A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rơ Long ký sự

Ầm, ầm, ầm,… 12h50’, những tiếng sét chói tai phía trời Tây bắc Đăk Long kéo chúng tôi khỏi giấc ngủ trưa còn uể oải bởi cung đường Đăk Glei – Đăk Man – Đăk Plô – Sông Thanh – Đăk Nhoong ngày hôm qua. Dĩ nhiên vẫn còn đâu đó chút dư vị khá “ngọt ngào” của những ly “mật ong rừng” tại chốt biên phòng Đăk Nớ khi chập tối… Tổ công tác chúng tôi nhanh chóng sắp xếp hành lý gọn gàng lên hai chiếc xe máy đã phủ đầy bùn đất Đăk Plô chuẩn bị rời đi, tiếp tục cuộc hành trình đến với Đồn Biên phòng Rơ Long – điểm đến cuối cùng của đợt công tác này. Rất nhanh, Đăk Long tiễn chúng tôi bằng một cơn mưa rừng tầm tã, những giọt nước nặng trĩu, lăn dài trên tấm kính chắn gió mũ bảo hiểm càng khiến tôi lo lắng, nếu cứ mưa thế này, chỉ khoảng một giờ đồng hồ, mấy con ngầm phía trước sẽ no nước, thôi thì liều một phen vậy!

IMG_20190605_143559_237

Mùa vàng Đăk Plô

Cái vẻ nhàn nhạt của phần mây trên thượng nguồn con suối Đăk Long giúp tôi yên tâm phần nào với quyết định dẫn “hai con trâu dầm” tiếp tục lăn bánh trên đoạn đường đi đến đồn Biên phòng Rơ Long nham nhở đá hộc, ổ trâu dưới cơn mưa rừng tầm tã… Như dự đoán, những con ngầm chưa uống no nước giờ mới bắt đầu ngả hai màu trong đục cũng chỉ có tác dụng tô đẹp thêm những bức “seo phì” của cô thực tập sinh. Những tiếng cồm cộp thô kệch phát ra do va chạm giữa gầm xe và những mỏm đá hộc to quá cỡ, những tiếng la thất thanh của cô thực tập sinh khi chiếc xe máy già nua trượt dài trên những con dốc trơn trượt cũng dần qua đi. Cơn mưa rừng giờ cũng chỉ còn là một đám sương mờ lững lờ trôi phía trên vạt rừng, thi thoảng nhỏ mấy giọt mưa phùn xuống hai thân người đã ướt sũng. Chúng tôi dừng lại trên mặt của con đập tràn nhỏ vì một đoạn khá xa không thấy xe phía sau trên gương chiếu hậu. Người ta đổ đá lên lòng suối tạo con đập tràn để làm đường tránh chiếc cầu đã bị nước lũ cuốn trôi hai mố cầu. Tới đây, cô thực tập sinh lại có dịp thỏa sức “seo phì” trước làn nước trong vắt của con đập nhỏ tạo nên… Khoảng 10 phút trôi qua, tiếng xe máy nặng nề gầm rú phía con dốc xa xa xóa tan nỗi lo lắng trong lòng tôi, vì đây cũng là lần đâu tiên đồng chí Hùng điều khiển xe máy chở người vào Đồn Rơ Long. “Thì ra, hai tên này tính chuyện quay đầu là bờ, nhưng không thành công” tôi dí dỏm với cô thực tập sinh. Chiếc xe của đồng chí Hùng bị quay đầu và “xòe” tại một đoạn dốc đứng, trơn trượt, cũng may, với đôi chân dài của mình, đồng chí Thắng cũng cơ bản đã làm chủ được tình hình, chỉ bị “tróc sơn” đôi chút và một vết bỏng bô nhè nhẹ. Chúng tôi tiếp tục nán lại con đập vài phút để lấy lại sức và cũng để đồng chí Thắng có dịp trổ tài “photographer” cùng cô người mẫu ảnh bất đắc dĩ tạo dáng với bộ áo mưa ngành… Những làn sương mỏng tiếp tục lăn nhẹ qua tấm kính chắn gió mũ bảo hiểm, tiếng động cơ hai chiếc xe máy tiếp tục gầm rú khấy động cả một góc rừng, uể oải vượt nốt những con dốc vẫn nham nhở đá hộc nhưng đã có chút dễ thở hơn.

