Góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Kon Tum
Việc đọc sách, nghiên cứu tài liệu đã thực sự là một “kênh” hữu ích giúp lực lượng Công an nhân dân tích lũy kiến thức, nâng cao trình độ về mọi mặt, qua đó góp phần xây dựng đội ngũ CBCS Công an “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước trong thời kỳ mới. Đặc biệt, nâng cao văn hóa đọc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng yếu tố con người, để lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo đúng tinh thần Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị.
Học viện An ninh nhân dân phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2023
Nhằm tiếp tục vận dụng hiệu quả, sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời trong CAND, xây dựng xã hội học tập, trong bài viết này, tác giả xin đề xuất một số giải pháp góp phần thực hiện học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và nâng cao chất lượng văn hóa đọc trong Công an tỉnh như sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về ý nghĩa tầm quan trọng của vấn đề học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập trong toàn thể CBCS Công an tỉnh
Người đứng đầu các tổ chức, cơ quan cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao và thường xuyên các nội dung nhằm đẩy mạnh, phát triển phong trào đọc sách và văn hoá đọc. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt giúp toàn thể CBCS trong đơn vị nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như tham gia nhiệt tình phong trào đọc sách và phát triển văn hoá đọc, khơi dậy niềm đam mê đọc sách và để việc đọc sách thực sự trở thành thói quen hàng ngày.
Chú trọng nâng cao việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 04 của Bộ Công an và Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” trong thời gian tới, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy, tổ chức đảng, CBCS trong Công an tỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND. Qua đó đã thể hiện vai trò “Gương mẫu, đi đầu” của lực lượng Công an trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tiếp tục chuyển trọng tâm từ việc “học tập” sang “làm theo” tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 6 điều Bác Hồ dạy và xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực hàng ngày.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong Công an tỉnh, các phong trào này phải góp phần xây dựng mô hình CBCS học tập, gắn với mỗi cá nhân, đơn vị với xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Thực hiện bộ tiêu chí xây dựng “Đơn vị học tập”, “Mỗi CBCS là một tấm gương về học tập”, xây dựng các “Tủ sách nghiệp vụ”… nhằm trau dồi, bổ sung kiến thức cho công tác chuyên môn của mỗi CBCS ở đơn vị. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi về “Văn hóa đọc” như “Chiến sĩ Công an với việc đọc sách”, “Cuộc thi giới thiệu các tác phẩm sách báo viết về lực lượng CAND”, các cuộc thi sân khấu hóa nhằm tuyên truyền vai trò và giá trị của sách báo trong CAND.
Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, ứng dụng công nghệ thông tin, bổ sung nguồn tài nguyên và đa dạng hóa dịch vụ thư viện nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu tài liệu của CBCS trong Công an tỉnh; đề xuất đầu tư thư viện điện tử; nâng cao nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ cán bộ phục vụ tại thư viện trong Công an tỉnh.
Ba là, xây dựng quy trình năm bước hình thành thói quen đọc sách trong văn hóa đọc áp dụng cho mỗi CBCS trong Công an tỉnh
Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một quá trình vừa học tập vừa hoạt động cách mạng; học tập để hoạt động cách mạng, để đạt được mục đích, lý tưởng của mình; qua hoạt động cách mạng, không ngừng học tập, hoàn thiện tri thức và nhân cách của bản thân. Người là nơi hội tụ với tầm cao nhất tinh hoa văn hóa nhân loại, một thầy giáo mẫu mực, một nhà giáo dục vĩ đại. Tư tưởng của Bác về học suốt đời hết sức phù hợp với khuyến cáo của UNESCO ngày nay về 4 trụ cột của giáo dục là “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để làm Người”.
