A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình người giữa đại dịch

Đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ ba tại Việt Nam với diễn biến phức tạp, khó lường hơn so với hai lần trước. Nhưng cũng chính lúc này, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa những con người máu đỏ da vàng một lần nữa thắp lên ý chí quyết tâm cùng nhau vượt qua đại dịch.

C:\Users\Administrator\Desktop\8763c5a73cbfcfe196ae.jpg

Hệ thống siêu thị giải cứu nông sản Hải Dương. Ảnh minh họa

Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với số lượng ca nhiễm cộng đồng tiếp tục tăng lên, phần lớn tại Hải Dương. Tính từ 6h ngày 28-02-2021 đến 18h ngày 28-02-2021, Việt Nam ghi nhận thêm 16 ca mắc COVID-19 (Hải Dương 12 ca, Tây Ninh 03 ca, Đồng Tháp 01 ca). Đến nay tổng cộng có 1542 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-01 đến nay là 849 ca, riêng Hải Dương có 665 ca. Cùng với sự nỗ lực khẩn trương triển khai cấp bách các biện pháp nhanh chóng truy vết, khoanh vùng, dập dịch thì tình đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau đã và đang kết thành làn sóng mạnh mẽ để cả nước cùng nhau khống chế đại dịch. Lá lành đùm lá rách-truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam tiếp tục được thể hiện và minh chứng trong đợt dịch đầy khó khăn này.

Khẩn trương hỗ trợ lực lượng, phương tiện cho các địa phương bùng dịch

Ngay khi dịch bệnh xuất hiện trở lại, với điều kiện, kinh nghiệm chống dịch của một số tỉnh còn hạn chế, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị, chuyên gia đầu ngành về dự phòng, điều trị, xét nghiệm, truyền thông hỗ trợ tối đa cho Hải Dương, Quảng Ninh và các địa phương dập dịch trong thời gian sớm nhất.

Ngày 27-01-2021, sau khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại Hải Dương nhưng chưa xác định được nguồn lây, đánh giá mức độ nguy hiểm lây lan và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế đã có Công điện khẩn số 88/CĐ-BYT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ ngành y tế Hải Dương thực hiện điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm và điều trị COVID-19. Trong đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Trường Đại học Y Hà Nội, và Trường Đại học Y tế Công cộng hỗ trợ thực hiện xét nghiệm COVID-19; Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và Trường Cao đẳng Dược Trung ương-Hải Dương hỗ trợ điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm gửi các đơn vị được giao thực hiện xét nghiệm; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tổ chức thiết lập khu vực điều trị bệnh nhân nhiễm bệnh trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau đó, sáng sớm 28-01, 39 chuyên gia, kỹ thuật viên xét nghiệm thuộc bốn đơn vị của Bộ Y tế đã tới Hải Dương. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE) trực tiếp chỉ đạo toàn bộ công tác xét nghiệm, bốn cán bộ của NIHE trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm, sau đó vận chuyển về phòng xét nghiệm của Viện để thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR và giải trình tự gien với các mẫu dương tính. Sau khi lấy mẫu, NIHE phân bổ các mẫu cho bốn phòng xét nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hải Dương, Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai và NIHE để thực hiện xét nghiệm. Chiều ngày 28-01, Đại học Y Hà Nội cử 29 cán bộ (24 cán bộ lấy mẫu, ba cán bộ xét nghiệm, hai cán bộ hỗ trợ), Trường Đại học Y tế công cộng cử nhóm gồm ba kỹ thuật viên mang theo trang thiết bị lấy mẫu để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm theo điều phối của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Qua đó, chỉ trong ngày 28-01, khoảng 2.000 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được lấy và điều phối xét nghiệm hết ngay trong đêm.

