A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự ra đời của Phòng Tham mưu Công an tỉnh Kon Tum

 

Bộ phận Văn Phòng của Ty trinh sát Kon Tum (tiền thân của Công an tỉnh Kon Tum) là Cơ quan tham mưu đầu tiên của Công an tỉnh Kon Tum, qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau, với nhiều tên gọi như: Phòng Tham mưu Cảnh sát, Phòng Tham mưu An ninh, Văn phòng tổng hợp, Văn phòng và ngày nay là Phòng Tham mưu Công an tỉnh Kon Tum đã thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất ban hành các chủ trương, mệnh lệnh, chương trình, kế hoạch công tác gắn với việc hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thực hiện; xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan tham mưu với các đơn vị nghiệp vụ trong công tác thu thập, phân tích, xử lý thông tin và xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch, phương án công tác.

Ngày 25/08/1945, cùng khí thế tổng khởi nghĩa diễn ra trên toàn quốc, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của lực lượng Việt Minh, nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Để củng cố chính quyền cách mạng, ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, cùng ngày, UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Kon Tum do Bác sỹ Hoàng Lẫm làm Chủ tịch đã ra Quyết định thành lập Ty Trinh sát Kon Tum – Tổ chức đầu tiên của Công an tỉnh Kon Tum do đồng chí Nguyễn Văn Minh làm Trưởng ty. Lực lượng lúc này khoảng 20 đồng chí từ Đội Thanh niên tiền phong chuyển sang làm công tác Công an. Qua đó, bộ phận Văn Phòng – Cơ quan tham mưu đầu tiên của Công an tỉnh Kon Tum được thành lập.

Cũng trong thời gian này, tình hình trật tự trị an tỉnh Kon Tum có nhiều diến biến phức tạp. Nổi lên là bọn tay sai của Pháp, Nhật và các đối tượng thù địch với cách mạng ngóc đầu dậy chống phá chính quyền vừa thành lập. Trước yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, tháng 02/1946, Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Kon Tum được thành lập, đồng chí Trần Lung, Xứ ủy viên Trung kỳ được Xứ ủy chỉ định làm Bí thư. Sau khi thành lập, Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo mọi mặt hoạt động trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh việc củng cố chính quyền cách mạng, tháng 10/1945, Ty Trinh sát Kon Tum có sự bổ sung và xây dựng bộ máy tổ chức. Cơ cấu tổ chức của Ty lúc này gồm có: Trưởng ty (Nguyễn Văn Minh); 01 Phó ty (Nguyễn Vinh Luận) và 03 bộ phận: Ban chính trị; Ban trật tự và Văn phòng có nhiệm vụ tổng hợp tình hình, báo cáo, hướng dẫn công tác, tuyên huấn, lưu trữ hồ sơ, căn cước, tài vụ… do đồng chí Phan Đức Trọng phụ trách.

Ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL hợp nhất các Sở Cảnh sát và các Sở Liêm phóng toàn quốc thành cơ quan đặc biệt đặt tên là “Việt Nam Công an vụ”. Ngày 18/4/1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 121/NĐ quy định về cơ cấu tổ chức của Việt Nam Công an vụ gồm 3 cấp: Công an trung ương, Công an kỳ và Công an tỉnh, từ đó Ty Trinh sát tỉnh Kon Tum được đổi tên thành Ty Công an Kon Tum do đồng chí Nguyễn Văn Minh làm Trưởng ty. Bộ phận Văn Phòng thuộc Ty Công an Kon Tum có nhiệm vụ tham mưu, phục vụ trực tiếp Lãnh đạo Ty triển khai các chủ trương của Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến tỉnh về củng cố tổ chức bộ máy, xây dựng phát triển lực lượng Công an các cấp, bố trí lực lượng bám địa bàn, phối hợp với các ngành, các cấp phát động toàn dân nâng cao cảnh giác, thực hiện Phòng gian bảo mật, trấn áp phản cách mạng; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an toàn các khu căn cứ, các cơ quan Đảng và chính quyền, đảm bảo trật tự trị an ở địa phương. Ngày 18/4/1946 được xác định là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự ra đời chính thức của lực lượng Tham mưu CAND.

Ngày 24/6/1946, quân Pháp theo đường 14 đánh chiếm thị xã Kon Tum và các huyện Đăk Tô, Đăk Glei, Kon Plong. Cùng với các lực lượng khác, lực lượng Tham mưu Ty Trinh sát vừa trực tiếp chiến đấu, vừa tham mưu cho Lãnh đạo Ty tổ chức thực hiện tốt công tác tiêu thổ kháng chiến, sơ tán, di chuyển cơ quan, kho tàng, tài liệu… về căn cứ an toàn (vùng Bình Định và Quảng Ngăi). Ty Công an Kon Tum tạm thời giải tán, lực lượng lúc này chuyển sang các đội công tác hoặc sát nhập vào các đơn vị quân đội.

