A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lực lượng kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Kon Tum – 30 năm xây dựng và phát triển

 

Từ ngày 21 đến 23/8/1957, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị Kỹ thuật hình sự toàn quốc tại Hà Nội, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Bộ Công an đối với công tác Kỹ thuật hình sự. Hội nghị đã thống nhất ghi nhận và đánh giá cao vai trò của công tác Kỹ thuật hình sự trong giữ gìn an ninh chính trị, bảo vệ nội bộ, đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ và giữ gìn trật tự an toàn xã hội…Với ý nghĩa to lớn đó, ngày 23/8 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Kỹ thuật hình sự Công an nhân dân.

Phòng Kỹ thuật hình sự – Công an tỉnh Kon Tum được thành lập vào tháng 10/1991 cùng với sự kiện chia tách tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Lúc mới chia tách, Phòng chỉ có 03 cán bộ với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị rất hạn chế; hoạt động chuyên môn do vậy cũng chỉ mới triển khai một số lĩnh vực cơ bản, như khám nghiệm hiện trường, giám định sơ bộ dấu vết đường vân, tài liệu. Tuy nhiên, với lòng yêu ngành, yêu nghề, tập thể cán bộ, chiến sỹ đơn vị đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

G:\ \MÁY TÍNH TĂNG\2020\ảnh sinh hoạt đơn vị\106_3103\IMGP0536.JPG

Tập thể CBCS Phòng Kỹ thuật hình sự tháng 3/2020

Trải qua 30 năm xây dựng, phát triển, lực lượng Kỹ thuật hình sự – Công an tỉnh Kon Tum ngày càng lớn mạnh, khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Ở cấp tỉnh, Phòng Kỹ thuật hình sự đã có những bước tiến vượt bậc trong tất cả các lĩnh vực chuyên môn về khám nghiệm hiện trường, giám định kỹ thuật hình sự, pháp y và kỹ thuật phòng chống tội phạm. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện ngày càng được đổi mới, từng bước hiện đại hóa. Trong lĩnh vực khám nghiệm hiện trường, đơn vị luôn đảm bảo quân số ứng trực 24/24 giờ hàng ngày, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu của Cơ quan điều tra, chủ động về lực lượng và phương tiện để đến hiện trường nhanh nhất, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, ghi nhận, thu thập các dấu vết, vật chứng phục vụ kịp thời hoạt động điều tra, truy xét đối tượng, nhất là trong các vụ án chưa rõ hung thủ. Bất kể lúc nào có vụ việc mang tính chất hình sự, vi phạm pháp luật xảy ra, cán bộ kỹ thuật hình sự luôn sát cánh cùng lực lượng điều tra đến hiện trường để làm rõ vụ việc. Là một tỉnh miền núi, địa hình khá phức tạp, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa nên nhiều lúc công việc tiếp cận hiện trường cũng rất vất vả, có những hiện trường trên đỉnh núi, trên rừng, trên rẫy, đoàn khám nghiệm phải đi bộ, trèo đèo, lội suối hàng mấy tiếng đồng hồ, có những hiện trường phải tiến hành khám nghiệm trong nhiều ngày với một phạm vi rộng lớn. Vượt lên trên tất cả những khó khăn, vất vả cán bộ chiến sỹ làm công tác khám nghiệm hiện trường luôn nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Hàng năm lực lượng khám nghiệm hiện trường toàn tỉnh đã tiến hành khám nghiệm khoảng 400 vụ với nhiều tính chất khác nhau, như: án mạng, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, trộm cắp tài sản, các loại tai nạn, cháy, nổ…, thu thập nhiều dấu vết, vật chứng phục vụ cho công tác điều tra. Hoạt động khám nghiệm hiện trường luôn được tiến hành thận trọng, tỉ mỉ để không bỏ sót dấu vết, vật chứng, một chiếc cúc áo, một sợi tóc, một mẩu thuốc lá…, những vật bé nhỏ, tầm thường đó nhiều lúc lại là điểm mấu chốt để giải quyết một vụ án nghiêm trọng. Trong lĩnh vực giám định, đơn vị đã triển khai được 9 lĩnh vực giám định, bao gồm: giám định dấu vết đường vân; giám định tài liệu; giám định dấu vết cơ học; giám định dấu vết súng, đạn; giám định kỹ thuật; giám định kỹ thuật số – điện tử; giám định hóa học; giám định sinh học và giám định pháp y. Các giám định viên và trợ lý giám định luôn sẵn sàng tiếp nhận và tiến hành giám định bất kể ngoài giờ hành chính hay ngày nghỉ, ngày lễ để cho ra kết luận giám định trong thời gian sớm nhất, phục vụ kịp thời hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Đây là công việc đòi hỏi sự kiên trì, thận trọng, tỉ mỉ; mỗi kết luận giám định có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác điều tra, trong nhiều vụ việc, kết luận giám định được lực lượng điều tra sử dụng làm nguồn chứng cứ quyết định đấu tranh với người phạm tội. Trong quá trình thực hiện công tác giám định, các giám định viên còn phát hiện ra những phương thức thủ đoạn phạm tội mới để đưa ra những cảnh báo, phương án đối phó kịp thời. Trung bình mỗi năm đơn vị tiếp nhận và tiến hành giám định trên 300 vụ với gần 1000 yêu cầu giám định. Công tác kỹ thuật phòng chống tội phạm cũng có nhiều đổi mới, bên cạnh hoạt động rà soát, tuyên truyền và lắp đặt các hệ thống, thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh, đơn vị còn triển khai công tác NVCB trong lĩnh vực này, phục vụ hiệu quả yêu cầu phòng, chống tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

