A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tấm lòng cao thượng!

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, câu hát trong một bài hát quen thuộc của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn làm tôi xao xuyến chợt nghĩ đến những tấm lòng bao dung, độ lượng, những nghĩa cử cao đẹp trong cuộc đời vốn còn nhiều trắc trở, gian truân…

Chẳng biết từ khi nào, trong tôi hình thành một thói quen và gần như là một đam mê cháy bỏng với các chương trình, các hoạt động thiện nguyện xã hội. Cảm giác khi bản thân đã góp phần mang lại những phần quà, những tiết mục văn nghệ, những trò chơi hóm hỉnh đầy ắp tiếng cười đến với những mảnh đời còn nhiều bất hạnh thật tuyệt vời. Ở nơi ấy, trong xã hội này, những mảnh đời cơ cực, những sinh mạng mang trong mình căn bệnh quái ác vẫn đang hằng ngày, hằng giờ đối diện với những gian truân. Mang lại niềm vui, tiếng cười, xua tan những đau đớn, khắc khổ của những con người kém may mắn làm tôi cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng, sâu lắng. Tôi luôn kiếm tìm, luôn mong được cộng tác, được tham gia các nhóm thiện nguyện xã hội để thực hiện đam mê của mình. Và rồi một ngày, tôi gặp được cô Nhung-trưởng nhóm thiện nguyện xã hội Thiện Tâm An Lạc tại TP.Kon Tum.

C:\Users\Admin\Downloads\received_472145743568671.jpeg

Thiện Tâm An Lạc-cái tên nghe đầy tình yêu thương và sự độ lượng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà cô Nhung lấy cái tên này đặt cho nhóm của mình. “Thiện và Tâm là tên hai con trai của cô, hiện đang đi học và đi làm xa nhà, cô luôn mong những nghĩa cử cao đẹp của mình đối với cộng đồng sẽ mang lại cho các con cô một cuộc đời khỏe mạnh, hạnh phúc, an yên”, cô Nhung chia sẻ. Đối với cô Nhung, Thiện Tâm An Lạc giờ đã trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống, mà đúng hơn đó là cuộc đời. Ở đó, cô nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của người thân, gia đình, bạn bè và những con người xa lạ đến với nhau bởi chung một tấm lòng.

Cô Trương Thị Nhung hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội nạn nhân chất độc da cam TP.Kon Tum, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ cơ sở phường Thắng Lợi-TP.Kon Tum. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất miền Trung đầy nắng gió cùng những khó khăn, nhọc nhằn, hơn ai hết cô thấu hiểu được sự vất vả, tội nghiệp, đáng thương của những mảnh đời bất hạnh, những gia cảnh nghèo khó. Vốn đã mang trong mình một tâm hồn đồng cảm, một tấm lòng cảm thương trước những số phận không may, cùng với điều kiện công việc thường xuyên tiếp xúc, làm việc với những số phận ấy đã thôi thúc cô cần và nên làm một điều gì đó riêng của mình, để mang niềm vui đến với những mảnh đời khó khăn, để kết nối cộng đồng, kết nối những con người cùng chung mục đích, lý tưởng với những hoạt động vì  cộng đồng. Và rồi, như một sắp đặt của cuộc đời, cô đến với Thiện Tâm An Lạc…

