A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khi Công an chính quy về xã

Tỉnh Kon Tum là địa phương đầu tiên trong cả nước được Bộ Công an chọn thí điểm bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã. Sau hơn chín tháng triển khai chính quy hóa lực lượng công an xã góp phần xây dựng địa bàn cơ sở ngày càng an toàn, vững mạnh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, loại trừ những vấn đề phức tạp nảy sinh ngay từ cơ sở, góp phần giữ vững an ninh trật tự, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.

Đưa công an chính quy về xã

Công an chính quy xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi nắm tình hình tại thôn Đắc Mế.

Nhiều địa bàn trọng điểm chuyển biến rõ rệt

Xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi là xã biên giới nằm ở ngã ba Đông Dương, là xã trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự. Trước khi bố trí công an chính quy, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật xảy ra tương đối nhiều, chủ yếu là trộm cắp tài sản, mua bán, vận chuyển pháo nổ, gây gổ đánh nhau, bình quân mỗi năm xảy ra hơn 50 vụ việc. Sau khi lực lượng công an chính quy tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa, rà soát thống kê, quản lý, giáo dục răn đe các loại đối tượng, nắm thông tin quan trọng báo cáo với lãnh đạo công an huyện và phối hợp các đội nghiệp vụ xác minh, xử lý làm rõ được hầu hết các vụ việc xảy ra trên địa bàn, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật giảm từ 50 đến 55% số vụ việc.

Ông Thao Lợi 56 tuổi, dân tộc B’râu ở làng Đắc Mế, xã Pờ Y cho biết, trước đây thanh niên trong làng Đắc Mế thường hay tụ tập uống rượu, gây gổ đánh nhau, đi xe máy lạng lách… Nhưng từ ngày có công an về xã, tình trạng này đã chấm dứt. Tại làng Đắc Mế có nhiều trường hợp sinh sống ở làng đã nhiều năm nhưng không có hộ khẩu, vừa rồi nhờ công an xã hướng dẫn cho nên đã làm được chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu cho gia đình.

Phó trưởng Công an huyện Ngọc Hồi, Thiếu tá Lê Quang Chính cho biết: Trước khi bố trí công an xã chính quy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn cơ sở huyện tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn. Các loại tội phạm và vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, nhất là trộm cắp tài sản, sử dụng, tàng trữ chất ma túy, buôn bán, vận chuyển hàng cấm; tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, các đối tượng hình sự, các loại tội phạm hoạt động manh động, coi thường lực lượng an ninh trật tự cơ sở. Sau khi bố trí công an chính quy, nhờ làm tốt công tác tham mưu, cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thực hiện các chủ trương về công tác bảo đảm an ninh trật tự; tổ chức thực hiện hiệu quả các kế hoạch phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội cho nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu như trước đây lực lượng công an bán chuyên trách không trực tiếp giải quyết được các vụ việc xảy ra, phải có sự phối hợp, hướng dẫn của các đội nghiệp vụ thuộc công an huyện, thì đến nay các vụ việc được xử lý nhanh chóng, hiệu quả.

Đánh giá thực trạng tình hình, cơ cấu các loại tội phạm trên địa bàn TP Kon Tum trước và sau khi bố trí công an chính quy về xã, Thượng tá Hà Viết Dự, Phó trưởng Công an TP Kon Tum cho biết: Mặc dù tình hình an ninh trật tự vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp như tình trạng tranh chấp, khiếu kiện về đất đai giữa người dân và doanh nghiệp được giao đất vẫn tiếp tục xảy ra; tình hình phạm pháp hình sự vẫn có chiều hướng gia tăng, trong đó đáng chú ý là tình trạng cho vay nặng lãi, bảo kê, đòi nợ thuê, khai thác, vận chuyển mua bán trái phép khoáng sản diễn biến phức tạp… Nhưng đánh giá chung thì tình hình hoạt động của tội phạm sau khi bố trí công an chính quy đảm nhận các chức danh công an xã có xu hướng giảm rõ rệt trên tất cả các mặt, thí dụ như, trộm cắp tài sản so với cùng kỳ giảm 16 vụ; sử dụng chất ma túy giảm năm vụ; cố ý gây thương tích giảm tám vụ; gây rối trật tự công cộng giảm bảy vụ …

Cấp ủy, chính quyền ủng hộ, nhân dân tin tưởng

Thượng tá Trần Thị Thu Phước, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum chia sẻ: Khi Bộ Công an có chủ trương thí điểm bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã trên địa bàn, qua trao đổi đã nhận được sự thống nhất, ủng hộ rất cao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Từ đó tạo sự lan tỏa, đồng thuận và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc thực hiện chủ trương này của Bộ Công an. Theo đó, Công an tỉnh Kon Tum đã phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ và các huyện khảo sát, đánh giá tình hình thực tế lực lượng công an bán chuyên trách; hiện trạng cơ sở vật chất, qua đó báo cáo đề xuất Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng lộ trình triển khai bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã; có phương án giải quyết chế độ, chính sách cho số công an xã bán chuyên trách, tiếp tục hỗ trợ kinh phí hoạt động, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho công an xã chính quy và một số vấn đề liên quan đến công tác đảng ở cơ sở.

