A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển du lịch cộng đồng tại tỉnh Kon Tum: Thực trạng và giải pháp

Kon Tum được biết đến là vùng đất giàu truyền thống văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số với các lễ hội, luật tục, nhà rông, văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc, loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, văn hóa ẩm thực riêng biệt, nghề dệt thổ cẩm, đan lát…

Trải nghiệm văn hóa cồng chiêng Ba Na tại làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu

Du lịch Kon Tum hiện nay được khách du lịch biết đến vì giữ được tính nguyên vẹn những ngôi làng mang đậm nét truyền thống dân tộc của người Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai…; tính cách thân thiện của người dân nơi đây luôn tạo sự hấp dẫn với các du khách. Trong thời gian gần đây, du lịch cộng động đã và đang phát triển mạnh mẽ ở các quốc gia, thu hút sự quan tâm rộng rãi của nhiều tầng lớp xã hội, đặc biệt là những khách du lịch có nhu cầu tìm hiểu về tự nhiên, khám phá nét văn hóa bản địa đặc trưng của các dân tộc. Ý nghĩa thực tiễn của loại hình du lịch này ngoài việc góp phần bảo tồn môi trường tự nhiên, bảo về sự đa dạng sinh học và đặc trưng văn hóa cộng đồng còn giúp mang lại nguồn lợi về kinh tế, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, sử dụng khéo léo nguồn lực văn hóa vào mục đích phát triển kinh tế – xã hội.

Thực trạng du lịch cộng đồng tại Kon Tum

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Trong những năm qua, kinh tế xã hội Kon Tum có nhiều bước chuyển mình tích cực. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng có tốc độ phát triển chưa xứng đáng với tiềm năng nên còn khoảng cách so với các vùng kinh tế khác của cả nước. Một trong những nguyên nhân là tập tục sản xuất lạc hậu, lối sống du canh du cư lâu đời. Việc đưa người dân tham gia nhiều hơn vào hoạt động du lịch cộng đồng tạo điều kiện thúc đẩy sinh kế cho người dân địa phương, giúp cộng đồng dân tộc thiểu số đến gần hơn với thế giới. Khi người dân tham gia vào các hoạt động du lịch, được đào tạo bài bản, họ sẽ hiểu giá trị văn hóa của dân tộc mình là một trong những điểm hấp dẫn khách du lịch, từ đó có ý thức đúng đắn về bảo vệ tài nguyên du lịch cũng chính là bảo vệ sinh kế, bảo vệ môi trường văn hóa cho chính cộng đồng dân tộc mình.

Hiện nay, theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Kon Tum có 04 làng đã được công nhận là điểm du lịch cộng đồng, bao gồm: làng du lịch cộng đồng Kon Klor (phường Thắng Lợi – thành phố Kon Tum), làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu (xã Đăk Rơ Wa – thành phố Kon Tum), làng văn hóa – du lịch Kon Pring (thị trấn Măng Đen – huyện Kon Plông) và làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà). Tham gia du lịch cộng đồng tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm ăn, ở, làm việc, tham gia các hoạt động của người dân bản địa, thưởng thức rượu cần, các món ăn truyền thống đậm đà bản sắc và mua các sản phẩm lưu niệm trong làng.

Tuy đã đạt được một số thành công, bước đầu định hình được du lịch cộng đồng là một thế mạnh của tỉnh nhưng trong thực tế hiện nay, du lịch cộng đồng tại Kon Tum còn có một số hạn chế sau:

Hoạt động du lịch cộng đồng chủ yếu mới hình thành, tập trung ở một số làng nhất định. Vì thế, dù được xem là loại hình du lịch tiềm năng nhưng du lịch cộng đồng chưa được quy hoạch cụ thể, phát triển ở dạng tự phát.

Dịch vụ du lịch chưa chuyên nghiệp, ở một số làng khi nào có khách du lịch đăng ký thì bà con mới tập hợp dàn cồng chiêng, người nấu nướng đến phục vụ. Cơ sở lưu trú du lịch chưa được đầu tư phát triển, các dịch vụ vui chơi giải trí chưa có. Ngoại ngữ, khả năng giao tiếp với khách du lịch cũng là một rào cản đối với người dân bản địa.

Sản phẩm dịch vụ còn đơn điệu, sơ sài, trùng lặp, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của khách du lịch.

Vấn đề nước sạch, nhà vệ sinh cũng là một trở ngại đối với khách du lịch. Làng du lịch cộng đồng có ban quản lý tuy nhiên hiệu quả hoạt động chưa cao.

Giải pháp nâng cao hiệu quả du lịch cộng đồng tại Kon Tum

Du lịch cộng đồng đang là hướng đi đúng đắn của du lịch Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng. Tuy nhiên để tận dụng lợi thế về tự nhiên, con người cần thực hiện một số giải pháp sau:

Đảm bảo nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa bản địa của cộng đồng dân tộc thiểu số: Đây là ưu tiên hàng đầu khi triển khai loại hình du lịch cộng đồng. Đối với tài nguyên du lịch tự nhiên (rừng, hồ, hệ sinh vật…) cần bảo vệ chặt chẽ, rà soát và đưa ra đánh giá để có hướng đi đúng đắn trong việc kết hợp với các hoạt động du lịch. Du lịch phải gắn với bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường, đồng thời phải lồng ghép được tính giáo dục và ý thức gìn giữ cảnh quan vốn có. Với tài nguyên du lịch nhân văn, cần nghiên cứu, đưa ra các phương án khai thác phù hợp. Cần có cơ chế chính sách hỗ trợ sản phẩm từ làng như thổ cẩm, đan lát, rượu cần…

Tập trung hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch và quy hoạch chi tiết đối với du lịch cộng đồng: Xác định và phân loại các khu vực phát triển du lịch cộng đồng, từ đó đưa ra những quy hoạch phù hợp; đầu tư cơ sở hạ tầng các công trình phục vụ khách du lịch nhưng phải đảm bảo phù hợp với cảnh quan, môi trường tự nhiên; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội theo đúng định hướng bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch.

Nâng cao năng lực làm du lịch cho cộng đồng dân cư: Chú trọng công tác tập huấn cho người dân làm du lịch thông qua các hoạt động đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ từ Ban quản lý làng du lịch đến đón tiếp và phục vụ khách; đào tạo về kinh doanh, ngoại ngữ, quảng bá hình ảnh…

Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch: Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương phải được tình hình hoạt động của làng du lịch cộng đồng; tìm ra những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân để điều chỉnh; sẵn sàng chia sẻ khó khăn vướng mắc với người dân đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao chất lượng du lịch; thường xuyên giao lưu học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực liên quan.

Lời kết

Với lợi thế về cảnh quan tự nhiên và nét văn hóa đặc sắc, Kon Tum đang có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Nhưng để phát triển loại hình du lịch này, cần thực hiện các giải pháp cụ thể để phát triển sản phẩm du lịch,  hướng cộng đồng vào các hoạt động du lịch, giúp họ phát triển sinh kế, đồng thời thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch. Không ai khác, chính cộng đồng dân cư bản địa là đối tượng phát triển du lịch hợp lý, hiệu quả cho Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng.

Nguyễn Hồng Hiên