A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống: Đọc sách

Dạo quanh trên đường phố vào một buổi sáng cuối tuần, tôi chợt ghé vào một nhà sách trên tuyến phố trung tâm. Đập vào mắt tôi cùng những cảm xúc ban đầu đó là ngỡ ngàng… Những em nhỏ chăm chú vào những quyển truyện tranh đầy sắc màu hay những trang sách thú vị giải thích về các hiện tượng trong cuộc sống… Một vài người lớn đang loanh quanh mẩn mê tìm cho mình một cuốn sách ưng ý về tâm lý giáo dục, triết lý cuộc sống hay từ điển ngoại ngữ. Chợt cảm thấy thật hay, thật thú vị, một niềm hứng khởi choán lấy suy nghĩ tôi, thì ra bấy lâu nay tôi dường như quên mất thói quen bổ ích này: Đọc sách.

C:\Users\Administrator\Downloads\20190623_092917.jpg

Không gian đọc sách tại Nhà sách Phương Nam-TP.Kon Tum

Đọc sách, giá trị vững bền với thời gian mà không một ai có thể phủ nhận. Có biết bao những con người thành công trên thế giới đã thay đổi cuộc đời họ nhờ đọc sách, và rồi khi thành công họ lại cho ra đời những cuốn sách hay để ghi dấu bài học cho thế hệ sau. Sách không đơn thuần chỉ là những trang giấy mà trong đó còn chứa đựng một thế giới mà con người luôn khao khát được khám phá. Từ những cuốn sách vang danh thế giới của những tác giả nổi tiếng đến những tập thơ trữ tình, bộ truyện tranh thú vị hay tác phẩm tâm lý, giáo dục, tình yêu, cuộc sống luôn mang lại cho người đọc nguồn cảm hứng bất tận về giá trị đời thường hiện hữu xung quanh. Sách cho con người tri thức, hiểu biết và kiến thức tổng hợp về mọi phương diện của đời sống xã hội, giúp con người thêm kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sản xuất, lao động, học tập và trau dồi tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ, tư duy, giúp cho “con người sống người hơn” trong một xã hội luôn phức tạp và đầy biến động.

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet và sự bùng nổ về mặt thông tin, con người chìm đắm vào thế giới ảo với những chiếc điện thoại smartphone, ipad, máy tính bảng hay các thiết bị điện tử thông minh khác cùng “văn hóa nghe, nhìn” mà vô tình quên đi một thói quen đẹp của cuộc sống, đó chính là văn hóa đọc sách. Lợi ích đọc sách mang lại là vô cùng to lớn. Đọc sách để thấy chính con người mình trong từng nhân vật, để tự nhìn lại bản thân qua từng trang giấy, để trải lòng suy tư, tìm kiếm động lực cho một cuộc đời tốt đẹp hơn và quan trọng hơn hết, đọc sách để học tập, để trau dồi kiến thức và thay đổi cuộc đời đúng như thực tiễn đã chứng minh. Tác giả, diễn giả hàng đầu thế giới Tony Robbins đã nói “Sách cứu rỗi cuộc đời tôi… Tôi từng đọc rất nhiều và rất nhanh, khoảng 700 cuốn sách trong vòng 7 năm về đủ mọi lĩnh vực từ tâm lý, triết học… tất cả mọi thứ có thể giúp thay đổi cuộc sống của tôi”; doanh nhân, nhà đầu tư nổi tiếng của Mỹ Mark Cuban dành khoảng 3 tiếng để đọc sách mỗi ngày; Mark Zuckerberg-người sáng lập facebook “cai nghiện” truyền thông bằng cách đọc sách; tỷ phú Bill Gates coi việc đọc sách là thói quen không thể bỏ mỗi ngày và đặt ra những quy tắc riêng cho mình; nhà đầu tư tỷ phú Warren Buffett đọc 600 trang sách mỗi ngày và rất nổi tiếng với câu nói “Tôi thường ngồi trong văn phòng và đọc hầu như tất cả mọi ngày”… Đó là những ví dụ thực tiễn cho thấy sách mang lại giá trị thực, rất thực nếu mỗi con người biết cách tận dụng và phát huy những giá trị ấy.

