A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi nhân dân là nền tảng, động lực tinh thần thúc đẩy mọi hoạt động. Người hi sinh cả cuộc đời vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì cuộc sống hòa bình, độc lập, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Những lời dạy của Người về xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân sẽ là bài học cao quý cho các thế hệ sau học tập, noi gương.

C:\Users\Administrator\Desktop\tải xuống.jpg

Trong cuộc đời cách mạng của mình, quần chúng nhân dân đã trở thành tư tưởng, niềm tin và động lực thúc đẩy mọi hoạt động của Người. Đối với Hồ Chí Minh, nhân dân là phạm trù cao quý nhất, một phạm trù chính trị chủ đạo trong học thuyết cách mạng của Người: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”; “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”… Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; cán bộ, đảng viên là công bộc, là đày tớ của nhân dân, phải lấy dân làm gốc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Ở những ngày tháng cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta nhiệm vụ cao quý “phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, bởi lẽ “nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh”, song “nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”. Chính vì vậy, Đảng ta phải luôn chăm lo cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong mọi giai đoạn cách mạng và trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm về “nhân dân” là một nội dung cơ bản và chiếm vị trí trung tâm, chi phối. Quán triệt và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân là một trong những nội dung trọng yếu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Với những quan điểm về nhân dân trên nhiều khía cạnh, nhiều lĩnh vực, tư tưởng của Người về xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân là nội dung quan trọng trong tình hình hiện nay.

Thứ nhất, tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân.

– Theo Người, tôn trọng nhân dân trước hết phải có thái độ đánh giá đúng vai trò, vị trí của nhân dân, có dân là có tất cả, “vô luận việc gì, đều do người làm ra, từ nhỏ đến to, từ gần đến xa đều thế cả”. Người chỉ ra rằng: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”. Theo Người, “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng… Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Muốn thực sự tôn trọng nhân dân thì phải hiểu dân. Được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân. Kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định: “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong”.

Cùng với thái độ đánh giá cao vai trò của nhân dân, ý thức tôn trọng nhân dân còn phải đặc biệt chú ý không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của dân, không xúc phạm nhân dân. Phải luôn tôn trọng và giữ gìn của công, của nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ, tôn trọng nhân dân có nhiều cách, “Không phải ở chỗ chào hỏi kính thưa có lễ phép mà đủ. Không được phung phí nhân vật lực của dân. Khi huy động nên vừa phải, không nên nhiều quá lãng phí vô ích. Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng dân”.

– Phát huy dân chủ là một khía cạnh biểu hiện ý thức tôn trọng nhân dân. Dân chủ được Người giải thích súc tích, ngắn gọn là dân làm chủ và dân là chủ. Hồ Chí Minh kiên trì xây dựng một nhà nước thật sự dân chủ-nhà nước của dân, do dân, vì dân. Mối quan tâm hàng đầu của Người là làm cho mọi người dân hiểu nhà nước mới, chế độ mới khác nhà nước cũ, chế độ cũ ở điều quan trọng nhất là giá trị dân chủ. Dân chủ tức là nhân dân có quyền làm chủ và phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân. Nước dân chủ, chế độ dân chủ thì bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới là trách nhiệm của dân… Trong nước dân chủ thì địa vị cao nhất là dân, dân là quý nhất, lực lượng nhân dân là mạnh nhất.

Phát huy dân chủ là phát huy tài dân. Bởi vì, “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Muốn phát huy dân chủ, thì phải chịu khó nghe dân, gặp dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân. Học hỏi dân để lãnh đạo dân, Hồ Chí Minh khẳng định: “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”.

Phát huy dân chủ là phải cùng dân chúng bàn bạc, giải thích cho dân chúng hiểu rõ. “Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm”. Phát huy dân chủ là tìm đủ cách giải thích cho dân hiểu, ngay cả những việc trực tiếp có lợi cho dân, nếu làm theo cách ra lệnh cưỡng bức, thì dân không hiểu, dân oán. Trên cơ sở tin vào dân chúng, phát huy dân chủ là “Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kién dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”.

– Về chăm lo đời sống nhân dân, cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân; làm sao cho dân đủ cơm ăn, đủ áo mặc, được học hành đầy đủ, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Hơn một tháng sau khi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người nhấn mạnh: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó khăn đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân. Phải châó đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”.

Sau khi đã dành được độc lập rồi thì vấn đề kiến quốc, nâng cao đời sống nhân dân là hết sức quan trọng. Bởi vì, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Từ nhận thức đó, cùng với chỉ đạo kháng chiến, Hồ Chí Minh tập trung vào nhiệm vụ kiến quốc, chăm lo đời sống của dân. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự biết rõ giá trị của tự do, của độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ…”

Thứ hai, đạo đức Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân.

