Một số vấn đề về trách nhiệm nêu gương của người đảng viên nhất là cấp ủy, người đứng đầu đơn vị
Hơn 90 năm xây dựng và phát triển của Đảng Cộng sản Việt nam đã khẳng định, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam, Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, để luôn xứng đáng với vị thế và long tin của nhân dân đối với Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng phải thường xuyên tự xây dựng, chỉnh đốn. Đó là yêu cầu khách quan nhằm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh về mọi mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, làm cho mỗi đảng viên của Đảng không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: Cán bộ là cái gốc của mọi việc. Muôn Việc thành công hay thất bạn đều do cán bộ tốt hoặc kém. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng phải có đội ngũ cán bộ đảng viên tiên phong, gương mẫu đi đầu. Người cũng căn dặn: “Muốn dân tin, dân yêu, dân làm theo, thì mỗi cán bộ, đảng viên cần phải làm gương trước”, “đảng viên đi trước, làng nước đi sau”, trước mặt quần chúng không phải ai cũng viết lên hai chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ yêu mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân mình phải làm mực thước cho người ta bắt trước”. Cán bộ, đảng viên nắm giữ các chức vụ, quyền hạn càng cao thì phải nêu gương sáng, gương mẫu trong mọi công việc, không màng danh lợi, quyền chức; được giao công việc gì cũng cố gắng hoàn thành tốt nhất. Đó là sự nêu gương chân thành và tự giác.
Trong quá trình hoạt động, Đảng ta luôn quan tâm đến công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp và coi đó là nhiệm vụ then chốt. Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn tồn tại”, trong đó có tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp; đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Một trong những nguyên nhân chủ quan, cơ bản của tình trạng trên là thiếu sự nêu gương của một số cán bộ, nhân viên, nhất là của một số cán bộ, đảng viên đứng đầu tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trách nhiệm nêu gương có thể xoay quanh một số vấn đề sau:
– Việc lựa chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ, lựa chọn, bố trí người đứng đầu có trình độ, năng lực giỏi, thật sự là tấm gương tiêu biểu về bản lĩnh chính trị và đạo đức, lối sống ở cơ quan, đơn vị. Sự gương mẫu của người đứng đầu là mệnh lệnh không lời thuyết phục cấp dưới noi theo. Người đứng đầu mà nghiêm cẩn thì cấp dưới không thể làm bừa, làm ẩu. Thực tiễn đã chứng minh, khi người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực giáo dục, tuyên truyền tốt, thường xuyên, tích cực phê phán những quan điểm, tư tưởng sai trái, lệch lạc, thì chắc chắn hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị sẽ được khắc phục. Người đứng đầu có đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, hưởng thụ, thì hiện tượng suy thoái về đạo đức, lối sống trong cơ quan, đơn vị sẽ khó có cơ hội phát triển. Vì vậy, công tác xây dựng đội ngũ người đứng đầu phải được tiến hành toàn diện và đồng bộ, đúng nguyên tắc, từ khâu phát hiện, làm quy hoạch, bồi dưỡng đến bổ nhiệm, sử dụng và đãi ngộ. Nhận thức đúng, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Không chỉ dừng lại ở đó, mà nhận thức ấy phải được chuyển hoá thành hành động cụ thể ở ngay mỗi cơ quan, đơn vị và từng cá nhân. Không thể chấp nhận có tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ mà người đứng đầu lại vô can. Để xảy ra tình trạng đó chỉ có thể do trách nhiệm kém, hoặc do năng lực không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, thậm chí là do chính người đứng đầu dung dưỡng, bao che cho các hiện tượng đó. Vì bất cứ lý do nào, người đứng đầu không đủ phẩm chất và năng lực tương xứng với cương vị được giao đều bị miễn nhiệm hoặc chịu xử lý kỷ luật.
– Cần hoàn thiện các chế tài bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, nghiêm khắc để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Phải hoàn thiện các quy định, chế tài để giám sát việc thực hiện quyền lực của người đứng đầu. Vì ở vị trí người đứng đầu dễ nảy sinh sự lạm dụng quyền lực và cũng dễ nảy sinh những đặc quyền. Thực tiễn đã chỉ ra, ở đâu, khi nào còn sự lạm dụng quyền lực thì ở đấy, khi đó còn có nguy cơ tham nhũng. Vì vậy, phải có sự giám sát chặt chẽ đối với người đứng đầu để ngăn chặn việc lạm dụng quyền lực. Cần “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”. Trực tiếp, thường xuyên quản lý, giám sát người đứng đầu không ai khác, chính là tổ chức đảng, chính quyền và tập thể cán bộ ở chính cơ quan, đơn vị đó. Vấn đề cốt yếu là quy định nhiệm vụ giám sát của từng tổ chức, từng đối tượng đối với người đứng đầu phải phù hợp với đặc điểm chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và cần được cụ thể hóa bằng văn bản có tính pháp lý. Đồng thời phải coi trọng phát huy dân chủ, coi trọng ý kiến phản ánh của cấp dưới, của các đoàn thể chính trị – xã hội, của các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong giám sát quyền lực người đứng đầu, cũng như phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, đơn vị. Mỗi đơn vị phải quy định rõ và phổ biến đến mọi người về những nội dung được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát trong cơ quan, đơn vị mình theo đúng Quy chế dân chủ cơ sở.
– Cần xem trọng việc quản lý người đứng đầu không chỉ về trình độ, năng lực chuyên môn, mà còn về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đó là việc quản lý và đánh giá chính xác người đứng đầu trong quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, chấp hành luật pháp, quy định của Nhà nước; chấp hành các nguyên tắc, quy trình trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; quản lý các mối quan hệ, hoàn cảnh và điều kiện sống của gia đình; quản lý việc chấp hành quy định về những điều đảng viên không được làm… Do đặc thù về trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu, cần khắc phục tư tưởng cho rằng, việc quản lý tình hình tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong mỗi cơ quan, đơn vị chủ yếu là sự quản lý của người đứng đầu đối với cán bộ thuộc quyền mà coi nhẹ hoặc bỏ qua người trước hết cần quản lý, chính là người đứng đầu. Để quản lý tốt người đứng đầu, phải duy trì nghiêm các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong cơ quan, đơn vị, thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản.
– Xác định nêu gương là một tiêu chí để đánh giá người đứng đầu trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá là cuộc đấu tranh cam go, phức tạp, đòi hỏi việc phát huy vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa trực tiếp và rất quan trọng.
Trong tình hình hiện nay, với vai trò là “thanh bảo kiếm” của Đảng, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân phải thật sự trong sáng, nêu gương, kỷ luật nghiêm minh, đòi hỏi trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo, chỉ huy và đặc biệt là cấp ủy trong các đơn vị, tổ chức đảng trong Công an nhân dân; vì cấp ủy, lãnh đạo đơn vị có phát huy vai trò và tính nêu gương của mình thì đơn vị mới đoàn kết, vững mạnh, mới đủ sức gánh vác nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhân dân đã giao phó, xứng đáng với truyền thống “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, ” Chỉ biết còn Đảng thì còn mình”.
Phan Tiên