A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình đời nơi đất Trại

Khi nói đến Trại tạm giam, có lẽ trong chúng ta không ít người nghĩ ngay đến hình ảnh khô khan của của sắt, chấn song, của áo sọc, của nắng của gió với những người quản giáo, can phạm và phạm nhân nhưng ít ai biết được rằng cuộc sống trong trại giam vẫn đầy ắp tình đời, tình người.

Nếu một ngày được “trải nghiệm” ở Trại tạm giam Công an tỉnh Kon Tum chắc hẳn nhiều người sẽ rất bất ngờ về công việc cũng như cuộc sống của cán bộ chiến sỹ Trại tạm giam và những can phạm, phạm nhân đang giam giữ tại đây. Mặc dù đang rất bận rộn cho công tác đặc xá tha tù cho phạm nhân đợt 02/9/2021 theo Quyết định của Chủ tịch nước nhưng đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Thành, Giám thị Trại tạm giam – một người mà có lẽ nhiều người đùa vui rằng anh đã rất “từng trải” ở Trại tạm giam với bề dày thâm niên gắn bó với nơi đây, vẫn có những phút giây suy ngẫm về nhiệm vụ công tác của đơn vị cũng như của mỗi cán bộ Trại giam. Với anh “Trại giam là một xã hội thu nhỏ, ở đó can phạm nhân là những con người với tuổi đời, hoàn cảnh, trình độ nhận thức… hoàn toàn khác biệt, người quản giáo trại giam phải như là một người thầy đặc biệt, một người cha, người mẹ, người anh chị trong gia đình, phải có cái tâm với nghề và một sự nhạy bén cần thiết để có thể thấu hiểu từng điều kiện hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của can phạm nhân mà có cách giáo dục cho phù hợp. Công việc của người quản giáo không chỉ đơn thuần là trông giữ can phạm nhân mà còn cần phải đánh thức được mầm thiện trong con người của họ, giúp họ tìm được những suy nghĩ tích cực, để có một cuộc sống mới tốt hơn sau khi ra trại”.

Một điển hình về tình người, tình đời nơi đất trại có lẽ là trường hợp can phạm Phạm Văn Treo. Bản thân Treo là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức thấp, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Can phạm Treo khi vào Trại với tiền sử bị viêm dạ dày thường xuyên đau ốm được Trại tạm giam khám và cấp phát thuốc để điều trị. Gần đây nhất, Phạm Văn Treo nhập viện để điều trị vì suy đa tạng, theo phác đồ điều trị, Treo phải tiến hành lọc máu hàng ngày mà chi phí lọc máu quá lớn khiến gia đình Treo đã có ý định từ bỏ, không điều trị nữa nhưng với suy nghĩ “con người là đáng trân quý”, “còn nước còn tát”, Ban Giám thị Trại tạm giam vẫn quyết tâm dùng mọi cách để cứu chữa Treo, cũng may được cứu chữa kịp thời nên Treo đã vượt qua “tử thần”, dần dần bình phục. Trong những ngày nằm điều trị tại Bệnh viện, không có gia đình người thân bên cạnh chăm sóc (vì điều kiện dịch bệnh Covid-19 cũng như hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên vợ con Treo ở Quảng Ngãi không thể lên Kon Tum để chăm sóc Treo), thì cán bộ Trại tạm giam lại như những người thân, hàng ngày hàng đêm chăm sóc can phạm Treo từ những chén cháo, hộp sữa đến những nhu cầu tối thiểu của con người. Đồng chí Nguyễn Lê Minh – cán bộ Bảo vệ chăm sóc Treo chia sẻ “Mỗi khi có can phạm nằm điều trị tại Bệnh viện, chúng em nhận trách nhiệm bảo vệ an toàn cho đối tượng, nhưng cũng có lúc phải như người thân của đối tượng, đặc biệt là những đối tượng “mồ côi” như Phạm Văn Treo, phải lo lắng chăm sóc đến khi can phạm khỏi bệnh, chúng em không nghĩ gì cả, xuất phát từ trách nhiệm của bản thân khi được Ban Giám thị giao nhiệm vụ cũng xuất phát từ lòng thương đối với can phạm nhân, mục đích cuối cùng chỉ mong can phạm nhân khỏi bệnh, đưa về Trại an toàn là tụi em vui rồi”.

