A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khắc ghi 70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Năm 2019, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hân hoan kỷ niệm 89 năm “Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng” (15/10/1930-15/10/2019) và 20 năm “Ngày dân vận của cả nước” (15/10/1999-15/10/2019). Đặc biệt, cùng với các hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện văn kiện lịch sử chính trị trường tồn “Di chúc” thì năm 2019 cũng kỷ niệm 70 năm ngày ra đời tác phẩm “Dân vận” trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.

C:\Users\Administrator\Desktop\tải xuống.jpg

Bài báo “Dân vận” đăng trên báo “Sự thật” số ra ngày 15/10/1949

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại đã để đại cho thế hệ mai sau một kho tàng di sản đồ sộ với những tác phẩm giá trị trường tồn, vĩnh cửu. Đối với Người, quần chúng nhân dân luôn là đối tượng, là mục tiêu được Người quan tâm hàng đầu trong tư tưởng, đường hướng hoạt động của mình. Từ thực tiễn phong trào cách mạng Việt Nam và thế giới, Người đã đúc kết, nhìn nhận rõ vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngay cả khi cách mạng trong tình thế như “ngàn cân treo sợi tóc”, Hồ Chí Minh vẫn tin rằng “có dân là có tất cả”, “có dân thì việc gì cũng xong”. Chính từ nhận thức ấy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề dân vận không chỉ bó hẹp trong một lĩnh vực, hoạt động nào đó mà thấm đượm trong toàn bộ hệ thống quan điểm của Người về cách mạng Việt Nam, đặc biệt là quan điểm về “dân”, “dân chủ”, “đoàn kết toàn dân”. Quan điểm đó không chỉ thể hiện trong các bài viết, bài nói, trong Tuyên ngôn độc lập và cả trong Di chúc mà Người để lại cho Đảng và nhân dân ta, tư tưởng dân vận của Hồ Chí Minh còn được thể hiện trong từng cử chỉ, hành động của Người ở bất cứ đâu, nơi nào mà Người đến. Nổi lên trong số đó là bài báo “Dân vận” đăng trên báo “Sự thật” số ra ngày 15/10/1949, với bút danh X.Y.Z thể hiện tương đối đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận.

Bài báo gồm 600 chữ, ra đời trong bối cảnh công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta có những chuyển biến mới đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng phải được chú trọng, tăng cường hơn nữa trong nhận thức và hành động nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc. Tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ giản dị, gần gũi với quần chúng, văn phong súc tích, có tính khái quát cao, kết cấu mạch lạc, chặt chẽ, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ làm theo. Nội dung tác phẩm gồm 4 phần: Nước ta nước dân chủ; Dân vận là gì?; Ai phụ trách dân vận?; Dân vận phải thế nào?.

Ở nội dung đầu tiên, Bác chỉ rõ cho cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần sâu sắc bản chất của nhà nước ta “Nước ta là nước dân chủ”. Đó là nhà nước mà lợi ích, quyền hạn, trách nhiệm đều ở nơi dân, nhà nước của dân, do dân, vì dân, có dân là có tất cả. Nhờ bản chất tốt đẹp đó mà Đảng ta đã hiệu triệu được toàn dân đi theo Đảng tiến hành sự nghiệp giải phóng dân tộc và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước thành công. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hành dân chủ thì phải giải quyết đồng bộ, nhất quán mối quan hệ giữa lợi ích, quyền hạn với nghĩa vụ của nhân dân như trách nhiệm kháng chiến, kiến quốc, trách nhiệm xây dựng chính quyền, xây dựng đoàn thể.

Trong tác phẩm “Dân vận”, Hồ Chí Minh đã lý giải rất rõ ràng khái niệm “Dân vận là gì?”. Người viết “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành thành công việc nên làm, những công việc mà Chính phủ và đoàn thể giao cho”. Đó chính là việc tập hợp và huy động sức mạnh của toàn dân vào các phong trào cách mạng. Và cách thức để động viên, tập hợp quần chúng nhân dân được Hồ Chí Minh chỉ rõ: dân vận không chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ; phải bằng hành động, việc làm cụ thể; phải thật thà nhúng tay vào việc; phải thực hành dân chủ chứ không phải những thủ thuật chính trị, phải thực hành “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Trước hết, phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Thứ hai, khi dân đã được biết và hiểu được vấn đề thì phải tạo điều kiện cho dân được bàn bạc. Hồ Chí Minh yêu cầu: “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”. Và rằng “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do…Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý”. Thứ ba, sau khi dân được biết, được hiểu, được bàn bạc xây dựng kế hoạch của địa phương, cơ sở mình, họ sẽ dùng chính sức lao động của họ vào những việc làm cụ thể một cách tự giác, lúc này nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo là “động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”. Thứ tư, “khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.

Về “Ai phụ trách dân vận?”, Người chỉ rõ lực lượng làm công tác dân vận là: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh…) đều phải phụ trách dân vận”. Như vậy, lực lượng làm công tác dân vận không chỉ là những người chuyên trách công tác này mà là rất đông đảo các tổ chức, cá nhân cùng tham gia. Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của chính quyền trong công tác dân vận vì theo Người chính quyền của ta là chính quyền do dân bầu ra nên chính quyền không những chỉ làm dân vận mà còn có nhiều điều kiện thuận lợi để làm dân vận, nhất là ở cơ sở vì đây là nơi sát với dân, trực tiếp tổ chức, vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Cùng với chính quyền thì các tổ chức đoàn thể cũng phải làm dân vận vì theo Hồ Chí Minh: “Những đoàn thể ấy là tổ chức của dân, phấn đấu cho dân, bênh vực quyền của dân, liên lạc mật thiết nhân dân với Chính phủ”.

