất, tinh thần để con không bị mặc cảm với các bạn cùng trang lứa. Ai cũng vậy, dù đã lớn nhưng đối với mẹ họ vẫn chỉ là những đứa con nhỏ dại, họ cần được yêu thương, được che chở và dạy bảo những điều hay lẽ phải. Với Y Xoa, chị gái Y Thi giờ như người mẹ thứ 2 của con và chúng tôi đang cố gắng để trở thành “mẹ”, thành bạn của con.

 Y Xoa là một trong những cháu nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Hội Phụ nữ Công an tỉnh

Đồng chí Trung tá Nguyễn Thị Xuân (ngoài cùng bên trái) cùng các chị em trong Hội Phụ nữ Công an tỉnh đến thăm nhà và làm quen với bé Y Xoa (đứng cạnh đồng chí Xuân)

  Khi tiếp xúc với Y Xoa, chúng tôi ấn tượng vì vẻ ngoài với làn da đen nhẻm cùng vóc dáng bé nhỏ của con. Tôi ngạc nhiên vì Xoa đã học lớp 6 nhưng bé rất thấp, ốm và khá nhút nhát. Chúng tôi đã đến và bước đầu tiếp xúc, làm quen với con, trao cho con những món quà về vật chất như quần áo, cặp sách, đồ dùng học tập, gạo và các nhu yếu phẩm để chị em con có thể được ăn no, mặc ấm trong mùa mưa gió. Chúng tôi đã gửi cho chị gái Y Thi của Xoa một số tiền nhỏ để mua sắm thêm những thứ cần thiết cho bé khi bước vào năm học mới. Bước vào ngôi nhà nơi chị em Y Xoa sinh sống, tôi không khỏi xót xa khi ngôi nhà không có gì ngoài cái giường để ngủ. Nó trống trải đến nỗi tôi cảm nhận được cái lạnh, lạnh vì gió trời vùng núi và lạnh vì buồn cho cái nghèo cứ đeo bám những con người cơ khổ nơi đây. Cuộc sống của họ cứ luẩn quẩn với vòng tròn của sự nghèo đói - đông con. Xã hội đang phát triển mạnh mẽ của kỷ nguyên công nghệ số thì ở những vùng nông thôn, vùng núi như thôn Đăk Trăng nơi Xoa sinh sống, những điều ấy lại trở nên xa lạ và chỉ xuất hiện trên tivi màn ảnh nhỏ. Nơi đây, cuộc sống của bà con là tháng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với ruộng nương, chuồng trại. Họ bán sức lao động tay chân để đổi lại miếng cơm, manh áo cho bản thân và gia đình. Những đứa trẻ cũng cứ thế ra đời dưới mái nhà tạm bợ. Chúng được ba mẹ địu trên lưng lên rẫy, uống nước suối, ăn củ mì, nếp rẫy để lớn lên. Có lẽ như vậy mà chúng có sức sống khá mãnh liệt. Chúng cam chịu với cái khổ và chấp nhận sống chung với nó như số phận mà ông trời đã định đoạt.

Cuộc đời của các cô gái người dân tộc thiểu số đa phần gắn với việc kết hôn sớm, sinh con rồi làm mẹ ở cái tuổi mà đáng ra phải được học hành và định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Năm 2018, có một cô gái dân tộc Ê Đê đã đăng quang ngôi vị Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam, top 5 Hoa hậu hoàn vũ thế giới. Cô gái ấy là H’Hen Niê. Chính nghị lực và sự dũng cảm dám vượt qua những định kiến của xã hội đã giúp Hen thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ nơi buôn làng để vươn lên trở thành hình mẫu cần phấn đấu của biết bao cô gái Việt. Câu nói: “Tôi làm được và bạn cũng làm được” (I can do it, you can do it) đã trở nên nổi tiếng, là nguồn cảm hứng, động lực để các cô gái dám bước qua ngưỡng của bản thân, bước qua khó khăn để đạt được mục tiêu mình cần phấn đấu. Với Y Xoa, chúng tôi mong muốn con cũng sẽ là một cô gái Xơ Đăng dám dũng cảm vượt lên số phận để vượt qua cái nghèo, thoát khỏi những tục lệ như nạn tảo hôn của người dân tộc thiểu số. Con mới học lớp 6, tương lai còn rộng mở để con thay đổi cuộc đời mình. Nói chuyện với Y Xoa, con mong muốn lớn lên mình sẽ làm cô giáo để dạy chữ cho các em. Ước mơ ấy cũng là một nguồn động lực giúp con cố gắng trên con đường chinh phục tri thức. Tôi động viên con, mong con sẽ là một học sinh ngoan, chăm chỉ và học giỏi. Có thể tấm gương về Hoa hậu H’Hen Niê là một minh chứng quá lớn để con đạt được, nhưng nghị lực dám vượt qua những hũ tục để khẳng định bản thân là điều mà chúng tôi mong con cần có. Tương lai phía trước, con cần trang bị nhiều kỹ năng để có thể tự lập.

Những cuộc trò chuyện ngắn ngủi, “mẹ - con” chúng tôi vẫn chưa tâm sự được nhiều để có thể gần gũi, thấu hiểu nhau hơn. Quãng đường đến với con của những người mẹ đỡ đầu như chúng tôi trở nên ngắn lại khi tần suất đến với con ngày càng nhiều. Chúng tôi lên lịch và chia nhau đến thăm con, quan tâm và chia sẻ với con về những điều trong cuộc sống. Chỉ qua vài lần tiếp xúc, Y Xoa chưa gọi chúng tôi là “mẹ” nhưng con đã cười và nói chuyện nhiều hơn với các cô. Nếu như hôm đầu đến với con là hình ảnh con sợ sệt núp sau lưng chị gái thì hôm nay con đã tự mình ra đón chúng tôi, con đã cười và nói chuyện tự nhiên hơn. Tình cảm “mẹ - con” đã bắt đầu nảy sinh từ những lần gặp gỡ, tiếp xúc và chia sẻ. Có thể, tình cảm mà những người mẹ đỡ đầu như chúng tôi dành cho con không bằng tình thương ruột thịt nhưng hơn ai hết, chúng tôi mong rằng con có thể cảm nhận được tình yêu, niềm tin mà các “mẹ” đã dành cho bé. Chúc con sẽ vững tâm, cố gắng học tốt để đạt được ước mơ làm cô giáo của mình, yêu con!                                                         

 


Tác giả: Bình Yên