C:\Users\Admin\Downloads\received_712544255870068.jpeg

Năm 2015, cô Nhung lập nhóm hoạt động thiện nguyện xã hội lấy tên là An Lạc Thiện Tâm với sự tham gia của khoảng 50 thành viên là những người thân trong gia đình, bạn bè, người quen. Sau này, nhóm đổi tên thành Thiện Tâm An Lạc với mục tiêu hướng tới là tổ chức các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ đối tượng là người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già neo đơn, hộ nghèo. Để có nguồn quỹ hoạt động, cô tổ chức cho các thành viên thu gom phế liệu, bán trái cây, đồ ăn online… hoặc nhận hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. Cô cũng thường xuyên kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ, ủng hộ lương thực, thực phẩm, quần áo… khi dự định tổ chức một chương trình cụ thể vào một số dịp trong năm như tết Thiếu nhi 1/6, tết Trung thu, dịp khai giảng, tết Nguyên đán… Cũng đã có nhiều lần, cô Nhung tự bỏ kinh phí cá nhân để tổ chức các chương trình thiện nguyện, bởi cô tâm niệm rằng, cô không quá đặt nặng vấn đề kinh tế, cô muốn cho đi để nhận lại sự thanh thản, thoải mái, an yên và tạo phúc đức cho gia đình, các con. Số lượng thành viên của nhóm không hạn định tùy thuộc vào tinh thần tự nguyện và tấm lòng chân thành của mỗi cá nhân. Để có sự đánh giá đúng đắn và trao quà tận tay những đối tượng thụ hưởng xứng đáng, cô cũng thường phối hợp với các tổ chức, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nạn nhân chất độc da cam để rà soát, xác định đối tượng thụ hưởng trước khi tổ chức các chương trình. Chẳng cần cao sang, không màng hào nhoáng hay những lời khen chê, cô và các thành viên của Thiện Tâm An Lạc vẫn đang hằng ngày, hằng giờ đem niềm vui, tiếng cười, niềm hạnh phúc đến với những mảnh đời bất hạnh.

C:\Users\Admin\Downloads\received_470293260432646.jpeg

Chia sẻ về con đường với các hoạt động thiện nguyện xã hội đã đi qua, trong số rất nhiều chương trình đã tổ chức, cô Nhung vẫn cảm thấy tâm đắc nhất với mô hình “Quán cơm 5.000 đồng”. Năm 2017, cô và các thành viên trong nhóm mỗi tuần một lần, nấu cơm, chế biến thức ăn và bán với giá 5.000 đồng để hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người thu nhập thấp. Nguồn kinh phí để nấu cơm được cô và các thành viên kêu gọi ủng hộ từ các nhà hảo tâm, hoặc đôi khi là sự đóng góp, ủng hộ từ chính các thành viên trong nhóm. Cơm bán ra với giá 5.000 đồng với đầy đủ cơm và thức ăn, khẩu vị vừa vặn, được nhiều người ưa thích, nhất là những người có thu nhập thấp, người nghèo. Thời gian trôi qua, “Quán cơm 5.000 đồng” đã dần trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người. Người xưa có câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, không đơn thuần chỉ là những phần cơm đầy tình yêu thương dành cho những số phận khó khăn, cơm 5.000 đồng còn là kênh thu hút tấm lòng hảo tâm của các mạnh thường quân để duy trì hoạt động lâu dài của quán. Giờ đây, khi mô hình này đang tạm dừng lại vì thiếu mặt bằng mở quán thì đã có rất nhiều người thắc mắc, tiếc nuối bởi tính nhân văn, tình yêu thương trong mỗi phần cơm và đây cũng là điều cô Nhung cảm thấy trăn trở nhất bây giờ, “Cả nhóm vẫn đang tìm kiếm địa điểm để quán có thể hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất, mang lại những bữa cơm ngon cho những con người cơ cực bằng tất cả tình yêu thương và tấm lòng”, cô Nhung tâm sự.