Khi đề cập đến vấn đề “Dân vận phải như thế nào?”, Hồ Chí Minh đã đúc kết nhiệm vụ của người phụ trách dân vận là “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Điều này cho thấy Người đặc biệt chú ý đến tầm cao trí tuệ của người làm công tác dân vận phải có phương pháp và cách làm việc khoa học, biết phân tích, tổng hợp, viết phán đoán, dự báo tình hình, kịp thời tham mưu cho Đảng những chủ trương, giải pháp đúng đắn, hợp lòng dân nhằm phát huy những mặt tích cực và ngăn chặn những tiêu cực phát sinh trong quần chúng. Mắt trông là bước tiếp theo của óc nghĩ, đồng thời cũng là yêu cầu có tính nguyên tắc đối với cán bộ dân vận phải làm sao “mục thị” được sự việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của công tác dân vận trong từng lĩnh vực, ngành nghề để từ đó tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác dân vận một cách thiết thực, hiệu quả. Tai nghe là một phương pháp làm việc khoa học và cũng là yêu cầu quan trọng đối với người làm công tác dân vận phải nắm bắt kịp thời các thông tin từ quần chúng, phải biết nghe dân nói, phải hiểu được nguyện vọng chính đáng của nhân dân và biết loại trừ những thông tin nhiễu, thiếu chân thực, không khách quan, không đúng sự thật. Nghe được dân nói, nhưng không rơi vào tình trạng theo đuôi quần chúng mà phải biểu thị được thái độ vừa cầu thị, vừa định hướng, dẫn dắt được quần chúng, có như thế công tác mới có kết quả. Chân đi là nói đến yêu cầu sát cơ sở, sát thực tế và liên hệ mật thiết với nhân dân. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ dân vận phải đi sâu, đi sát, liên hệ mật thiết với quần chúng và gương mẫu trước họ thì công việc mới được hiệu quả. Chân đi cũng không phải chỉ quan sát và lắng nghe, mà phải thực hiện phương châm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với quần chúng, có thế cán bộ mới nắm được tâm tư nguyện vọng, những khó khăn, thiếu thốn của quần chúng để giúp đỡ, đem lại lợi ích cho họ, cũng qua đó quần chúng mới có điều kiện kiểm tra, giám sát cán bộ, giúp đỡ cán bộ khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm để hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời thông qua cán bộ mà các chủ trương, chính sách đến với quần chúng sẽ cụ thể, rõ ràng hơn. Miệng nói là phương pháp không thể thiếu của người làm công tác dân vận. Theo Hồ Chí Minh, để dân hiểu, dân tin, dân ủng hộ và làm theo thì việc tuyên truyền phải tránh dài dòng, độc thoại mà cần phải nói đúng, nói khéo. Nói với dân cần đơn giản, rõ ràng, thiết thực và cụ thể, tránh mệnh lệnh “ta phải thế này, ta phải thế kia…”. Người căn dặn “Phải biết chịu kham khổ… phải biết nhẫn nại… chớ lên mặt làm quan cách mạng”, khi nói cũng phải chú ý đến cách phô diễn ý tưởng, dùng từ hết sức phổ thông, để dân chúng dễ hiểu… Tay làm là một phương pháp hết sức quan trọng và thiết thực của người cán bộ nói chung và công tác dân vận nói riêng. Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ dân vận phải thực hiện nguyên tắc “Nói đi đôi với làm” trong hoạt động thực tiễn đế gương mẫu trước quàn chúng; làm ở đây không là làm mà phải làm gương, tức là nói điều gì thì phải làm ngay, làm trước, làm nhiều hơn người khác, tránh tình trạng “Miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà mình thì ăn trưa, ngủ trễ, bảo người ta tiết kiệm, mà tự minh thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích”…

Kết thúc tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Chính vì tầm vóc to lớn của tác phẩm “Dân vận” và vai trò to lớn quan trọng của công tác dân vận đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Trung ương Đảng đã lấy ngày 15/10 là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và là ngày Dân vận của cả nước. Đã 70 năm trôi qua nhưng tác phẩm “Dân vận” của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, mãi soi đường cho công tác dân vận của Đảng trong thời kỳ mới. Tác phẩm “Dân vận” có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là “cương lĩnh dân vận” của Đảng Cộng sản Việt Nam, là “kim chỉ nam” về công tác dân vận trong mọi giai đoạn cách mạng, nêu rõ về bản chất, vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm thực hiện công tác dân vận, phương pháp, quy trình dân vận, tác phong người cán bộ dân vận. Thể hiện sâu sắc tư tưởng trọng dân, tin dân, luôn gần gũi với nhân dân để thấu hiểu dân tình, chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí, thực hành dân chủ, phát huy sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là cơ sở lý luận để Đảng, Nhà nước ta đề ra các chủ trương, chính sách về công tác dân vận nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung; là cẩm nang cho các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị nghiên cứu, học tập, thực hiện tốt công tác dân vận, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng chính là tác phẩm tiêu biểu để mỗi tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Khánh Vi