A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số vấn đề thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng trong Công an nhân dân (phần 1)

          Xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới, xứng đáng là một trong những lực lượng trung thành nhất với Đảng, chỉ biết “còn Đảng thì còn mình” với nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Công an nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt đòi hỏi mỗi tổ chức đảng trong Công an nhân dân phải làm tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng.

          Đảng ta xác định giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng: Trong suốt quá trình hoạt động, Đảng không những luôn coi trọng mà còn xác định kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng, nội dung lãnh đạo của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã khẳng định kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng: "Muốn lãnh đạo tốt, … phải tăng cường việc kiểm tra, xem xét để kịp thời phát hiện những kinh nghiệm thành công hoặc thất bại mà bồi bổ cho công tác lãnh đạo của mình. Lãnh đạo mà không kiểm tra thì lãnh đạo sẽ trở thành quan liêu”. Công tác giám sát là khâu rất quan trọng vì nó là nhiệm vụ thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng và uỷ ban kiểm tra các cấp; đồng thời là một bộ phận rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng cũng như trong toàn bộ công tác lãnh đạo của Đảng. Trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền thì càng phải tăng cường công tác giám sát của Đảng. Điều 30 Điều lệ Đảng nêu rõ: “Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Tổ chức đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng”.

 

          Qua thực tiễn, Đảng ta đã khẳng định: Công tác kiểm tra, giám sát là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền. Báo cáo xây dựng Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã rút ra một trong năm bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, trong đó khẳng định công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là: “Đảng phải tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của Đảng để phát huy ưu điểm, phòng ngừa và khắc phục kịp thời sai lầm, khuyết điểm; kiểm tra, giám sát công tác, năng lực và phẩm chất của cán bộ, đảng viên.”.

          Đối với tổ chức đảng trong Công an nhân dân, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 192-QĐ/TW ngày 18/5/2019 về tổ chức đảng trong CAND Việt Nam nhằm thực hiện nguyên tắc "Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng Công an nhân dân và chức năng lãnh đạo mọi mặt của các cấp ủy đảng trong Công an nhân dân đối với các đơn vị thuộc quyền". Theo đó, đồng chí Bí thư của tổ chức đảng sẽ đồng thời là Thủ trưởng đơn vị, đây cũng là một trong những điểm đặc biệt, tạo nên sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ đảng đối với đơn vị thuộc quyền, tương xứng.

          Tuy nhiên, một số tổ chức cơ sở đảng trong quá trình tổ chức thực hiện Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng (thay thế Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng) đã có sự nhầm lẫn giữa công tác giám sát thường xuyên và công tác giám sát chuyên đề, giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với việc đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đối với đơn vị, cán bộ thuộc quyền.

          Trước tiên ta cần làm rõ thế nào là kiểm tra, giám sát, giám sát thường xuyên; giám sát chuyên đề để xác định được sự khác biệt giữa các mặt công tác này và công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đối với đơn vị, cán bộ thuộc quyền.

          - Kiểm tra của Đảng là việc các tổ chức đảng xem xét, đánh giá, kết luận về ưu điểm, khuyết điểm hoặc vi phạm của cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

          - Giám sát của Đảng là việc các tổ chức đảng quan sát, theo dõi, nắm bắt, xem xét, đánh giá kết luận hoạt động nhằm kịp thời tác động để cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên được giám sát chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, vi phạm (nếu có).

          - Giám sát thường xuyên là việc cấp uỷ cấp trên thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình thông qua việc dự họp, nghiên cứu tài liệu, báo cáo hoặc qua các nguồn thông tin phản ánh về cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên được giám sát trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có biện pháp tác động, điều chỉnh, khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm (nếu có) từ sớm. Theo đó, giám sát thường xuyên có hai hình thức:

          + Giám sát trực tiếp là việc cấp uỷ cấp thông qua các kỳ họp định kỳ, đột xuất hoặc thông qua sinh hoạt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của cấp uỷ, tổ chức đảng để đối thoại, trao đổi, nghe tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp báo cáo.

          + Giám sát gián tiếp là việc cấp uỷ cấp trên xem xét, nghiên cứu các báo cáo hoạt động của tổ chức đảng cấp dưới; các thông báo kết luận về các cuộc kiểm tra, giám sát; kết quả tự phê bình và phê bình; ý kiến trao đổi, phản ánh, kiến nghị của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; kết quả kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng; phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng; xem xét đơn thư, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của đảng viên và quần chúng Nhân dân.

          - Giám sát chuyên đề là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá vấn đề hoặc hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên chịu sự giám sát trong việc chấp hành một nội dung, lĩnh vực cụ thể trong Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

          Như vậy, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng (không bao gồm giám sát trực tiếp) luôn gắn liền với việc xem xét, đánh giá, kết luận đối với những sự kiện, vụ việc cụ thể liên quan đến cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát nhằm đề ra các giải pháp, định hướng khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm trong thời gian tới; khác với công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao bởi Thủ trưởng đơn vị đối với các đơn vị, cán bộ thuộc quyền thường xuất phát từ thời điểm giao nhiệm vụ cho đến khi hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc, nhiệm vụ được giao.

          Việc kết hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và công tác kiểm tra, đôn đốc theo chức năng quản lý điều hành đơn vị sẽ tạo nên tính thống nhất, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đồng thời xây dựng Đảng trong Công an nhân dân, xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ được giao, xứng đáng là một trong những lực lượng trung thành nhất với Đảng, chỉ biết “còn Đảng thì còn mình”, là “Thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

(Còn tiếp phần 2)

 


Tác giả: Phan Tiên
Tin liên quan