– Ý thức tôn trọng nhân dân ở khía cạnh đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện rõ trong quan niệm: “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”. Tôn trọng nhân dân trong đạo đức Hồ Chí Minh là đề cao ý dân, sức dân, bởi “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Vì vậy, đối với dân ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, yêu kính nhân dân, thật sự tôn trọng nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức về tôn trọng nhân dân là không xâm phạm đến nhân dân mà một trong những biểu hiện rõ nhất là thực hành chữ Liêm. Liêm là không tham lam, tham ô, tham nhũng. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ trung ương, đề dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân… Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu”. Liêm phải đi với Kiệm, có kiệm mới liêm được, vì xa xỉ mà sinh ra tham lam. Trách nhiệm của Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, những người “ăn lượng của dân, làm việc cho dân, phải được dân tin cậy”. “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”.

– Đạo đức Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ: Nhận thức khoa học và giải quyết tốt quan hệ giữa cán bộ, lãnh đạo với nhân dân trong chế độ dân chủ là một nội dung trọng yếu của đạo đức trong phát huy dân chủ. Sự vi phạm đạo đức về mặt dân chủ có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên là nhận thức lhông đúng về vai trò của cán bộ lãnh đạo, dẫn đến độc quyền, mệnh lệnh, áp đặt kiểu “quan chủ”. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nắm chắc quan điểm giai cấp, theo đúng đường lối nhân dân, thành tâm học hỏi quần chúng, kiên quyết dựa vào quần chúng, phát động quần chúng thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo; phải thực sự cầu thị, không được chủ quan.

Trong khi đề cao đạo đức về ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, Hồ Chí Minh nhấn mạnh cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh. Bởi vì nguyên nhân của bệnh ấy là do cán bộ ta xa dân nên không hiểu biết tâm lý, nguyện vọng của nhân dân. Khinh nhân dân, cho là “dân ngu khu đen”, bảo sao làm vậy, không hiểu được chính trị, lý luận cao xa như mình”; “cho dân là dốt không biết gì, mình là thông thái tài giỏi”.

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân là phát huy quyền của người dân về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe…; phải quan tâm phát triển năng lực, tiềm năng của mỗi người dân. Không thèm bàn bạc với dân chúng. Sợ nhân dân, khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình mình. Không tin cậy nhân dân, họ quên rằng không có lực lượng nhân dân thì việc nhỏ mấy, dễ mấy cũng làm không xong, có lực lượng nhân dân thì việc khó mấy, to mấy làm cũng được. Không hiểu biết nhân dân, họ quên rằng nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực, không thể lý luận suông, chính trị suông. Không yêu thương nhân dân, họ chỉ biết đòi hỏi nhân dân, không thiết thực giúp đỡ nhân dân, có nơi bệnh quan liêu, mệnh lệnh trầm trọng đến nỗi cán bộ lừa phỉnh dân, dọa nạt dân. Theo Bác, đó là một sự sai lầm nguy hiểm lắm, phải mau mau chữa bệnh nguy hiểm ấy.

– Đạo đức Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân thể hiện rất rõ ở quan điểm khi Người nói về đạo đức cách mạng là: “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”. Hồ Chí Minh quan niệm phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất của người cách mạng là “yêu nước, thương dân”, thương nhân loại bị áp bức, bóc lột , lấy điều là động cơ để làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. “Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”. Theo Hồ Chí Minh, người cách mạng phải đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, để hết lòng, hết sức đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, người lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Chăm lo đời sống nhân dân là sứ mệnh của Đảng ngay từ khi ra đời. “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.

Chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và hạnh phúc. Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là giải phóng nhân dân lao động khỏi nghèo nàn, lạc hậu: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”.

Thứ ba, phong cách Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân.

– Phong cách Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân xuất phát một cách tự nhiên từ nhân cách, cuộc đời, cái tâm, cái đức vì nước, vì dân của Người và được thể hiện bằng nhiều cách. Người chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình mình. Theo Hồ Chí Minh, cán bộ lãnh đạo quần chúng nhưng đồng thời phải không ngừng học hỏi quần chúng, tôn trọng quyền làm chủ của quần chúng theo tinh thần lãnh đạo là đày tớ, quần chúng là chủ. Người không bao giờ tự đặt mình cao hơn người khác để đòi hỏi một sự tâng bốc, suy tôn, không bao giờ tỏ ra vĩ đại để đòi hỏi nhân dân thừa nhận mình là vĩ đại. Hồ Chí Minh có cách giao tiếp hoàn toàn mới giữa lãnh tụ và quần chúng nhân dân, thể hiện thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng con người. Người có sự độ lượng, khoan dung, nâng con người lên chứ không phải hạ thấp con người.