Đến nay, tỉnh Kon Tum đã bố trí 363 cán bộ, chiến sĩ về công tác tại tất cả 86 xã, trong đó ở các xã trọng điểm về an ninh trật tự, bố trí từ năm đến bảy đồng chí; các xã còn lại bố trí từ ba đến năm đồng chí. Về chức danh, đã bố trí 82 trưởng công an xã; 73 phó trưởng công an xã và 207 công an viên; đã có 17 trong số 86 công an xã có trụ sở làm việc độc lập; 69 trong số 86 công an xã làm việc trong trụ sở Đảng ủy, UBND xã; tất cả các địa phương đều đã ưu tiên bố trí quỹ đất riêng để xây dựng trụ sở làm việc cho công an chính quy. Từ các nguồn kinh phí của địa phương, Công an tỉnh Kon Tum đã mua sắm trang bị 156 chiếc xe máy cho công an xã; Bộ Công an đã đầu tư mua sắm trang thiết bị và cấp phát 15 danh mục quân trang, thiết bị nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ theo tiêu chuẩn định mức để phục vụ cho công tác của lực lượng công an xã chính quy.

Việc bố trí công an chính quy về xã đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ rất lớn của các cấp ủy, chính quyền xã. Đó là sự chuẩn bị về nơi làm việc, sinh hoạt; giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ công an chính quy nhanh chóng tiếp cận và làm quen với địa bàn… Ngược lại, công an chính quy sau khi về xã cũng đã giúp cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác chuyên môn như tham mưu giải quyết những vụ việc phức tạp phát sinh liên quan an ninh trật tự một cách hợp tình, hợp lý; phối hợp thực hiện một số chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội; đề xuất lồng ghép nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc… vào trong công tác của cấp ủy, chính quyền xã. Qua đó, giúp cấp ủy, chính quyền xã nhận thức ngày càng sâu sắc, cụ thể hơn về ý nghĩa phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, về mối liên hệ giữa yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Qua thống kê của Công an tỉnh Kon Tum cho thấy, từ khi có công an chính quy về xã, số vụ việc được phát hiện và số tin báo, tố giác tội phạm tăng nhiều so với trước đây. Nguyên nhân chính là do so với công an bán chuyên trách trước đây, công an xã chính quy đã làm rất quyết liệt nhưng có lý, có tình, đúng pháp luật, được quần chúng nhân dân tin tưởng, tích cực cung cấp nhiều tin báo, tố giác tội phạm.

Qua khảo sát trực tiếp tại nhiều xã ở tỉnh Kon Tum cho thấy về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, sinh hoạt của các xã đều rất khó khăn, thiếu thốn. Giao thông đi lại vất vả, nhất là các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới. Vì vậy, điều kiện làm việc cho công an xã ở các địa phương này còn nhiều khó khăn, vất vả, đang rất cần tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện bảo đảm phục vụ hiệu quả hoạt động công an xã chính quy.

Theo phản ánh của nhiều địa phương, từ tháng 7-2019, HĐND tỉnh Kon Tum đã ban hành Nghị quyết về cắt giảm phụ cấp đối với công an viên các thôn, làng trên toàn tỉnh sau khi có công an chính quy về đảm trách công an xã. Tuy nhiên, trên thực tế, để bảo đảm ANTT trên địa bàn, công an viên vẫn giữ vai trò rất quan trọng, nhất là ở vùng sâu, vùng đồng bào DTTS, khi mà công an chính quy chưa có đủ thời gian, kinh nghiệm để nắm bắt địa bàn.

Mặc dù các cán bộ, chiến sĩ đã được tập huấn trước khi điều động, bố trí về xã, tuy nhiên ở các xã vùng sâu, vùng biên giới, hầu hết là đồng bào DTTS sinh sống, hiểu biết pháp luật thấp, phong tục tập quán lạc hậu, bảo thủ. Trong khi đó, phần lớn các cán bộ, chiến sĩ không biết tiếng DTTS, chưa hiểu nhiều về phong tục tập quán, văn hóa; chưa có nhiều thời gian làm quen, học hỏi nghiên cứu về địa bàn… Bởi vậy, tỉnh Kon Tum cần mở các lớp đào tạo tiếng DTTS cho cán bộ, chiến sĩ công an xã chính quy. Bộ Công an cần quan tâm chỉ đạo công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, các kỹ năng cần thiết cho lực lượng công an xã chính quy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nguồn: nhandan.com.vn