C:\Users\Administrator\Desktop\anh 2.jpg

Phòng Hậu cần Công an tỉnh Phú Yên pha chế nước rửa tay sát khuẩn ủng hộ Công an tỉnh Hải Dương. Ảnh: bocongan.gov.vn

Sau khi Hải Dương thành lập Bệnh viện điều trị COVID-19 đặt tại Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh với quy mô hơn 200 giường, Bộ Y tế đã cử đồng chí Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo toàn bộ công tác điều trị; đồng thời, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai cử đoàn công tác xuống hỗ trợ cho Hải Dương về chuyên môn điều trị.

Tại tỉnh Gia Lai, Bộ Y tế đã cử các đoàn vào cắm chốt tại Gia Lai: Điều Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên sang hỗ trợ nâng công suất xét nghiệm của Gia Lai từ 200 mẫu/ngày lên 1.000 mẫu; điều chuyên gia của Viện Pastuer thành phố Hồ Chí Minh lên thiết lập thêm 1 labo xét nghiệm tại Gia Lai để nâng công suất xét nghiệm tại đây; đề nghị ngành y tế Đà Nẵng điều động ngay đội truy vết có kinh nghiệm của Đà Nẵng hỗ trợ Gia Lai về công tác truy vết. Rạng sáng ngày 03-02-2021, đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pastuer thành phố Hồ Chí Minh đã khẩn trương lên đường hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Gia Lai. Tiếp theo, ngày 04-02, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp đục điều động Đội phản ứng nhanh số 2 chi viện Gia Lai phòng chống dịch.

Điện Biên là địa phương thứ 11 ghi nhận ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Ngày 05-02, Bộ Y tế đã cử gần 30 chuyên gia, cán bộ của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và trang thiết bị cần thiết hỗ trợ tỉnh Điện Biên triển khai toàn diện các biện pháp phòng, chống dịch.

Ủng hộ, giúp đỡ các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhiều hoạt động thiện nguyện chung tay góp sức ủng hộ các địa phương có dịch đã diễn ra với giá trị vật chất khá lớn. Từ ngày 01-02 đến ngày 25-02, đã có gần 750 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài tỉnh gửi hơn 60 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương. Thành phần tham gia ủng hộ có nhiều người già, học sinh, các chức sắc tôn giáo, người Hải Dương đang sinh sống, làm việc công tác, học tập ở trong và ngoài nước. Nhiều người là công chức, viên chức, người lao động tự nguyện tham gia gửi tiền trực tiếp về tài khoản của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương. Chỉ trong tháng 2-2021, một số doanh nghiệp đã tham gia ủng hộ 2-3 lần, tiêu biểu như Tập đoàn An Phát Holdings ủng hộ 3 lần với 10 tỷ đồng tiền mặt, 20 tỷ đồng mua vaccine, 1,35 tỷ đồng bằng hiện vật…

Riêng đối với lực lượng Công an, đồng hành cùng Công an tỉnh Hải Dương chống dịch, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội đã trao tặng Công an tỉnh Hải Dương 75 nghìn khẩu trang y tế và 60 thùng mỳ hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu phòng, chống dịch; Phòng Hậu cần Công an tỉnh Phú Yên tự pha chế 300 chai nước rửa tay sát khuẩn theo tiêu chuẩn của WHO gửi đến ủng hộ cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hải Dương…

Cùng nhau giải cứu nông sản

Tại tâm dịch Hải Dương, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến tình trạng nông sản bị tồn ứ, khó tiêu thụ ngay tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo thống kê của tỉnh Hải Dương, tỉnh còn gần 4.100ha rau vụ đông đến kỳ thu hoạch; trong đó, có hơn 3.200ha hành, hơn 600ha cà rốt và hơn 250ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá, sản lượng ước tính khoảng 91.000 tấn. Hiện nay, khoảng 90% số cà rốt và 30% số rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá của tỉnh được xuất khẩu, còn lại tiêu thụ nội địa.