Cùng với “Quán cơm 5.000 đồng”, điều mà tôi cảm thấy cảm phục ở cô Nhung đó là quan điểm cô luôn muốn hướng tới tạo nguồn công việc cho người khuyết tật. Không đơn thuần là các hoạt động tặng quà, phát cơm cho những số phận nghèo khó; việc tạo việc làm cho người khuyết tật cũng là điểm nhấn đặc biệt trong hoạt động của nhóm. Cô và Thiện Tâm An Lạc đã từng có những chuyến đi xa ngoại tỉnh đến với Quảng Ngãi, Nghệ An tặng hàng trăm suất quà hỗ trợ cho người dân chịu hậu quả nặng nề của bão lụt thì khi quay trở về với quê hương Kon Tum, cô vẫn luôn mong muốn mang những điều kiện tốt đẹp nhất tạo việc làm cho người khuyết tật, để họ không cảm thấy tự ti trong cuộc sống, xứng đáng là những tấm gương “tàn nhưng không phế”, cô Nhung chia sẻ: “Nếu chỉ tặng một suất quà, họ sẽ dùng hết trong vài ngày. Nhưng đối với người khuyết tật, mình không thể tặng quà cho họ cả đời. Giúp đỡ họ có “cần câu cơm” để họ tự vận động, tự thiết kế cuộc đời mình vẫn ý nghĩa, sâu sắc và lâu dài hơn nhiều”. Người khuyết tật thường khó khăn trong việc di chuyển, đi lại, làm việc; nắm bắt được đặc điểm ấy, cô Nhung thường tìm hiểu, khảo sát hỗ trợ cho họ các loại công cụ, phương tiện làm việc giúp thuận tiện hơn. Vừa qua, nhóm Thiện Tâm An Lạc đã phối hợp Hội nạn nhân chất độc da cam Tp.Kon Tum trao tặng 05 xe bán bánh mì cùng các phần quà, tiền hỗ trợ cho các hộ nghèo khuyết tật tại các xã, phường Đăk Blà, Hòa Bình, Duy Tân để họ kiếm thêm thu nhập, vươn lên trong cuộc sống. Trước đó, tại thôn Kon ktu-xã Đăk Blà, cảm kích trước nghị lực vươn lên trong cuộc sống của cặp vợ chồng chị Dịu bị khuyết tật cả tay chân nhưng hằng ngày phải đi bán vé số để kiếm thu nhập, nhóm Thiện Tâm An Lạc đã hỗ trợ gia đình chị một giàn phun nước tự động thay vì phải tưới thủ công cho mảnh vườn diện tích 500m2. Giờ đây, mảnh vườn với các loại rau, trái đã tốt tươi đến mùa thu hoạch góp phần làm vơi đi những khó khăn trong cuộc sống của gia đình chị và khắc họa rõ hơn giá trị nhân văn cao đẹp của những con người có tấm lòng độ lượng như cô Nhung và các thành viên nhóm Thiện Tâm An Lạc.

Trong xã hội hiện đại, có rất nhiều tác động mặt trái đạo đức xã hội đã xảy ra, và các hoạt động thiện nguyện cũng không tránh khỏi là đối tượng bị lợi dụng. Có rất nhiều cá nhân lợi dụng các hoạt động thiện nguyện xã hội để trục lợi, đánh bóng tên tuổi. Để bảo vệ sự trong sạch, thuần khiết hoạt động của Thiện Tâm An Lạc, cô Nhung luôn nhắc nhở các thành viên trong nhóm phải hoạt động trên tinh thần cao thượng, chân thành, tự nguyện nhất; tuyệt đối không lấy danh nghĩa của nhóm để quảng cáo, bán hàng trục lợi cá nhân hay làm nổi bản thân trên các trang mạng xã hội. Với cô, Thiện Tâm An Lạc không có quy chế bắt buộc, mọi thành viên tham gia trên tinh thần tự nguyện, cùng chung tay góp sức với những hoạt động vì cộng đồng, cùng chung tình yêu thương với những mảnh đời bất hạnh. Ai có gì góp nấy, có tiền góp tiền, có vật phẩm góp vật phẩm còn không thì góp công sức, miễn là chân thành, không vụ lợi.

Nói về những kế hoạch, dự định trong tương lai cho những hoạt động thiện nguyện xã hội ý nghĩa của mình, cô Nhung mong muốn có thể tổ chức được nhiều hơn nữa những hoạt động sinh hoạt ngoại khóa cho các em học sinh tại các điểm trường còn nhiều khó khăn ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ công cụ, phương tiện làm việc cho người khuyết tật và đặc biệt là nhanh chóng tìm được địa điểm để mở lại mô hình “Quán cơm 5.000 đồng”. Một tấm lòng cho đi, một niềm vui trở lại, bằng niềm tin, sự đam mê và tấm lòng độ lượng, cô Nhung và các thành viên của Thiện Tâm An Lạc sẽ tiếp tục trên con đường nhân ái ấy, đến với những mảnh đời bất hạnh, xua tan đi những nhọc nhằn, gian khó trong những cuộc đời kém may mắn để làm tốt đẹp hơn, tự hào hơn truyền thống đạo đức cao đẹp của dân tộc Việt Nam:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng;

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Khánh Vi