Khắc tinh của tội phạm truy nã
“Khắc tinh của tội phạm trốn truy nã” là cụm từ ngắn gọn nhất để mô tả về tinh thần, trách nhiệm, ý chí tấn công tội phạm của Đại úy Trần Tiến Dũng – Đội trưởng Đội phòng ngừa đấu tranh phòng, chống tội phạm theo tuyến, địa bàn, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Kon Tum.
Đại úy Trần Tiến Dũng đang làm việc với các đối tượng
Tốt nghiệp trung cấp An ninh năm 2008, Đại úy Trần Tiến Dũng được phân công công tác tại Công an huyện Kon PLông. Đến tháng 10/2013, anh bén duyên với Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm và giữ chức vụ Phó Đội trưởng, Đội truy bắt. Kể từ đây đến ngày anh được điều động về Phòng Cảnh sát Hình sự với cương vị Đội trưởng, anh được mệnh danh là “Khắc tinh của tội phạm trốn truy nã” , vì chỉ hơn 06 năm kể từ ngày trực tiếp đấu tranh và truy bắt các đối tượng trốn truy nã, Đại úy Trần Tiến Dũng đã có một bảng thành tích đáng nể với hơn 105 lần trực tiếp bắt đối tượng truy nã với hơn 20 đối tượng bị truy nã đặc biệt nguy hiểm, 30 đối tượng nguy hiểm và 55 đối tượng thường.
Dũng tâm sự lúc mới về nhận nhiệm vụ tại phòng Cảnh sát điều tra tội phạm truy nã, anh thật sự rất bỡ ngỡ vì đây là công việc hoàn toàn mới nhưng được sự động viên và chỉ bảo của các anh đi trước và tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, say mê nhiệt huyết với công việc đã giúp anh có nhiều kinh nghiệm để áp dụng vào thực tiễn công tác truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú. Vận động đối tượng truy nã ra đầu thú là một công tác nguy hiểm, gay go và phức tạp, hầu hết các đối tượng gây án biết mình vi phạm pháp luật nên tìm cách trốn tránh sự truy bắt của cơ quan chức năng, tìm đến những nơi xa xôi hẻo lánh, có địa hình hiểm trở lẩn trốn. Mặt khác, Kon Tum có đường biên giới tiếp giáp với 02 nước bạn Lào và Campuchia nên mỗi khi đối tượng phạm tội trốn qua biên giới lại càng gây nhiều khó khăn, thử thách cho công tác xác minh, truy tìm đối tượng. Chia sẻ về những lần truy bắt đối tượng phạm tội trốn truy nã gian nan, vất vả, đồng chí Trần Tiến Dũng cho biết: Điển hình như vụ bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Nguyễn Thanh Bình, tạm trú tại thôn Sơn An, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, Kon Tum. Trước đó, vào ngày 12/8/2015, do có mâu thuẫn từ trước nên nhóm của Bình, Dương, Đô đi tìm nhóm của Đoàn, Quân, Quang để đánh; trước khi đi nhóm của Bình chuẩn bị hung khí như dao tự chế, mã tấu. Khi gặp nhóm của Đoàn, Quân, Quang, nhóm của Bình lao vào chém nhóm của Quang gây thương tích với tỷ lệ lần lượt là Quân 40%, Quang 5%… Công an huyện Sa Thầy đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra quyết định truy nã đặc biệt nguy hiểm đối với Nguyễn Thanh Bình về hành vi Cố ý gây thương tích. Sau khi đồng bọn bị bắt, Bình đã cao chạy xa bay tìm mọi cách lẩn trốn pháp luật. Xác định đối tượng Nguyễn Thanh Bình là đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, dựa vào mối quan hệ ở nhiều địa bàn khác nhau trong và ngoài tỉnh, đồng chí Dũng cùng các trinh sát khác đã tốn nhiều công sức để truy tìm và bắt đối tượng Bình về quy án nhưng không hiệu quả. Giữa lúc vụ án đang đi vào bế tắc thì anh và đồng đội nhận được tin Bình xuất hiện tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Bình đến Bình Dương gặp người quen, lúc này anh và các đồng đội lập tức đón xe khách vào Bình Dương, khi vào đến huyện Bàu Bàng thì đã 3h sáng, đợi đến sáng các anh phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương đi tìm và truy bắt đối tượng Bình thì Bình cũng vừa đi khỏi địa phương trước đó không lâu, lúc này lại là một bài toán khó thử thách anh và đồng đội vì khi đi không thể trở về mà chưa bắt được đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Và rồi với tinh thần kiên quyết đấu tranh, trấn áp với tội phạm đến cùng, quyết lần theo manh mối của đối tượng, lúc này đối tượng Bình đã di chuyển đến Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh ngay lập tức anh và đồng đội đến Thành phố Hồ Chí Minh nhưng như một cuộc trốn tìm khắc nghiệt khi các anh đến nơi thì đối tượng lại quay trở lại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Tiếp tục cuộc hành trình truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, anh cùng đồng đội lập tức quay lại Bình Dương và bắt được đối tượng Bình trong quán Net trong sự ngỡ ngàng của đối tượng. Đối tượng Bình đã phải tra tay vào còng số 8, chịu bản án trừng trị của pháp luật.
Cuộc chiến trên hành trình truy tìm và truy bắt đối tượng trốn lệnh truy nã là hành trình đầy gian nan, vất vả, bởi các đối tượng bị truy nã đặc biệt nguy hiểm thường rất mạnh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Bản thân đồng chí Dũng cũng như đồng đội đã từng bị thương vì thực hiện nhiệm vụ. Nhưng vượt lên tất cả, bỏ lại sau lưng những hiểm nguy, gian khổ, với lòng yêu ngành, yêu nghề, niềm say mê công việc đã chọn, chưa một lần Đại úy Trần Tiến Dũng hối hận về quyết định của mình. Với tinh thần nhiệt tình trong công tác, mỗi đối tượng bị ra Quyết định truy nã, anh đều lập hồ sơ xác minh cụ thể, nắm rõ nhân thân, mối quan hệ cũng như đặc điểm nhận dạng, từ đó lựa chọn đấu tranh truy bắt hay tuyên truyền giáo dục thuyết phục đối tượng ra đầu thú. Vận động đối tượng truy nã ra đầu thú còn mang tính nhân văn sâu sắc. Bản thân anh hiểu và thấm nhuần sâu sắc 06 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, anh đã vận dụng linh hoạt những điều dạy của Bác, vừa mền, vừa cương để tuyên truyền, giáo đối tượng ý thức được hành vi phạm tội của mình, từ đó xây dựng niềm tin cho đối tượng đó là sự khoan hồng của pháp luật khi ra đầu thú để làm lại cuộc đời.
Bằng tinh thần đoàn kết, lối sống giản dị, tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, Đại úy Trần Tiến Dũng luôn được lãnh đạo đơn vị tín nhiệm, được đồng chí, đồng đội quan tâm, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với những thành tích xuất sắc đạt được, từ năm 2015 đến nay, Trần Tiến Dũng có 04 năm liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở (2015 – 2018) và nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và Giấy khen các cấp. Đặc biệt năm 2018, anh được chọn là điển hình tiên tiến tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và biểu dương tôn vinh các Anh hùng, điển hình tiên tiến do Hội đồng thi đuam khen thưởng Trung ương tổ chức./.
Ngọc Đại