Trước tình hình đó, tại Thông báo số 1193/TB-VPCP ngày 24/02/2021, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ, có các giải pháp khả thi, kịp thời để tạo thuận lợi lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là đối với nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và nông sản tại các địa phương có dịch COVID-19, không để tình trạng ách tắc trong khâu giao nhận, vận tải làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, đồng thời bảo đảm yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định. Bộ Công Thương đẩy mạnh các hoạt động kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng tại thị trường trong nước và xuất khẩu; theo dõi, nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền.

Cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, tại các địa phương, các nhóm công tác xã hội, hệ thống cửa hàng, siêu thị đã và đang chung tay giúp sức tiêu thụ số nông sản của Hải Dương đang bị ứ đọng.

Đến thời điểm hiện tại, các hệ thống phân phối lớn tại phía Bắc như Central Group (chuỗi siêu thị BigC và Go!); Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart+), BRG Retail (Chuỗi siêu thị BRG Mart), Chuỗi siêu thị MMMegaMarket… đã và đang thu mua nông sản từ Hải Dương với số lượng lớn, đều đặn, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong bối cảnh người nông dân đang vào mùa thu hoạch. Hệ thống Saigon Co.op dự kiến sẽ bù chi phí để có thể bán ra khoảng 200-300 tấn nông sản trong một tháng hoặc đến khi tổng lượng nông sản toàn tỉnh Hải Dương cơ bản được tiêu thụ ổn định. Từ ngày 22-02, hệ thống đại siêu thị GO!/ Big C áp dụng chương trình bán hàng nông sản Hải Dương giá ưu đãi, gồm: cà rốt, bắp cải, súp lơ, hành lá… Dự kiến trong 1 tuần, GO!/ Big C miền Bắc sẽ tiêu thụ khoảng 70 tấn cho đến cuối vụ. Hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+ cũng tích cực tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn cho bà con nông dân Hải Dương bằng cách bán không lợi nhuận một số loại nông sản như cà chua, su hào, cà rốt, bắp cải, ổi…; dự kiến sản lượng tiêu thụ 70 tấn/tuần. Hệ thống siêu thị Mega Market VN (MM) tham gia giải cứu nông sản Hải Dương, bán tại Hà Nội, miền Trung và cả miền Nam với tiêu chí không lợi nhuận; hệ thống này đã đặt mua lô hàng đầu tiên với 24,3 tấn rau quả gồm su hào, cải bắp và ổi với tổng sản lượng nông sản được thu mua 70 tấn/tuần.

Tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều địa phương khác, các nhóm công tác xã hội, tổ chức hội, đoàn thể đã triển khai nhiều chương trình giải cứu nông sản Hải Dương, liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp, mua và vận chuyển nông sản từ Hải Dương với quy trình khử khuẩn nghiêm ngặt đảm bảo phòng, chống dịch bệnh ra các địa phương để bán cho người dân. Với tinh thần lá lành đùm lá rách, không quản ngại khoảng cách địa lý và nguy cơ dịch bệnh, chương trình giải cứu nông sản Hải Dương vẫn đang diễn ra sôi nổi và thu hút sự quan tâm, ủng hộ rất lớn từ người dân các địa phương để có thể giúp nông nghiệp Hải Dương giảm bớt áp lực tiêu thụ đầu ra các mặt hàng đã đến mùa thu hoạch, khắc phục một phần khó khăn tài chính các hộ nông dân đang phải đối mặt.

Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng bác ái”, khi phát biểu về vấn đề đạo đức xã hội tại nghị trường kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, từ những minh chứng thực tiễn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu rõ tình yêu thương đồng loại, con người là một trong năm yếu tố làm nên giá trị đạo đức tốt đẹp của Việt Nam được cả thế giới ghi nhận “Có đất nước nào mà lũ lụt, dịch bệnh như vừa rồi, người dân thương nhau, giúp đỡ nhau đến như vậy”… Đoàn kết, yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn đã và đang được nhân dân ta thể hiện rõ nét, là nét đẹp và niềm tự hào dân tộc trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Khánh Vi