Hồ Chí Minh yêu trẻ, kính già, trọng phụ nữ. Đón các cháu thiếu niên, nhi đồng, Người nói với các đồng chí phục vụ rằng: Ở nhà các cháu là con, là cháu của các chú, nhưng vào đây các cháu là khách của Bác. Trong Di chúc, Người dặn Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Những điều đó toát lên một tư tưởng lớn về một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ. Hồ Chí Minh kính trọng người già với một thái độ khiêm nhường, thể hiện một nhân cách văn hóa lớn. Là một lãnh tụ được tôn vinh là “cha già dân tộc”, được các tầng lớp nhân dân, cả bạn bè thế giới gọi là Bác Hồ, nhưng Hồ Chí Minh vẫn xưng là cháu đối với cụ Phùng Lục 90 tuổi, một phụ lão cứu quốc ở huyện Ứng Hòa, Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội) đang đem món tiền 500 đồng đến gặp Chủ tịch để sung vào Quỹ kháng chiến kiến quốc vào tháng 2/1948.

– Phong cách Hồ Chí Minh trong phát huy dân chủ xuất phát từ chỗ tôn trọng nhân dân, đề cao vị trí, vai trò của nhân dân. Dù bận rất nhiều công việc đối nội, đối ngoại, nhưng về với dân, đến với quần chúng, để học dân, hỏi dân, hiểu dân, nghe dân nói, thấy dân làm, để nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý là nhu cầu thường trực của Bác. Phong cách ấy làm cho lãnh tụ và quần chúng gần gũi, đồng cảm sâu sắc nhất, từ đó mọi người có thể nói hết những suy nghĩ, trăn trở của mình, còn Người thấu hiểu và có cơ sở giải quyết nguyện vọng, ý kiến chính đáng nhân dân. Người nói: “Cán bộ đi về hợp tác xã không phải chỉ vào nhà chủ nhiệm để có chỗ ở sạch sẽ và có cơm nước đàng hoàng mà phải đi vào nhân dân”, phải “ba cùng”. Phê bình thói “quan trên về làng”…

Cùng với thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng với cách làm việc tập thể, dân chủ, tôn trọng tập thể, phát huy sức mạnh, cái thông minh của tập thể, phong cách phát huy ý thức dân chủ của Hồ Chí Minh còn thể hiện rất rõ đối với quần chúng, phát huy tinh thần làm chủ tập thể của mọi người. Khi bàn cách làm và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt” với một số cán bộ, Người nói” “Bác muốn bàn luận dân chủ, các chú có ý kiến gì trái với Bác thì cứ cãi, nhất trí rồi về làm mới tốt được. Không nên: Bác nói gì, các chú cũng cứ ghi vào sổ mà trong bụng thì chưa thật rõ, rồi các chú không làm, hay làm một cách qua loa”.

Để thực hiện phong cách dân chủ, cần phải hiểu: “Nếu quần chúng nói mười điều mà cỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích. Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”. Người chỉ rõ: “Để phát triển ưu điểm, điều quan trọng nhất là để cho dân nói. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng bàn với dân; dân sẽ có ý kiến hay”. Theo Hồ Chí Minh, dân chủ, sáng kiến, hăng hái ba điều đó có quan hệ chặt chẽ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái và người khác cũng học theo.

– Phong cách Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân, theo Hồ Chí Minh, Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải gần gũi nhân dân, quan tâm đến cả những việc nhỏ trong đời sống hằng ngày của nhân dân. Người khẳng định: “chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải lãnh đạo tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”.

Hồ Chí Minh luôn gương mẫu, thực hiện nói đi đôi với làm, “gần dân” thì phải tăng cường tiếp xúc với dân. Khi đi thăm dân, Người không muốn tiệc tùng tốn kém theo kiểu “khách ba, chủ nhà bảy” để mang tiếng với dân. Người cũng phê bình việc liên hoan chè chén lu bù phổ biến ở nhiều địa phương, như bắt đầu cấy cũng liên hoan, cấy xong cũng liên hoan, rồi huyện về điều tra cũng liên hoan, tiễn cán bộ huyện đi cũng liên hoan, nghe nói họp bàn về tiết kiệm cũng liên hoan mấy con lợn…

Với ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ của nhân dân và chăm lo đời sống của nhân dân, Hồ Chí Minh đã hóa thân một cách toàn vẹn và trọn vẹn vào trong nhân dân. Tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực này chỉ dẫn chúng ta học tập và làm theo Người để lãnh đạo và tổ chức nhân dân thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” hiện nay. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nhân dân sẽ mãi là ngọn đuốc sáng ngời soi đường xây dựng mối quan hệ bền chặt, keo sơn giữa mỗi người cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân, là động lực thúc đẩy mỗi người dân cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu mạnh, xứng danh với các cường quốc năm châu trên thế giới./.

Khánh Vi