C:\Users\ASUS\Desktop\word-image-56.jpeg

Tọa đàm kỷ niệm Ngày truyền thống Lực lượng tham mưu năm 2019

Tháng 03/1948, do yêu cầu công tác và tình hình chiến trường khu V, Ty Công an Kon Tum được phục hồi (gồm 30 đồng chí) theo Quyết định của Sở Công an khu V, đồng chí Cao Kế được cử làm Trưởng ty Công an Kon Tum. Bộ máy tổ chức gồm: Văn Phòng: do đồng chí Nguyễn Hữu làm Chánh Văn Phòng; Ban Trật tự: đồng chí Thái Quý làm Trưởng ban; Ban Công tác: đồng chí Nguyễn Cận làm đội trưởng.

Trước tình hình an ninh chính trị tại địa phương, Văn Phòng đã tham mưu giúp Lãnh đạo Ty tổ chức triển khai công tác bảo vệ khu căn cứ, bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến của tỉnh, chú trọng công tác phát động quần chúng, tiến hành vận động, giáo dục để nhân dân ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm của mình trong đấu tranh bảo vệ vùng căn cứ địa, kết hợp giữa phát động quần chúng với biện pháp nghiệp vụ trong đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự; tiến hành gây dựng lại cơ sở trong vùng giáo dân và vùng ven thị xã Kon Tum, đồng thời xác định rõ các mặt công tác từ xây dựng chính quyền ở các buôn làng, mở rộng mặt trận đoàn kết đến diệt tề trừ gian, bảo vệ khu căn cứ, tranh thủ nắm dân mới xây dựng được cơ sở phát triển các mặt công tác. Chính vì vậy, các đội tuyên truyền được thành lập do đồng chí Trưởng ty trực tiếp chỉ huy tích cực chuẩn bị lực lượng tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm 1950, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum được sát nhập thành tỉnh Gia Kon, cùng với sự sát nhập tỉnh, Công an Gia Kon cũng được thành lập, bộ máy tổ chức cũng được sắp xếp lại để phù hợp với tình hình mới. Đồng chí Cao Kế được cử làm Trưởng ty, các phòng, ban nghiệp vụ cũng thay đổi để phù hợp với tình hình chung. Năm 1951, bộ máy Ty Công an Gia Kon có sự điều chỉnh. Đồng chí Nguyễn Quỳ thay đồng chí Cao Kế làm Trưởng ty, đồng chí Tạ Văn Bông thay đồng chí Nguyễn Hữu làm Chánh Văn phòng, đồng thời giảm biên chế để phù hợp với yêu cầu công tác. Hoạt động tham mưu của Văn phòng thời kỳ này đã góp phần đấu tranh, làm thất bại âm mưu, hoạt động tình báo, gián điệp của địch nhằm lập hệ thống tề ngụy; các tổ chức, đảng phái phản động và bọn tay sai cấu kết với thực dân Pháp chống phá cơ sở kháng chiến (điển hình là giải quyết tốt vụ bạo loạn tại vùng căn cứ ở Sơn Hà- Quảng Ngãi). Hoạt động diệt tề, trừ gian, phá chính quyền địch, bảo vệ chính quyền ta, trấn áp các tổ chức đảng phái phản động với các trận đánh, các chiến công tiêu biểu của lực lượng Công an Kon Tum nói riêng và Công an Gia Kon nói chung thời kỳ này đều có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng tham mưu, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn (07/02/1954).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược (1954-1975), trước yêu cầu của cách mạng miền Nam, lực lượng Công an đã chuyển hướng hoạt động bằng các hình thức hợp pháp và bất hợp trong lòng địch để nắm tình hình địch, gây dựng cơ sở, phát triển lực lượng cách mạng. Lực lượng An ninh Kon Tum đã thường xuyên được Bộ chi viện, tăng cường và từng bước phát triển. Tháng 9/1963, Tỉnh ủy ra quyết định thành lập Ban an ninh tỉnh do đồng chí Phan Phụ – Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Các phòng ban trực thuộc do chưa đủ cán bộ nên chỉ có một vài bộ phận hoạt động, nhưng đều có bộ phận Văn phòng để tham mưu, giúp việc cho Ban.