E:\Ảnh\Ảnh tập huấn VSC8000\105_0403\IMGP1006.JPG

Đ/c Đại tá Nguyễn Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Công an tỉnh kiểm tra buổi tập huấn sử dụng hệ thống giám định tài liệu VSC-8000 tại Phòng Kỹ thuật hình sự

Lực lượng Kỹ thuật hình sự Công an cấp huyện cũng đang từng bước được hoàn thiện về tổ chức, tăng cường trang bị phương tiện kỹ thuật, điều kiện cơ sở vật chất. Hiện nay, tại tất cả Công an các huyện, thành phố đã có cán bộ được đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật hình sự, nhiều đơn vị đã bố trí các tổ Kỹ thuật hình sự chuyên trách, riêng Công an thành phố Kon Tum đã được thành lập Đội Kỹ thuật hình sự; hiệu quả công tác Kỹ thuật hình sự ở Công an cấp huyện ngày càng được nâng cao rõ nét. Hàng năm, lực lượng Kỹ thuật hình sự cấp huyện đã tiến hành khám nghiệm trên 300 vụ việc các loại, chiếm tỷ lệ trên 80% các vụ khám nghiệm hiện trường.

H:\IMGP0797.JPG

Cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự đang tiến hành khám nghiệm hiện trường

Bên cạnh công tác chuyên môn, cán bộ, chiến sỹ lực lượng Kỹ thuật hình sự còn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, đền ơn đáp nghĩa… Trong năm 2020, 2021, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cán bộ Kỹ thuật hình sự đã đăng ký tình nguyện tham gia cùng các lực lượng chức năng phòng chống dịch dưới nhiều hình thức, như tham gia trực chốt tại các khu cách ly tập trung, các bác sỹ pháp y tham gia khám sàng lọc phục vụ hoạt động tiêm văc-xin; nhiều cán bộ đăng ký tình nguyện sẵn sàng tham gia tăng cường cho các tỉnh phía Nam đang bùng phát dịch khi có yêu cầu…

Có thể nói, trong bất cứ thời kỳ nào, hoàn cảnh nào, lực lượng Kỹ thuật hình sự – Công an tỉnh Kon Tum cũng luôn khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Trọng Tăng

 


Tin liên quan