MVIMG_20190606_181144_707

Ráng chiều Rơ Long

15h10’, vẫn nụ cười “dễ thương” thủa nào, anh Nhân – Phó Đồn trưởng đồn Biên phòng Rơ Long đón tiếp tổ công tác chúng tôi bằng những câu truyện cười rôm rả, những kỷ niệm vui hồi anh còn công tác ở đồn Biên phòng Sa Thầy. Chúng tôi trao đổi nhanh công việc để dành chút sức lực còn lại cho trận giao lưu bóng chuyền giữa một bên là đội “cơ bụng một múi” gồm chỉ huy đồn và tổ công tác với bên kia là lực lượng “sáu múi” của đồn. Có lẽ câu chuyện cười của đồng chí Phó Đồn trưởng lúc nãy đã góp phần xóa bớt mệt mỏi, giúp đội “một múi” sống sót và vượt qua đội “sáu múi” với tỉ số 2 – 1, hoặc đơn giản đội “sáu múi” nhường khách và chỉ huy đồn mà thôi!

Tiếng gió vi vu khẽ đung đưa những chiếc lá còn đang ướt sũng bởi cơn mưa rừng, những mảng sương trắng mờ thong thả lướt qua những khe núi ở phía xa xa đem về cảm giác se lạnh. Keng, keng, keng,… tiếng kẻng điều lệnh báo hiệu giờ cơm vang lên, xóa tan không khí u tịch của chốn núi rừng biên cương. Và khi hương vị ấm nồng của những ly “xuyên đá” đã dần lan tỏa, xóa tan cảm giác lạnh lẽo của những cơn gió rừng thi thoảng thổi qua khu nhà ăn chỉ huy đồn, cũng là lúc tay đàn A Thuật khéo léo lèo lái, dìu chúng tôi vượt qua những pha lệch tông, lạc giọng trong buổi giao lưu văn nghệ sau bữa cơm thân mật. Với màn hình điện thoại đã mở sẵn lời hát, tôi lại có dịp làm khó tay đàn bởi giọng ca đã rất nồng nàn hương vị của những ly “xuyên đá”: “chiều biên giới em ơi, có nơi nào cao hơn, như đầu sông, đầu suối, như đầu mây, đầu gió…”.

Sáng sớm hôm sau, đồng chí Thắng không rõ mình trở về phòng ngủ như thế nào, cũng may đồng chí mới chỉ đi lạc giường mà thôi… Sau khi ổn thỏa với những chén cơm trong dạ dày, tổ công tác tiếp tục di chuyển sang Trạm U1 để hoàn thành nốt công việc của chuyến công tác. Con dốc T27 vẫn đấy, sừng sững như đang thách thức những tay lái còn đang run rung bởi dư vị cuộc giao lưu “xuyên đá” tối hôm… Đón tiếp chúng tôi bằng những cái bắt tay nồng ấm, anh Sỉn Chay – Trạm trưởng trạm U1 chăm chú lắng nghe những nội dung mà tổ công tác cần trao đổi, phối hợp xác minh, phần vì vốn tiếng Lào của tôi cũng chưa thực sự tốt. Sau một hồi khẩn trương trao đổi công việc, anh cử ngay Trạm phó cùng một đồng chí cán bộ tiếp tục đưa tổ công tác đến bản Nong Cay Ộc để hoàn thành nốt phần việc. Tiễn chúng tôi ra khỏi trạm, anh không quên nhắn nhủ: “Trưa nay, mời tổ công tác ở lại dùng cơm với trạm nhé”, một chút lo lắng chợt dâng lên trong lòng khi thấy một đồng chí cán bộ trạm đem những thùng bia xếp ngay ngắn trong tủ lạnh, phía góc trạm những chú gà đã được nhốt sẵn trong lồng….