Tháng 4/1965, An ninh Kon Tum được Bộ tăng cường 09 cán bộ, đồng thời tiến hành củng cố, sắp xếp lại tổ chức gồm 6 tiểu ban. Tiểu ban B1 (Văn phòng) đảm trách công tác hậu cần, nghiên cứu tổng hợp, văn thư đánh máy, cơ yếu, tổ chức cán bộ (từ 12 đến 17 đồng chí), do đồng chí Vân làm Chánh Văn phòng. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, có thể nói Văn phòng đã thực sự trở thành lực lượng tham mưu phục vụ đắc lực cho Ban an ninh tỉnh; đã tham mưu cho Ban an ninh tỉnh đề xuất cấp ủy chỉ đạo phối hợp với các ngành, đoàn thể thực hiện nhiệm vụ công tác An ninh nhân dân, nâng cao cảnh giác, tăng cường công tác phát động phong trào quần chúng bảo mật, phòng gian theo các Chỉ thị, Nghị quyết của An ninh miền Nam và của Bộ.

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Nghị quyết An ninh khu Trung Trung Bộ và Nghị quyết An ninh tỉnh đã quyết định chuyển Ban an ninh trực thuộc Đảng thành Ty An ninh trực thuộc chính quyền dưới sựlãnh đạo trực tiếp của Đảng. Lực lượng an ninh từng bước được củng cố và kiện toàn. Ty đã xây dựng tổ chức gồm 13 phòng nghiệp vụ, 01 trại giam và 01 tổ khoa học kỹ thuật, đồng thời củng cố lực lượng an ninh xã, thôn. Trong giai đoạn này, Văn phòng Công an tỉnh đã giúp Ty tham mưu cho chính quyền các cấp chủ động phối hợp với các ngành tiếp quản vùng giải phóng, trấn áp bọn phản cách mạng, xóa bỏ các tàn dư, tệ nạn của chế độ cũ; phối hợp với các lực lượng quân đội chống vượt biên, truy quét tàn quân, tổ chức tuần tra kiểm soát ở những địa bàn, khu vực trọng điểm, vận động nhân dân xây dựng đời sống mới.

Sau khi đất nước thống nhất, ngày 29/10/1975, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc bỏ khu hợp tỉnh, tỉnh Gia Lai – Kon Tum được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Sau khi nhập tỉnh, Công an tỉnh Gia Lai-Kon Tum cũng được thành lập trên cơ sở sáp nhập Ty An ninh hai tỉnh. Bộ máy tổ chức của Ty gồm: Trưởng ty – đồng chí Lưu Hồng Hà, Phó ty – các đồng chí Huỳnh Ánh Hồng, Lê Quốc Thành, Hoàng Hồng Long. Bộ máy tổ chức từng bước được kiện toàn gồm 17 phòng, ban; 08 Công an huyện và 02 Công an thị xã.Đến tháng 6/1983, Bộ Nội vụ ra Quyết định bổ nhiệm đồng chí Lê Quốc Thành làm Giám đốc Công an Gia Lai – Kon Tum, các đồng chí Thao Xạp, Phạm Đức Tấn, Bùi Xuân Tiến và Hoàng Hồng Long là Phó Giám đốc;

Theo mô hình tổ chức mới, Công an tỉnh Gia Lai – Kon Tum thành lập Ban chỉ huy ANND, Ban chỉ huy CSND và các phòng trực thuộc, gồm có 26 phòng, ban; 11 Công an huyện; 02 Công an thị xã. Theo đó, lực lượng tham mưu được tách ra theo từng lực lượng bao gồm: Tham mưu an ninh, Tham mưu cảnh sát và Tham mưu tổng hợp. Lực lượng tham mưu an ninh và tham mưu cảnh sát trực thuộc hai Ban chỉ huy an ninh và cảnh sát, trực tiếp tham mưu giúp đồng chí Phó giám đốc phụ trách an ninh, cảnh sát và Ban chỉ huy an ninh, cảnh sát chỉ đạo các mặt công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH.

Văn phòng Công an tỉnh được gọi là Văn phòng tổng hợp trực thuộc khối Xây dựng lực lượng, gồm các bộ phận: Tham mưu tổng hợp, Trực ban – Văn thư, Thông tin, Cơ yếu (đến năm 1989, Đội thông tin liên lạc tách ra khỏi phòng tham mưu tổng hợp, thành lập Phòng thông tin liên lạc trực thuộc Giám đốc Công an tỉnh).

