A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tri ân những người chiến sĩ trên mặt trận “trồng người”

Lịch sử cách mạng vẻ vang của đất nước, dân tộc và nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ, đã ghi nhận những đóng góp to lớn của lực lượng Công an nhân dân (CAND) trong cuộc đấu tranh gìn giữ hòa bình, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những thành quả to lớn đó của cách mạng gắn liền với sự chiến đấu, hy sinh, cống hiến của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sỹ CAND Việt Nam anh hùng, những con người tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, đất nước và nhân dân. Để có được đội ngũ Công an cách mạng ấy có một phần công sức không nhỏ của các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, những người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận “trồng người” họ như những nốt trầm làm nên bản hùng ca những chiến công lẫy lừng trong trang sử hào hùng của dân tộc nói chung và của Ngành CAND nói riêng.

Một buổi học tại Trường Đại học An ninh nhân dân

Từ những mái trường của ngành Công an, biết bao thế hệ chiến sĩ CAND đã trưởng thành, họ có mặt trên mọi miền của Tổ quốc để đón nhận nhiệm vụ tuần tra, canh gác, ngày đêm đấu tranh với các loại tội phạm trên mặt trận giữ gìn an ninh trật tự, góp phần xây dựng hình ảnh những người chiến sĩ CAND “Vì nước quên thân - vì nhân dân phục vụ”, để thực hiện sứ mệnh nhiệm vụ cao cả ấy không thể không nhắc đến những đêm thức trắng bên trang giáo án, những giọt mồ hôi nơi thao trường của những người thầy khoác trên mình bộ quân phục của ngành Công an.

 

Tại Nghị Quyết Trung ương Đảng lần thứ 3, khoá VII năm 1993 khẳng định: “Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”. Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 2, khoá VIII, năm 1996 tiếp tục khẳng định: “Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Và Luật Giáo dục năm 2005 đã khẳng định: “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục. Nhà nước có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình…”. Giáo dục là quá trình trao truyền tri thức, kinh nghiệm, vốn sống cho người học, góp phần nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng, tay nghề để ngày càng trưởng thành, tiến bộ, đáp ứng tốt những đòi hỏi của cuộc sống.

Chính vì vậy, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt giáo dục - đào tạo và vai trò của nhà giáo ở vị trí cao nhất, Bộ Công an cũng luôn quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo công tác giáo dục - đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Hằng năm, công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho CBCS Công an tỉnh Kon Tum luôn được chú trọng, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới

Khác với các trường đại học, cao đẳng khác, công tác đào tạo trong ngành Công an luôn mang những đặc thù riêng, những bài giảng chuyên ngành không có nhiều sách vở khi thì chuyên sâu vào từng lĩnh vực kinh tế, pháp luật, lúc lại gắn với đặc điểm xã hội của từng vùng miền, song lại khiến các học viên ấn tượng sâu sắc chính bởi nó được đúc rút từ những vụ án, xuất phát từ thực tiễn đời sống mà những người thầy trong ngành Công an đã tiếp cận và sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau để truyền đạt lại cho các thế hệ tiếp nối. Những bài học đúc rút từ thực tiễn được nâng lên trở thành lý luận, sau đó lại được áp dụng trở lại đi vào đời sống thực tiễn. Các thế hệ Công an khi ra trường là mũi nhọn xung kích trên mọi mặt trận đấu tranh với các loại tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, chính vì thế, hành trang kiến thức mà những thầy cô trong lực lượng Công an truyền đạt lại cho sinh viên, học viên lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, các thế hệ cán bộ, giáo viên trong toàn lực lượng đã không ngừng phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng lực lượng CAND vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.

Đằng sau những buổi diễn tập công phu nơi thao trường là không ít tâm huyết của những người thầy mang sắc phục áo lính

“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta được vun đắp qua nhiều thế hệ, góp phần tạo nên văn hóa Việt Nam với bề dày hàng nghìn năm lịch sử. Kế thừa và phát huy truyền thống của dân tộc, những năm qua đã có nhiều giáo sư, pgiáo sư, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, tiến sĩ và thạc sĩ trong toàn lực lượng đã được cấp bằng chứng nhận. 

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo, phát huy nguồn lực con người là yếu tố cơ bản quyết định chất lượng, hiệu quả công tác Công an. Đây được xác định là nhiệm vụ quan trọng của toàn lực lượng Công an nhân dân, trong đó đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đóng vai trò then chốt nhằm đào tạo, cung cấp bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, có phẩm chất đạo đức cách mạng, vững về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, nắm vững pháp luật, có kiến thức về khoa học – công nghệ, tin học, ngoại ngữ và kỹ năng cần thiết để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các loại tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, giữ gìn cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Nhân ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin gửi lời tri ân sâu sắc đến tất cả những thầy cô giáo - những người đưa đò thầm lặng của ngành giáo dục nói chung và của ngành Công an nhân dân nói riêng lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, luôn giữ trong mình ngọn lửa nhiệt huyết với nghề để trao truyền tri thức cho thế hệ trẻ, thực hiện sứ mệnh thiêng liêng đúng như câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.


Tác giả: Hòa Bình