Với đối tượng là trẻ em càng cần phải được phát triển văn hóa đọc. Đọc để tìm tòi, để khám phá, để phát triển tư duy, để mở mang tâm hồn vốn còn nhiều non nớt, thơ ngây. Khi được hỏi về niềm đam mê đọc sách và cảm nhận của bản thân về ích lợi của việc đọc sách, em Ngô Võ Quỳnh Trang, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho hay: “Em rất thích đọc sách; em thường đến nhà sách 2-3lần/tuần để đọc các đầu sách của tác giả chuyên viết về đề tài thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh. Mong rằng niềm vui đọc sách sẽ tiếp tục được lan tỏa rộng rãi trong các bạn học sinh bởi việc đọc sách là rất thú vị và bổ ích”. Nhưng, trong xã hội hiện đại, các bậc cha mẹ thường tự viện dẫn cho chính mình đủ những lý do chính đáng để không có thời gian đưa con đến nhà sách và đọc sách mà thay vào đó là cho chúng sử dụng điện thoại thông minh, ipad, máy tính để coi phim, chơi game… Cứ thế trôi qua, dần dần những đứa trẻ ấy vẫn không thể biết được văn hóa đọc sách là gì, tư duy nghiền ngẫm là gì và rồi tâm hồn chúng cứ mãi loanh quanh, bó hẹp trong một thế giới ảo do chính cha mẹ chúng góp phần tạo ra. Trao đổi với tôi, chị Lan (hiện là giáo viên Trường Tiểu học số 1 thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) thường đến đọc và mua sách tại Nhà sách Phương Nam (TP.Kon Tum) cho biết: “Tôi rất đam mê đọc sách, tôi rèn luyện cho các con và học sinh của tôi thói quen này. Mỗi lần xuống Kon Tum, tôi đều đưa các con ghé qua nhà sách để đọc và mua một vài quyển sách các cháu thích. Phải biết chọn đúng thể loại sách mà cháu yêu thích, truyền cho cháu một cảm hứng từ các nhân vật thành công từ sách để khơi dậy trong các cháu một niềm hứng khởi đọc sách. Đối với học sinh, thỉnh thoảng tôi tặng các cháu một số đầu sách hay phù hợp với tính cách và sở trường của từng cháu như Hạt giống tâm hồn, Thời thơ ấu của các Tổng thống Mỹ…, xây dựng cho các cháu thói quen đọc sách thay vì chỉ chú trọng dạy kiến thức đơn thuần từ sách giáo khoa, để qua đó không chỉ cung cấp cho các cháu kiến thức mà còn hình thành trong tâm hồn trẻ những kỹ năng sống cần thiết phục vụ tốt hơn cho cuộc sống của các cháu sau này”. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 02 nhà sách lớn tại thành phố là Nhà sách Thời đại và Nhà sách Phương Nam, cùng một số địa điểm mua bán, phát hành sách tư nhân. Nhìn chung, với số lượng này đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh. Theo một nữ nhân viên bán hàng tại Nhà sách Phương Nam “Hiện đang là mùa nghỉ hè nên số lượng khách đến đọc và mua sách là khá đông, rải đều các ngày trong tuần nhưng thường tập trung vào ngày nghỉ cuối tuần, phần lớn là các em học sinh ở độ tuổi thiếu nhi với sự hướng dẫn, kèm cặp của các bậc phụ huynh. Số lượng các bạn thuộc độ tuổi thanh, thiếu niên đến đọc và mua sách là khá ít”.

Để đánh giá cao tầm quan trọng của văn hóa đọc, trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại Thủ đô Paris (diễn ra từ ngày 25/10/1995 đến ngày 16/11/1995), UNESCO đã quyết định lấy ngày 23/4 hằng năm là “Ngày sách và bản quyền thế giới” nhằm đảm bảo cho mọi người khám phá và thỏa mãn sở thích đọc, đồng thời là dịp để tôn vinh những tác giả đã có nhiều đóng góp cho sự tiến bộ văn hóa, văn minh xã hội của nhân loại. Đọc sách và những giá trị vững bền sẽ còn mãi theo thời gian nếu mỗi cá nhân biết trân trọng, giữ gìn. Đọc sách không chỉ là đọc con chữ, mà đó là đọc cuộc đời. Hãy đọc, hãy yêu từng trang giấy, hãy ngẫm từng con chữ và nâng niu những cuốn sách như những nguồn sáng quý giá xóa đi một vài bóng tối trong cuộc đời; hoặc cũng có thể là niềm vui lấp đầy những khoảng trống trong một tâm hồn đang cần lắm sự yêu thương. Dẫn lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh-vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam: “Bất luận làm việc công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn…”.

Khánh Vi