Trong giai đoạn 1975 – 1991, Văn phòng tổng hợp với chức năng tham mưu, giúp Lãnh đạo Công an tỉnh theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ công tác, chiến đấu và giữ gìn TTATXH, đã tham mưu cho lãnh đạo các cấp thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TW, ngày 02/02/1977, Chỉ thị 268/CP ngày 20/8/1980 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ về việc tiếp tục phát động phong trào quần chúng xây dựng cơ sở chính trị, truy quét FULRO, bảo vệ an ninh chính trị ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Khu V cũ, đã giúp Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban chỉ đạo 04, đấu tranh giải quyết dứt điểm vấn đề FULRO, đồng thời giúp Lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực tiếp chiến đấu đập tan âm mưu phá hoại của bọn Pôn Pốt, phá rã các tổ chức phản động: “Đảng bảo vệ nhân quyền”, “Mặt trận giải phóng cao nguyên Đêga”, “Đảng Việt Nam phục quốc”, “Mặt trận quốc gia giải phóng Việt Nam”, đảm bảo giữ vững thế trận an ninh quốc phòng và an ninh biên giới.

Trong công tác giữ gìn TTATXH, lực lượng tham mưu đã giúp lãnh đạo các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Thông tư của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Ngành trong công tác đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, giữ gìn TTATXH, đồng thời làm tốt công tác bảo vệ an ninh nội bộ, an ninh văn hóa tư tưởng và công tác xây dựng lực lượng- hậu cần trong khi tình hình thế giới và khu vực đang có những diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch gia tăng các họat động chống phá trong ngoài, thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình” nhằm chuyển hóa nội bộ và xóa bỏ chế độ XHCN ở Liên Xô, Đông Âu và các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Ngày 12/8/1991, tại kỳ họp thứ IX, Quốc hội khóa VIII đã Quyết định chia tách tỉnh Gia Lai-Kon Tum thành hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Ngày 05/10/1991, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định 1174/QĐ-BNV về việc thành lập Công an tỉnh Kon Tum. Đồng chí Võ Sáu, Tỉnh ủy viên là Giám đốc Công an tỉnh; các đồng chí Lê Duy Hải, Thao Xạp, Dương Quang La là Phó Giám đốc phụ trách các khối An ninh, Cảnh sát và Xây dựng lực lượng – Hậu cần. Có 03 đơn vị tham mưu gồm Phòng Tham mưu an ninh, Phòng Tham mưu Cảnh sát và Phòng Tham mưu tổng hợp. Tháng 07/1992, theo chỉ đạo của Bộ, Công an tỉnh đã giải thể Ban chỉ huy An ninh nhân dân và Cảnh sát nhân dân, chuyển chức năng tham mưu An ninh và Cảnh sát từ Phòng Tham mưu an ninh và Phòng Tham mưu Cảnh sát về Phòng Tham mưu tổng hợp do đồng chí Lê Đình Quang làm Quyền Trưởng phòng.

Ngày 12/04/1996, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành Quyết định số 739/QĐ-BNV-X13 về điều chỉnh tổ chức bộ máy Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ngày 16/07/1996, Tổng cục Xây dựng lực lượngCAND ban hành Quyết định số 1689/QĐ-X11 quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Văn phòng Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phòng Tham mưu tổng hợp Công an tỉnh Kon Tum đổi tên thành Văn phòng Công an tỉnh Kon Tum, đồng chí Lê Đình Quang giữ chức vụ Chánh Văn phòng.

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/ĐUCA của Đảng ủy Công an Trung ương và Chỉ thị số 09/CT-BCA-V11 ngày 01/10/2013 của Bộ Công an về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu CAND trong tình hình mới. Ngày 16/07/2014, Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành Quyết định số 3880/QĐ-BCA-X11 về việc đổi tên Văn phòng Công an tỉnh, thành phố thành Phòng Tham mưu thuộc Công an tỉnh, thành phố, Văn phòng Công an tỉnh Kon Tum đổi tên thành Phòng Tham mưu Công an tỉnh Kon Tum, đồng chí Nguyễn Ngọc Sinh giữ chức vụ Trưởng phòng. Đến nay, Phòng Tham mưu đã làm công tác nghiên cứu, quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào các mặt công tác công an. Làm tốt công tác tham mưu, đề xuất ban hành các chủ trương, mệnh lệnh, chương trình, kế hoạch công tác gắn với việc hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thực hiện; xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan tham mưu với các đơn vị nghiệp vụ trong công tác thu thập, phân tích, xử lý thông tin và xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch, phương án công tác; tăng cường công tác nghiên cứu lý luận về công tác tham mưu, gắn công tác tham mưu với công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, phục vụ lãnh đạo chỉ huy… đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thúy Hằng

 


Tin liên quan