Năm bước gồm có: Bước một chọn sách, lựa chọn theo nhu cầu, sở thích của bản thân; Bước hai đọc sách là quá trình lĩnh hội, nghiền ngẫm tri thức; Bước ba ghi chép, ghi chú dễ nhớ và ghi chép có hệ thống, có chú thích; Bước bốn chia sẻ, là quá trình tiêu hóa kiến thức; Bước năm là bước quan trọng nhất vận dụng, vận dụng kiến thức của mình đọc được và cuộc sống, công tác chuyên môn.
Cán bộ chiến sĩ phụ nữ Công an huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum đọc sách từ Tủ sách phụ nữ
Bốn là, phát huy tính tích cực, tự giác, tự rèn luyện trong hoạt động đọc mỗi CBCS trong Công an tỉnh
Nâng cao văn hóa đọc của CBCS có nhiều kênh, nhiều phía, nhiều động lực nhưng quan trọng và quyết định nhất chính là bản thân CBCS trong thực tiễn học tập, nghiên cứu. Do vậy, phải chú trọng phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng tự học, tự nghiên cứu của CBCS.
Trước hết, cần phát huy tính tích cực, tự giác của CBCS trong tiếp nhận tri thức. Đây là bước khởi đầu cho quá trình tích cực hóa, quá trình chuyển hóa giáo dục thành tự giáo dục; từ bắt buộc, hành chính, khiên cưỡng sang tính tích cực, chủ động. Quá trình tiếp nhận tri thức của CBCS chịu sự tác động mạnh mẽ cả yếu tố khách quan và nhân tố chủ quan. Mỗi cá nhân phải tự nhận thức được mâu thuẫn và tự tìm ra biện pháp để giải quyết mâu thuẫn ấy trong quá trình tiếp nhận tri thức. Đó là mâu thuẫn giữa đòi hỏi phải có tri thức với hiện trạng chưa có hiểu biết nhiều về vấn đề được tiếp cận. Những tác động của các chủ thể trong môi trường cung cấp tri thức mang tính hành chính, bắt buộc thì mỗi CBCS phải tạo thành nhu cầu bên trong để đọc, tìm hiểu, nắm bắt tri thức. Quá trình chuyển hóa ấy diễn ra liên tục từ thấp đến cao, mỗi bước tiến quá trình tiếp nhận tri thức của mỗi CBCS là mỗi lần giải quyết được mâu thuẫn ở một giai đoạn, trình độ nhất định.
Để có văn hóa đọc không phải chỉ là nhận thức, thái độ mà quan trọng là hành vi, ứng xử với đọc sách, được rèn luyện trong thực tiễn khó khăn, phức tạp giúp mỗi CBCS không ngừng củng cố thói quen đọc sách. Muốn vậy, mỗi CBCS phải tích cực và duy trì thường xuyên thói quen, hành vi đọc sách đúng đắn với ý chí và quyết tâm cao. Tính tích cực, tự giác của mỗi CBCS thể hiện trong trách nhiệm, hành vi và thói quen đọc sách. Muốn hiểu biết, muốn trở thành một người cán bộ Công an ưu tú thì phải tăng cường nghiên cứu, tăng cường đọc sách. Văn hóa đọc không quan trọng ở số lượng mà quan trọng là hiệu quả của hoạt động đọc.
Năm là, kết nối, thành lập các Câu lạc bộ (CLB), các Hội nhóm có cùng chung niềm đam mê, thường xuyên trao đổi, trau dồi kinh nghiệm cho bản thân từ CBCS trong Công an tỉnh và các ban ngành trên địa bàn tỉnh
Các CLB sách được chọn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ giáo dục, môi trường đến văn học, lịch sử, văn hoá. Thông qua các hoạt động trên group facebook, các buổi đọc sách định kỳ hai tuần một lần cùng buổi sinh hoạt định kỳ hàng quý, CLB Đọc sách sẽ giúp các thành viên trong CLB quen dần với việc đọc, hình thành một thói quen và thái độ tích cực đối với việc đọc cũng như tích luỹ thêm nhiều kiến thức, vốn văn hoá quý báu cho bản thân mình.