IMG_20190607_102652_766

Nhởn nhơ bờ hồ Nong Cay Ộc

Do đã nhờ đồn liên hệ từ trước nên công việc diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, quỹ thời gian còn lại khá nhiều. Rất nhiệt tình, anh Xổm Phon – Cán bộ công an tại trạm U1 liền tranh thủ giới thiệu cho tổ công tác, mà đặc biệt là cô thực tập sinh lần đầu tiên đến với vùng núi rừng biên cương những khung cảnh đẹp tựa tranh vẽ của bản Nong Cay Ộc, hồ Nong Phạ. Bốn người chúng tôi ai cũng mê mẩn, nhanh nhẩu “chộp” lại những “viu”, những khoảnh khắc đẹp để lưu làm kỷ niệm. Quả thật, nếu ví Biển Hồ là đôi mắt Pleiku thì Nong Phạ sẽ là đôi mắt của cô gái Attapư xinh đẹp. Bất giác, ở nơi “sâu thẳm cõi lòng” đã vội vã vang lên những tiếng “ột, oạt”, chúng tôi đành trở về trạm U1 trong sự tiếc nuối vì nhiều “view” đẹp ở phía xa xa chưa kịp lên hình.

IMG_20190607_093138_796

Một góc Nong Phạ

Như dự đoán, chúng tôi trở về trạm khi những lon bia Saigon ướp lạnh đã được sắp sẵn trên mặt bàn; bốn đĩa gà luộc thơm phức vẫn còn nghi ngút hơi nóng càng làm gia tăng cường độ “ột oạt” của những cái dạ dày đang trống rỗng. Anh Sỉn Chay an ủi “các bạn thông cảm, cơm rừng biên giới chỉ có nhiêu đây thôi”. Và cứ thế, những bản tình ca Việt – Lào lại có dịp vang lên giữa núi rừng biên giới Đăk Long – Văng Tắt. Không thể từ chối sự mời gọi nhiệt tình của cán bộ chiến sỹ trạm U1, cô thực tập sinh bẽn lẻn mở màn cuộc giao lưu văn nghệ “loa kẹo kéo” với những giai điệu ngọt ngào của bài hát “Pretty boy” của nhóm M2M. Quả thật, chỉ có những lời ca tiếng hát mới có thể xóa nhòa khoảng cách về ngôn ngữ giữa chúng tôi vào lúc này. Dĩ nhiên, Tổ trưởng tổ công tác cũng không thể trốn tránh màn giao lưu văn nghệ, tôi lại được dịp làm khổ chiếc “loa kẹo kéo” với hai bài hát tiếng Lào đã thủ sẵn: “Attapư đen ngam” và “Xao Xiêng Khoảng”….

Rồi cuộc vui nào cũng đến hồi kết thúc, chúng tôi chia tay trạm U1 với với ánh nhìn còn rất bin rịn của một số cán bộ trẻ dành cho cô thực tập sinh, có lẽ đã lâu giữa vùng núi biên cương heo hút mới xuất hiện một đóa hoa rừng xinh xắn. Con dốc T27 vẫn sừng sững nơi đó, háo hức chào đón chúng tôi trở về với những tiếng gầm rú ầm ì của động cơ xe khi đổ dốc ở số một. Vẫn nụ cười dễ thương ấy, anh Nhân tiễn chúng tôi rời đồn Rơ Long tiếp tục cuộc hành trình về với phố núi Kon Tum sau một tuần rong ruổi chốn biên cương. Vẫn những con dốc đứng đầy đá hộc lởm chởm, vẫn những ổ trâu còn ngân ngấn nước bởi cơn mưa chiều qua, những con ngầm giờ đã không còn hai màu trong đục, những hòn đá suối giờ đã hiện rõ trong lòng suối trong veo đã giúp chúng tôi dễ dàng hơn trong việc điều khiển “hai con trâu dầm” vượt suối. Vẫn văng vẳng đâu đó trong tiếng gió vù vù thổi qua khe mũ bảo hiểm: “Chiều biên giới em ơi! Có nơi nào cao hơn, như đầu sông đầu suối, như đầu mây đầu gió, như đất trời quê hương…”.

Văn Thúc