C:\Users\Administrator\Desktop\z2738715015424_f982ebd18057ecb8ccdac0c7dca393c5.jpg

Cán bộ Trại tạm giam lại như là những người thân, chăm sóc can phạm từ những chén cháo, hộp sữa đến những nhu cầu tối thiểu của con người

Giờ đây khi đang dần bình phục, can phạm Phạm Văn Treo chia sẻ “Tôi không biết nói gì để bày tỏ lòng biết ơn của mình đến Ban Giám thị cùng cán bộ chiến sỹ Trại tạm giam đã giúp tôi vượt qua bệnh tật, các cán bộ như đã tái sinh tôi lần thứ hai. Bây giờ tôi đã bình phục, tôi xin hứa sẽ an tâm tư tưởng, chấp hành tốt nội quy, thành thật khai báo, ăn năn hối cải để không phụ tấm lòng của cán bộ Trại dành cho tôi”

Đơn cử thêm một trường hợp nữa là can phạm Hà Văn Ân (Sinh năm 1985; Tội danh: Vận chuyển trái phép chất ma túy), đây là đối tượng đã bị kết án tử hình, sau khi bị kết án can phạm hoàn toàn suy sụp, hoang mang lại thêm bệnh tật trong người nên với tư tưởng không có gì để mất nhiều lúc đối tượng suy nghĩ tiêu cực. Nắm bắt được tình hình đó, cán bộ Trại tạm giam một mặt vừa thăm khám, điều trị bệnh cho đối tượng mặt khác tăng cường việc gặp gỡ, động viên, ổn định tư tưởng cho đối tượng. Sau một thời gian, can phạm Ân đã dần khỏi bệnh, tư tưởng suy nghĩ đã dần dần tích cực, phấn chấn hơn.

Đồng chí Thiếu tá Phạm Quang Thao – Đội trưởng Đội Quản giáo Trại tạm giam cho biết “Đối tượng Hà Văn Ân là đối tượng bị kết án tử hình, đây là đối tượng đặc biệt vì lúc nào cũng có tư tưởng không có gì để mất, chán chường, hoang mang dao động, lại cộng với bệnh tật làm con người đau ốm dẫn đến tiêu cực, chúng tôi hiểu điều đó nên một mặt phải điều trị cho can phạm khỏi bệnh, có một sức khỏe tốt đồng thời thường xuyên gặp gỡ động viên đối tượng qua đó nắm tình hình diễn biến tư tưởng để có đối sách hợp lý thì mới giáo dục được, Trại đã bố trí các cán bộ có kinh nghiệm để quản lý đối tượng. Cho đến thời điểm này cơ bản đối tượng đã ổn định về sức khỏe, về tư tưởng nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục nắm bắt đối tượng vì những đối tượng có án tử hình như thế này thì thường xuyên bất ổn về tâm lý đòi hỏi cán bộ quản giáo phải nắm bắt từ giây từng phút, không được lơ là mất cảnh giác”. 

Hiện nay, Trại tạm giam Công an tỉnh đang quản lý gần 300 can phạm nhân trong đó có 07 án từ hình, 05 án chung thân và rất nhiều các đối tượng trọng điểm phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Mỗi trường hợp là mỗi hoàn cảnh khác nhau, và con đường dẫn đến phạm tội của mỗi can phạm nhân cũng không giống nhau. Nhưng dù như thế nào, thì mỗi cán bộ Trại giam vẫn đối xử với họ bằng sự cảm thông và chia sẻ. Mỗi cán bộ trại đều thấm nhuần ý nghĩa cao đẹp của câu “Dùng nhân tâm để thu phục” vì vậy đã góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đi đến mục tiêu chung giáo dục cải tạo những con người lầm lỗi trở thành người lương thiện, sớm hoà nhập và sống có ích cho gia đình, xã hội.

Lê Tuấn

 


Tin liên quan